• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nghĩa Lộ - điểm đến hấp dẫn miền Tây Bắc
Ngày xuất bản: 08/02/2022 10:07:00 SA
Lượt đọc: 7963

 

Nghĩa Lộ là một trong những địa điểm du lịch văn hóa và thiên nhiên nổi tiếng ở Tây Bắc với nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, các bản làng truyền thống và phong cách ẩm thực độc đáo.

Khám phá văn hoá dân tộc Thái

Vùng đất Nghĩa Lộ là cái nôi của nhiều dân tộc anh em cùng chung sống như Thái, Kinh, Tày, Mường... mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc riêng. Nổi bật trong đó là văn hoá dân tộc Thái. Trong những năm qua, du lịch Nghĩa Lộ gắn liền với việc khai thác các giá trị văn hoá nổi bật của người Thái.

Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ các màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Phụ nữ Thái đen sau khi lấy chồng phải “tằng cẩu” (Búi tóc).

Những cô gái Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ, còn những chàng trai thì mặc quần cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở 2 bên gấu vạt. Áo của chàng trai Thái trắng có thêm túi bên ngực trái. Màu quần áo của người Thái chủ yếu là màu thẫm.

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời ở Nghĩa Lộ. Trồng bông, dệt vải đã gắn bó với từng gia đình người Thái bao đời nay. Ngày nay, nhiều nguyên liệu mới, hiện đại đã dần thay thế việc trồng bông, ươm tơ. Khung cửi truyền thống cũng được cải tiến, chạy bằng điện, giảm bớt sức người. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái Nghĩa Lộ luôn được mọi người ưa chuộng và đã có mặt ở nhiều nơi trong nước.

Văn hóa ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hoá Mường Lò (Nghĩa Lộ). Được thiên nhiên ưu đãi, lòng chảo Mường Lò với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đã cho những hạt nếp (nếp tan) đặc sản. Dưới bàn tay khéo léo của con người, món xôi nếp là một trong những đặc sản khó quên nhất của Nghĩa Lộ. Nghĩa Lộ còn có nhiều món ăn tiêu biểu mà những nơi khác không có như món xôi ngũ sắc, rêu nướng, rêu hấp (rêu ở dòng suối Thia), thịt hun khói, pa pỉnh tộp, nộm hoa chuối rừng, rau xôi tập cẩm... Không quá cầu kỳ, nhưng những món ăn của vùng đất này luôn hấp dẫn bởi hương vị của các loại gia vị từ núi rừng (hạt sẻn, hạt dổi...).

Xòe Thái Mường Lò có 6 điệu cơ bản. Điệu xòe “Khắm khen” có nghĩa là nắm tay, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc; điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” có nghĩa là nâng khăn mời rượu, thể hiện lòng hiếu khách; điệu xòe “Phá xí” diễn tả tình đoàn kết của cộng đồng, dù ở bất cứ phương trời nào đều hướng về tổ tiên, quê hương; điệu xòe “Đổn hôn” khẳng định dù trời đất đổi thay, nhưng ý chí và tình người luôn sắt son, bền chặt; điệu xòe “Nhôm khăn” tưng bừng nhất, thể hiện niềm vui trước những thành quả lao động; điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” thể hiện sự mãn nguyện, niềm hân hoan sau mỗi cuộc vui. Với những giá trị nhân văn và đặc sắc, Xòe Thái được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân Nghĩa Lộ - Yên Bái, mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào Thái khắp nơi trên cả nước.

Lễ hội ở Nghĩa Lộ có nhiều nét đặc sắc. Nơi đây được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hoá khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là mỗi khi Xuân về, Tết đến; mùa màng thu hoạch xong xuôi. Lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan toả, bao trùm lên nó là sự thờ cúng, tôn vinh các vị thần linh, những người có công với tổ tiên, bản làng, với quê hương, đất nước. Lễ hội cũng là dịp giải trí, vui chơi, giao lưu, củng cố tình làng xóm. Từ những lễ hội này, trai gái được giao duyên, nhiều đôi nên vợ, nên chồng. Lễ hội đã góp phần bồi đắp và phát triển ý thức cộng đồng, đặc sắc như: Lễ hội Rằm tháng Giêng, lễ hội khai Hạ, lễ hội hoa ban, lễ hội “lồng tồng”, lễ hội xên mường, lễ hội Xên Đông, tết Xíp Xí, hội Hạn Khuống...

 

Một màn đối đáp giao duyên trong Hội Hạn Khuống

(Ảnh: internet)

 

Bên cạnh các lễ hội truyền thống, Lễ hội văn hoá – du lịch Mường Lò được tổ chức vào dịp tháng 9, tháng 10 hội tụ những tinh hoa của văn hoá Mường Lò, với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn nhất trong năm.

Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu của vùng Tây Bắc và những di tích lịch sử

Thị xã Nghĩa Lộ hội tụ những nét đẹp đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc với những rừng hoa mùa xuân rực rỡ, những đồi chè bát ngát xanh, thung lũng lúa Mường Lò trải rộng và biến hóa sắc màu, dòng suối Thia mang đậm dấu ấn của huyền thoại và trữ tình.

Đồi chè Nghĩa Lộ

(Ảnh: internet)

 

Cùng với đó là những di tích lịch sử - văn hóa như Căng và Đồn Nghĩa Lộ - biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, của tinh thần đoàn kết giữa quân với dân cùng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược; Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với vườn cây, ao cá Bác Hồ tại huyện Văn Chấn, được xây dựng từ sự đóng góp công sức, trí tuệ của nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn, trong đó có nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ là 1 trong 14 chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh, là địa chỉ đỏ để cán bộ, nhân dân các dân tộc trong vùng đến tham quan, học tập về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghĩa Lộ còn có Đền thờ Cầm Hánh, là điểm đến tâm linh của đồng bào dân tộc Thái hướng về những người có công trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương Mường Lò; chùa Ngọc Bích với 3 cây đa di sản có tuổi đời từ 300 đến 400 năm tuổi, được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo và vật liệu đặc trưng là đá ngọc xanh của miền Tây Yên Bái...

Sở hữu những nét đẹp thiên nhiên còn thuần khiết, hoang sơ, cùng văn hóa đặc trưng hấp dẫn, với những món ăn riêng độc đáo của vùng đất Mường Lò, Nghĩa Lộ từ lâu đã là điểm đến du lịch sinh thái và văn hóa quen thuộc của du khách khi đến với vùng Tây Bắc, là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Tây Bắc.

Nguyễn Ngọc