Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,3% trong năm 2022 và 6,8% vào năm 2023 là hoàn toàn khả thi.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Với 6 trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công...
Trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến thể Omicron hoành hành trên toàn thế giới, mặc dù kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi khả quan nhưng việc Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng lên tới trên 6% khiến không ít ý kiến hoài nghi.
Trước hết, phải khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022.
Theo ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,3% trong năm 2022 và 6,8% vào năm 2023 là hoàn toàn khả thi. Không phải ngẫu nhiên, ông Jonathan Pincus đưa ra con số lạc quan, tương đồng với mục tiêu đề ra của Chính phủ Việt Nam.
Năm 2021, mặc dù chúng ta không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra đầu năm nhưng với mức 2,58% của cả năm và 5,22% trong quý IV thực sự là những con số ấn tượng, nhất là sau khi Chính phủ đã có những điều chỉnh mang tính chiến lược cả về chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Vị cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP cho rằng, mức tăng trưởng phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch. Chiến thắng dịch Covid-19 trong năm 2022 là mục tiêu lớn, mục tiêu quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra tuần qua.
Quyết tâm này đã được cụ thể hóa bằng nỗ lực bao phủ vaccine phòng Covid-19 đối với độ tuổi từ 12 tuổi trở lên và tiếp tục mở rộng đối tượng bao phủ vaccine cho trẻ từ 5 tuổi, đưa Việt Nam từ quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành một trong 6 quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, trong đó có những nhóm đã tiệm cận mốc 100%.
Chiến thắng dịch Covid-19, chung sống an toàn với dịch và tăng cường khả năng ứng phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của các chủng Covid-19 mới là động lực và điều kiện để Việt Nam tập trung nguồn lực phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh "bình thường mới" .
Mặc dù vậy, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vẫn phủ bóng đen lên các nền kinh tế, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bởi vậy, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là thách thức rất lớn đối với Chính phủ.
Chiều 11/1, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng giá trị các chính sách trong chương trình gần 350.000 tỷ đồng. Cùng với các chính sách bao quát, toàn diện, vĩ mô và nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế, gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay sẽ là cú hích cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch, đảm bảo an sinh xã hội...
Với truyền thống và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân; các biện pháp điều hành của Chính phủ, quản lý của Nhà nước; khả năng thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; quyết tâm chiến thắng đại dịch và triển khai có hiệu quả các nhóm chính sách hỗ trợ... mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% GDP trong năm 2022 dù rất khó nhưng chúng ta có đủ niềm tin để biến nó thành hiện thực.
Hoàng Lam