Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói về những vấn đề nóng cần được giải quyết ngay.

Nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng

Thưa ông, nhiều tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một điểm sáng hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu. Về số liệu thống kê tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm nay, ông có nhận xét thế nào?

Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 8% - gần gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới và 2 lần so với Châu Á. Đó là số liệu thật.

Tuy nhiên, thực trạng kinh tế Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 rất khó khăn. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đều đang trên đà suy giảm.

Ví dụ, xuất khẩu giảm 11,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2%; giải ngân vốn FDI giảm 0,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của quý 1 năm nay, thể hiện người dân đang phải thắt lưng buộc bụng trở lại.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn là vấn đề cấp bách phải được đặt ra.

Đặc biệt là niềm tin của giới kinh doanh đang ở mức thấp. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95 nghìn, giảm 3,7% so với cùng kỳ, còn số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 88 nghìn, tăng đến gần 23%. Với các doanh nghiệp đang hoạt động, phần lớn phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã chết lâm sàng. Khu vực kinh tế tư nhân, một trong những thành quả quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta, đang suy yếu rất rõ.

Nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta chậm lại. Mặt khác, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn lại đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

Cần khoan thư sức dân

Vậy nếu ông là một nhà điều hành kinh tế, ông sẽ tập trung vào các giải pháp nào trong bối cảnh hiện nay?

Chính phủ đã rất quyết tâm thúc đẩy đầu tư công và khởi động lại nhiều dự án trọng điểm đắp chiếu. Ngân hàng Nhà nước đã dũng cảm đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn nợ. Còn Bộ Tài chính đã thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp.

Dù vậy, liều lượng của các chính sách kể trên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tôi cho rằng, cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh, cán cân thương mại đang thặng dư lớn (5 tháng xuất siêu 9,8 tỷ USD), còn nợ công mới ở mức hơn 43% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc Hội quy định.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động chỉ đạt con số 95 nghìn, giảm 3,7% so với cùng kỳ

Dư địa của các chính sách tài khoá, tiền tệ còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách "khoan sức dân", hỗ trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào. Các đề xuất theo kiểu tăng giá điện, tăng thuế mặt hàng nước uống có đường, áp chi phí tái chế bao bì cho các ngành sản xuất,... nên dừng lại.

Việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng.

Dường như đó là những giải pháp về mặt ngắn hạn, mang tính nhất thời và sự vụ để giúp các doanh nghiệp cầm cự được trong một thời gian ngắn. Còn về dài hạn, theo ông, cần làm gì để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững?

Để nền kinh tế có thể vượt qua những khó khăn hiện nay, cần những quyết sách mạnh mẽ hơn. Trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương phải được phân định rõ như một kỷ luật thép để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, tạo được tác động lan toả trong nền kinh tế.

Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

Hơn 70% các dự án đầu tư xây dựng đang gặp khó khăn về pháp lý. Đó là sự cảnh báo về tình trạng trì trệ nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, khu vực doanh nghiệp nội địa đang suy kiệt, việc thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp là rất quan trọng.

Chiếc áo thể chế quá chật

Đứng trước những khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, nhiều tổ công tác đã được thành lập để đi khắp nơi giải cứu. Ông có nhìn nhận điều đó như thế nào?

Thủ tướng và Chính phủ đã thể hiện những nỗ lực quyết liệt như một vị đốc công, tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đột phá vào tảng băng “né tránh trách nhiệm, lo sợ oan sai” của chính quyền các cấp.

Trong 5 tháng đầu năm đã có gần cả ngàn các quyết định, chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng và các chuyến đi thị sát dồn dập của ông và các tổ công tác đến các địa phương để đôn đốc triển khai công việc. Việc Quốc hội áp dụng các cơ chế đặc thù cho Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố khác cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc Chính phủ phải làm đốc công, Quốc hội phải ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho thấy, thể chế, chính sách chung có nhiều vấn đề, nhiều vướng mắc. Chiếc áo thể chế đã quá chật so với nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thị sát tuyến metro số 1. Ảnh: MAUR

Trước thực tế đó, cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế lại một lần nữa trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Tôi vô cùng tiếc nuối khi Chính phủ không ban hành một Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, năng cao cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 như những năm trước.

Tôi mong rằng, Chính phủ nên khôi phục lại nghị quyết quan trọng này từ năm sau để nó tiếp tục là chương trình quốc gia, giúp nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể để tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của Bộ ngành địa phương.

Việc xây dựng thể chế mới để tạo đột phá cho nền kinh tế là cấp thiết hơn bao giờ hết, ví dụ qua câu chuyện của Bộ KHĐT và TP.HCM. Ông nghĩ sao về điều này?

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng pháp luật của chúng ta là loại bỏ được những chồng chéo, xung đột, bất nhất trong các quy định pháp luật. Hệ thống luật pháp như vậy rất khó không chỉ với doanh nghiệp, người dân mà cả với cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình thực thi.

Mỗi văn bản, mỗi vấn đề mà được giải thích theo nhiều cách khác nhau là điều không thể chấp nhận được, mang  lại rui ro rất lớn trong kinh doanh.

Cuộc tranh luận giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rất rõ những quy định pháp luật không rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm.

Không vơ thuận lợi vào mình, đẩy khó cho dân

Quốc hội cũng đang có những thảo luận về việc ai sẽ chủ trì làm luật, ban soạn thảo nằm ở đâu,… để tạo hành lang thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp mà vẫn hạn chế được việc cài cắm “lợi ích nhóm”. Quan điểm của ông?

Trong điều kiện của nước ta, các cơ quan Chính phủ soạn thảo các dự án, đề án pháp luật là hợp lý vì nó gắn với thực tiễn của cuộc sống và phù hợp với hệ thống chính trị của nước ta.

Nhưng làm sao cho các cơ quan quản lý trực tiếp không cài cắm các lợi ích nhóm và xây dựng được hệ thống pháp luật cân bằng, hài hòa, trung lập hơn thì cần tổ chức lại việc xây dựng luật.

Tôi cho là không nên giao nhiệm vụ cho các vụ quản lý chuyên ngành. Các vụ chuyên ngành cùng một lúc cấp giấy phép và trực tiếp xây dựng các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực đó rất dễ dẫn đến tình trạng họ tìm cách tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó cho người dân và doanh nghiệp.

Vì thế, cần tăng cường bộ phận pháp chế và các bộ phận nghiên cứu tổng hợp hay các Viện nghiên cứu của các Bộ, ngành và giao cho các Vụ Pháp chế và Viện nghiên cứu là cơ quan chấp bút, soạn thảo. Các vụ chuyên ngành không trực tiếp soạn thảo dự thảo luật để tránh tình trạng họ cài cắm điều kiện kinh doanh vào luật.

Điều quan trọng nhất trong xây dựng thể thế là những người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách lĩnh vực này. Xây dựng pháp luật phải là nhiệm vụ trung tâm của họ. Họ không thể đùn đẩy cho cấp phó làm luật, còn mình thì đi cắt băng khánh thành, hay khởi công dự án khắp nơi.

Lan Anh ghi