Nhìn vào thực tiễn cuộc sống những năm qua, nhất là trước những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, điều khiến không ít người lo lắng chính là tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, không chỉ ở cấp cơ sở, mà nó còn hiện hữu trong một bộ phận cán bộ cấp cao. Số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, bị xử lý là điều rất đáng báo động trong công tác quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Sự nguy hại của tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lành mạnh của đời sống xã hội; tác động tiêu cực đến lối sống, nếp nghĩ của giới trẻ trong xã hội.
Bởi vậy, đã có không ít lần các nhà nghiên cứu, các nhà xã hội học cảnh báo: Mở cửa và hội nhập quốc tế tạo ra những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng vấn đề đạo đức xã hội đang đặt ra những điều hết sức đáng lo ngại. Vì vậy, nếu không sớm có những giải pháp ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả sẽ rất nguy hại đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Bởi con người, theo bản năng tự nhiên sự hưởng thụ bao giờ cũng dễ tiếp nhận hơn so với sự nỗ lực cần phải phấn đấu để vượt qua.
Nhận thấy rõ sự nguy hại ấy đối với đời sống xã hội, đối với sự tồn vong của chế độ, Đảng ta liên tiếp ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định nhằm từng bước hạn chế, ngăn chặn những hiện tượng đánh mất đi phẩm giá, cũng như những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “... không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự...”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Ảnh: TTXVN |
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam đã minh chứng, trước sự xâm lăng của giặc ngoại bang, trước những biến cố của dịch bệnh, thiên tai, dân tộc ta đều biết cách vượt qua mà phần lớn chính là nhờ vào việc phát huy cao nhất giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đó là giá trị “thương người như thể thương thân”; đó là lòng yêu nước nồng nàn; đó là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; đó là sự thủy chung, trong sáng... Giá trị truyền thống ấy đối với những người cộng sản còn là đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Người cũng dạy: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Sự nguy hại của việc đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc không chỉ tác động trực tiếp đến những hành vi trong đời sống xã hội, mà nguy hại hơn nó từng bước gặm nhấm, hủy hoại vai trò lãnh đạo của Đảng, phụ bạc lại những cống hiến, hy sinh quên mình của lớp lớp thế hệ người Việt Nam để giành lại độc lập, tự do của dân tộc, sự thống nhất Tổ quốc.
Nét “chân quê” đâu rồi? một câu hỏi thật giản dị nhưng để tìm được câu trả lời thích đáng là điều không dễ. Bởi để có được câu trả lời đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực rất lớn của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên. Đó còn là sự đòi hỏi lòng danh dự, tự trọng; sự cống hiến, hy sinh hết mình của mỗi cán bộ, đảng viên cho mục tiêu cao cả nhất: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trả lời được cho câu hỏi nêu trên nhanh hay chậm, dễ hay khó hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức, thái độ, tình cảm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác của mình.
Giữ lại nét “chân quê” không phải là cố giữ sự bảo thủ, lạc hậu, trì trệ, không dám đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thời buổi chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, thì việc tận dụng những tiến bộ của nhân loại để thúc đẩy xã hội và đất nước phát triển là rất cần thiết, nhưng phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc. Suy cho rộng hơn, sâu sắc hơn là tiến hành sự nghiệp đổi mới nhưng kiên quyết không làm đổi màu; hòa nhập nhưng dứt khoát không hòa tan. Hội nhập quốc tế là tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy đất nước phát triển, mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân, mà dứt khoát không biến mình trở thành công cụ cho người khác.
Dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm sống dưới sự đô hộ, chèn ép, bóc lột của chế độ phong kiến và thực dân. Cái giá của sự mất tự do, độc lập dân tộc hẳn không ai không hiểu, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đề cập đến vấn đề này, bởi đâu đó đã xuất hiện tình trạng, mới học được vài chữ, vài câu ở nước ngoài là về áp dụng nguyên xi vào công việc mà không thấy được những yếu tố nội tại bên trong là chưa phù hợp. Bởi vậy, với cách áp dụng máy móc, cho rằng như thế mới là hội nhập, mới là hiện đại không những không đem lại bất kỳ một chút hiệu quả nào, mà còn gây hại đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế, ban hành các chủ trương, chính sách...
Dân tộc ta đã kinh qua những giai đoạn lịch sử khó khăn nhất, trở thành hình mẫu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thành quả đó minh chứng tinh thần đoàn kết, phát huy cao nhất giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trước sự biến đổi mau lẹ, khó lường của tình hình thế giới, cùng với những âm mưu hết sức thâm độc của các thế lực thù địch hằng ngày, hằng giờ chống phá cách mạng nước ta thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì nếu cứ say sưa trên vòng nguyệt quế, chủ quan, lơ là mất cảnh giác, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt. Bởi vậy, để lường trước những điều xấu nhất, cần sự tỉnh táo, trách nhiệm của mọi người dân mà trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nét “chân quê” đâu rồi? Một thông điệp rất nhiều ý nghĩa khi mà cuộc sống của mỗi người, của từng cán bộ, đảng viên chịu không ít những tác động của đời sống xã hội.
LÊ LONG KHÁNH