• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Những bài học lớn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay
Ngày xuất bản: 28/06/2023 4:15:00 CH
Lượt đọc: 3935

 

Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng của Đảng ta ngày càng trở nên quyết liệt, hiệu quả và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đại đa số cán bộ, người dân. Để có được những thành tựu đó, Đảng ta đã nhiều lần tổng kết và đúc rút được những bài học lớn để từ đó định hướng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Tham nhũng là một trong những hành vi tiêu cực có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Những ảnh hưởng của tham nhũng không chỉ là sự mất mát về mặt tiền bạc, kinh tế mà nguy hại hơn là chúng ta để mất cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, mất niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và thậm chí là mất chế độ. Hiện nay, tham nhũng, tiêu cực không chỉ tồn tại ở khu vực nhà nước mà hình thành ở cả khu vực ngoài nhà nước với những vụ đại án đã được đưa ra xét xử như vụ AVG, Việt Á, FLC,... thậm chí còn có sự câu kết hết sức tinh vi và phức tạp giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước để hình thành mạng lưới tham nhũng có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cán bộ trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao, gây thiệt hại, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, để đấu tranh phòng chống tham nhũng, chúng ta cần xây dựng hệ thống lý luận dẫn đường.

Từ công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong suốt thời gian qua, Đảng ta đã đúc rút 8 bài học kinh nghiệm lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đó là:

Thứ nhất, đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc chiến, công việc trọng yếu của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Ai cũng cần có trách nhiệm, không có ai được đứng ngoài cuộc chiến này.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được trách nhiệm của mình trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, mà trước hết là đấu tranh với chính mình. Nếu mỗi đảng viên tự chống tham nhũng, ghét tham nhũng, với số lượng đủ lớn sẽ tạo thành phong trào, làn sóng mạnh mẽ khiến những tệ tham nhũng, tiêu cực không thể tồn tại trong tổ chức. Bên cạnh đó, phải nêu cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu trong tổ chức của mình xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thứ hai, cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến “chống giặc nội xâm”. Giặc nội xâm gây nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, thậm chí còn nguy hiểm hơn, bởi giặc ngoại xâm tồn tại hữu hình, có thể nhìn, có thể ghét và trực tiếp tiến hành đấu tranh được; trong khi đó, giặc nội xâm là giặc vô hình, nó tồn tại bên trong chúng ta, xung quanh chúng ta mà chúng ta không hề hay biết, không hề “cân đong đo đếm” được, chỉ cần chủ quan, lơ là, không tu dưỡng rèn luyện, khi tích đủ cái xấu, bản thân cán bộ tự thoái hóa, biến chất lúc nào không hay. Chính vì vậy, để chống loại “giặc nội xâm” này, toàn Đảng, toàn dân, và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần kiên trì, kiên quyết, không nghỉ, không ngừng đấu tranh, xử lý những khuyết điểm, những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời cần xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ không thể tham nhũng, xây dựng cơ chế răn đe trừng trị nghiêm để không dám tham nhũng, xây dựng văn hóa liêm chính để không muốn tham nhũng và xây dựng cơ chế bảo đảm để cán bộ không cần tham nhũng.

Thứ ba, cần đặc biệt chú trọng công tác cán bộ. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, phải có đội ngũ cán bộ tốt, có năng lực, liêm chính thì mới đẩy lùi được tham nhũng. Vì vậy, cần chú trọng gắn đấu tranh phòng chống tham nhũng với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng ngay trong từng chi bộ đảng, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, quản lý, sử dụng, kiểm tra, đánh giá cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có đức, ngang tầm nhiệm vụ.

Ngày 30/6/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: Internet.

Thứ tư, cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý vi phạm, trong đó phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, đột phá.

Trước đây, chúng ta chủ yếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng do chưa có sự đồng bộ về cơ chế, thể chế nên việc phòng chống tham nhũng diễn ra chưa thực sự hiệu quả và quyết liệt. Trong giai đoạn hiện nay, kế thừa những kinh nghiệm đã có, cùng với việc bổ sung, phát triển lý luận, “công tác phòng chống tham nhũng đã có chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật bài bản và tương đối đồng bộ”, cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ giữa xây và chống để cán bộ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

Thứ năm, trao quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực nhà nước, phải “nhốt” quyền lực trong “lồng” cơ chế. Để làm được điều này cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát (cơ chế cứng) việc sử dụng quyền lực, ủy quyền, trao quyền nhưng có kiểm tra, giám sát. Có như vậy mới tránh được tình trạng lạm quyền, lộng quyền diễn ra ở cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, xây dựng văn hóa công vụ (cơ chế mềm) liêm chính, để cán bộ ghét tệ tham ô, tham nhũng và không muốn tham nhũng.

Thứ sáu, xây dựng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng là nòng cốt, đồng bộ từ cấp Trung ương tới cấp Tỉnh. Từ khi có Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng đến nay, rất nhiều các vụ án tham nhũng phức tạp đã được phát hiện, xử lý quyết liệt, nhanh chóng, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Điều đó cho thấy vai trò trung tâm hết sức quan trọng của ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng thành phần Ban chỉ đạo cũng là những con người, là những cán bộ, đảng viên, vì vậy cũng không ngoại trừ hiện tượng tham nhũng có thể xảy ra trong cơ quan này. Vì vậy, cần đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trước hết là trong Ban chỉ đạo, cần chọn những người có năng lực, có uy tín, liêm chính để có thể công tâm, khách quan, quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả.

Thứ bảy, phát huy vai trò của toàn hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng. Các cơ quan đại biểu dân cử, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này để kịp thời điều tra, phát hiện, tố giác với Đảng những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, không có những hành vi ủng hộ tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực khác.

Thứ tám, xây dựng các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng phải phù hợp với từng bối cảnh, giai đoạn cụ thể. Các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực cần phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp

Tóm lại, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang diễn ra hết sức quyết liệt, được đặt dưới sự lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của đại đa số nhân dân. Những kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hết sức ngắn gọn, quý giá, chỉ ra những điều cốt lõi trong cuộc chiến này, từ đó định ra những phương hướng, giải pháp cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay và sắp tới. Đảng ta luôn xác định đây là cuộc chiến phức tạp, liên tục và lâu dài, vì vậy cán bộ, đảng viên cần kiên quyết, kiên trì, sáng tạo, quyết tâm và bền gan tranh đấu mà trước hết là đấu tranh trong chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, trong từng chi bộ đảng, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi nạn tham nhũng, tiêu cực, góp phần đưa những chủ trương đúng đắn của Đảng đi vào cuộc sống, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

LQH