Và có lẽ người Pháp không ngờ rằng, người thầy giáo mà họ đã từng coi thường ấy đã đánh gục họ một cách tâm phục khẩu phục. Nhật báo lớn của Ấn Độ là The Hindu viết rằng, các lãnh đạo quân sự Pháp tự tin rằng họ sẽ chiến thắng khi đối đầu với quân đội du kích Việt Nam trong một trận đánh quân sự thông thường. Việt Minh sẽ thảm bại!
Tháng 05/1950, Sư đoàn 308 của tướng Giáp đã tiến hành một chiến thuật “tàng hình” với 4 tiểu đoàn bộ binh âm thầm leo lên những ngọn núi đá vôi bao quanh cứ điểm Đông Khê cùng với 5 pháo cỡ nòng 75mm. Trước đó, công tác tình báo của Pháp rất chủ quan và họ không nghĩ rằng những người Việt Nam có thể làm được điều này. Sau 2 ngày, tướng Giáp tiếp tục chỉ huy các tiểu đoàn này rút xuống phía dưới để tránh phản pháo, hợp đồng tiến công đánh tan cứ điểm Đông Khê. Lúc ấy, tướng Giáp đã buộc những người Pháp phải đặt câu hỏi rằng: Tại sao ông ấy lại nghĩ ra chiến thuật này và họ dám làm điều này? Những người lính này là những người như thế nào?
Đại tướng Marcel Carpentier với tâm thế thắng trận từ Thế chiến 1 & 2 đã tỏ ra “bề trên” với tướng Giáp. Theo History, Marcel Carpentier đã mang tâm lý kiêu ngạo lây lan sang nhiều sĩ quan Pháp, ông ấy đánh giá quá cao bản thân ông ấy và lính của ông ấy và đánh giá quá thấp những người nông dân dưới sự chỉ huy của tướng Giáp.
Trong 9 năm, từ 1945 - 1954, tướng Giáp đã đối đầu với 7 - 10 vị tướng Pháp và ông đã khiến cho không một vị tướng Pháp nào được nở nụ cười trên đất Việt Nam. Vị tướng cuối cùng so găng với tướng Giáp là Christian de Castries bất lực nhìn những người lính Việt Minh cắm cờ trên nóc hầm chỉ huy ở Điện Biên Phủ. Hơn 2200 lính Pháp tử trận, hơn 10.000 lính khác phải trở thành tù binh và đây là thiệt hại lớn nhất của quân đội Pháp từ sau Thế chiến 2 đến thời điểm hiện tại. Trong suốt 9 cuộc chiến, đã có tới 94.000 lính Pháp tử trận tại Việt Nam.
Nhà sử học người Pháp Bernard Fall viết rằng không ai ngờ rằng Pháp thất bại tại Việt Nam, đó là thất bại nặng nề đến mức ám ảnh người Pháp, là thiệt hại ở ngoài Pháp nặng nhất từ năm 1749 (một số tài liệu ghi 1759) sau cái chết của thiên tài quân sự Louis-Joseph de Montcalm tại Quebec, Canada. Bernard Fall cũng được cho rằng là người đầu tiên ví tướng Giáp với Napoleon Bonaparte, chính hơn hơn là “The Red Napoleon”.
Tạp chí AirForce của Hiệp hội Hàng không Hoa Kỳ viết rằng: “Tướng Giáp là nhà hoạch định chiến lược quân sự vĩ đại nhất kể từ thời Hannibal. Vị tướng này đã xây dựng một đội quân hùng hậu từ 34 chiến binh đầu tiên vào năm 1944. Đến năm 1954, đội quân của ông đã vận chuyển pháo binh lên vùng núi biệt lập ở Điện Biên Phủ và khiến cho quân đội Pháp vốn được trang bị mạnh hơn rất nhiều thất bại nhục nhã”.
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi vào năm 2013, những tờ báo uy tín bậc nhất thế giới đã dành ông sự “tôn trọng tuyệt đối”. Tờ Washington Post viết: “Tướng Giáp đã đánh bại quân Pháp, quân đội Mỹ tại chiến tranh Việt Nam”. Còn New York Time bình luận: “Tướng Giáp đã hất cẳng Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam”. Còn Telegraph nhận định rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ở vị trí thứ hai sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nhân vật đáng tôn kính nhất Việt Nam hiện tại”.
Tờ Financial Times của Anh quốc nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Một giáo viên lịch sử tổ chức một cuộc duyệt binh chỉ với 34 thành viên, mặc áo nâu sẫm, đội mũ homburg và đeo súng lục nhỏ bên hông. Và đó chính là khởi đầu khiêm tốn của một trong những vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới, là kiến trúc sư chính cho sự thất bại của các cường quốc trong thế kỷ 20”.
Thượng nghị sĩ, cựu ứng viên Tổng thống John McCain từng viết rằng “Tướng Giáp là một nhà chiến lược quân sự lỗi lạc”. AFP trích lời nhiều nhà nghiên cứu sử học, khẳng định rằng tướng Giáp là một trong những nhà chiến lược quân sự tài ba và nổi tiếng nhất, không chỉ ở Việt Nam mà trong lịch sử quân sự thế giới. Nhà sử học người Pháp Hugues Tertrais bình luận rằng tướng Giáp đã châm một ngọn lửa vào thùng thuốc súng hủy diệt các cường quốc.
Ngày 07/05/1954 - Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng đã đưa tướng Giáp bước vào ngôi đền của những vị tướng huyền thoại và người ta đã công nhận tướng Giáp như là một nhà chiến lược bậc thầy và truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng khắp nơi, từ Việt Nam lan ra khắp châu Á, châu Phi, Nam Mỹ.
***