Dễ quản lý, tiện sử dụng, không tốn kém
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Căn cước sửa đổi (trước là Luật Căn cước công dân) vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.
Theo Báo cáo, việc sửa đổi, bổ sung những quy định về căn cước nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Về đối tượng áp dụng, Dự thảo luật áp dụng cả cho những người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Đáng lưu ý, liên quan đến đề nghị cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi (không bắt buộc, không thay thế giấy khai sinh) - vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đánh giá thêm tác động, làm rõ chi phí, ngân sách bảo đảm triển khai - Chính phủ khẳng định, việc bổ sung quy định này là khả thi, không gây tốn kém, thậm chí còn tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người, chẳng hạn có thể sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho việc dùng mực lăn tay, chỉ bản, nên có thể thu nhận được vân tay của người từ đủ năm tuổi trở lên mà vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ Công an cũng đã rà soát, đánh giá và thấy rằng, khi thực hiện quy định mới, xã hội sẽ không tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000 đồng/sổ/cơ sở y tế; trung bình một trẻ khám hai, ba cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000 đồng/thẻ/năm), thẻ học sinh (5.000 đồng/thẻ/năm học/người)…
Với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, Chính phủ ước tính số tiền mà Nhà nước và xã hội phải chi cho một số ít loại giấy tờ trên khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/trang)… Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Giả sử tất cả 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp căn cước, chi phí sẽ khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chi phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách nhà nước.
Cũng theo dự thảo, căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Còn bảo mật thì sao?
Băn khoăn lớn nhất của xã hội về dự thảo luật là tính bảo mật đời tư khi quy định tích hợp thông tin vào thẻ căn cước.
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước (như thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn…) vào thẻ căn cước. Thẻ căn cước đã tích hợp có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về người dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Hùng ghi nhận thêm, căn cước công dân được thiết kế theo hướng lược đi thông tin không cần thiết, bảo đảm thông tin đời tư (như vân tay…), chỉ giữ lại những thông tin cần thiết để phục vụ quản lý, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch. Tuy nhiên, ông Hùng cùng nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ lo ngại trước khả năng bảo mật thông tin, bảo đảm một trong những quyền nhân thân quan trọng nhất đã được Hiến định (tại Điều 21): "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình".
Đáng nói là, tình trạng lộ, lọt thông tin - như chính Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa nhận khi trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - hiện "rất đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ý thức của người dân để bảo vệ thông tin chưa cao. Bộ trưởng cho biết, ngành Công an đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân được cho là lấy nguồn gốc từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số cơ sở dữ liệu từ các ngành khác…
Trong khi đó, một khi tiến hành tích hợp thông tin, thì rất nhiều ngành, cơ quan, người truy cập, sử dụng thông tin; rất khó bảo đảm 100% thông tin được "gói ghém" an toàn, chỉ được cung cấp đúng nơi, đúng lúc.
Theo báo cáo, khi triển khai thực tế, Bộ Công an sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dùng, được kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn (sử dụng phần mềm chuyên dụng, có mã hóa bảo mật và được quản lý theo mã số riêng, truy nguyên được chủ thể sử dụng) để khai thác thông tin.
Việc khai thác thông tin cũng sẽ được phân cấp, phân quyền để bảo đảm người khai thác chỉ được khai thác thông tin đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được chủ thẻ căn cước đồng ý xác thực bằng quét vân tay, nhận diện khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNelD. Trường hợp bị mất thẻ căn cước thì người sử dụng trái phép cũng không khai thác được thông tin tích hợp trong chip khi không được chủ thẻ xác nhận.
Tuy nhiên, không có giải pháp kỹ thuật nào là an toàn tuyệt đối. Rủi ro lộ, lọt thông tin chắc chắn vẫn rất lớn trong tương lai, nếu quá trình tích hợp và khai thác thông tin không được quy định cụ thể và tiến hành thận trọng. Trong khi đây lại đều là loại dữ liệu quan trọng của cá nhân (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng, lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe…) - những "mỏ vàng" mà kẻ xấu chỉ chực chờ khai thác bất hợp pháp.