• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một cái nhìn bi quan và hạn hẹp về tương lai
Ngày xuất bản: 10/11/2021 8:21:00 SA
Lượt đọc: 6150

 

Gần đây, tình cờ trên Facebook, tôi tình cờ đọc được bài viết của một người được coi là nhà phản biện có tiếng, nguyên là giáo sư của một trường Đại học kỹ thuật tại Hà nội, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Vị giáo sư, sau khi đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã nêu nhiều phản bác, trong đó có hai khẳng định: Một là “Làm gì có Chủ nghĩa xã hội”; Hai là “Lựa chọn Chủ nghĩa xã hội là của Đảng, không phải lựa chọn của nhân dân”. Đây là quan điểm không mới, trước đây đã từng được một số người nêu lên và chắc sẽ còn có người tiếp tục nêu lên, vì vậy tôi thấy cần phải có sự trao đổi với hy vọng có thể góp một tiếng nói để xây dựng nhận thức chung.

Có Chủ nghĩa xã hội không ?

Rất nhiều người biết, Chủ nghĩa xã hội được đề cập từ ba góc độ: một là, lý luận về một xã hội lý tưởng với các giá trị như công bằng, bình đẳng, nhân đạo, hạnh phúc…; hai là, phong trào vận động chính trị-xã hội nhằm đạt tới xã hội tốt đẹp đó; ba là, một chế độ xã hội hiện thực, tồn tại trên thực tế.

Theo nghĩa thứ nhất, chủ nghĩa xã hội đã và sẽ luôn là một lý tưởng tốt đẹp để loài người vươn tới. Chỉ có những ai không muốn hoặc bi quan, hoài nghi về bản chất của con người mới phủ nhận lý tưởng tốt đẹp đó đó.

Theo nghĩa thứ hai, từ cách đây gần 200 năm, ở châu Âu đã xuất hiện các phong trào xã hội, thậm chí là những thử nghiệm xã hội trong phạm vi nhỏ, nhằm hiện thực hoá lý tưởng tốt đẹp đó nhưng không đạt kết quả mong muốn. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” viết năm 1848, Mác, Ănghen coi đó là những ý tưởng tốt đẹp, nhân đạo nhưng do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, đó là các mô hình của “Chủ nghĩa xã hội không tưởng”.

Cách mạng tháng Mười Nga khai sinh một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới

Trong gần 200 năm qua, ở khắp nơi trên thế giới, tuỳ từng hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển, loài người vẫn tiếp tục phát triển lý luận, thậm chí tiến hành các phong trào xã hội để hiện thực hoá lý tưởng muôn đời của mình. Một trong những dòng lý luận và phong trào xã hội đó là của Mác, Ănghen, Lênin và đã dẫn đến sự ra đời trong thế kỷ XX một mô hình chủ nghĩa xã hội tồn tại ở Liên Xô và một số nước Đông Âu trong nhiều thập kỷ. Đó là chủ nghĩa xã hội theo nghĩa thứ ba, tức là một chế độ xã hội-chính trị và được gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Mô hình đó cũng đã nảy sinh (nhưng trên nền tảng kinh tế-xã hội thấp hơn) ở Trung Quốc, CuBa, Việt Nam từ giữa thế kỷ XX. Nhiều nước ở Châu Mỹ, Châu Phi trong những năm 70 sau khi giành độc lập dân tộc cũng tuyên bố đi theo chủ nghĩa xã hội. Từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 80, đầu 90 thế kỷ trước, rất nhiều ý kiến cho rằng sẽ không còn, không có chủ nghĩa xã hội và những nơi nào còn tiếp tục “định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ chịu thất bại mà thôi (!?).

Phải thừa nhận rằng, sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu là sự thất bại lớn của phong trào xã hội chủ nghĩa. Song, không vì thế mà nói đơn giản là sự chấm dứt của chủ nghĩa xã hội. Đúng là mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, bên cạnh những thành tựu to lớn, đã có những khuyết tật cần phải sửa đổi, song đó là những khuyết tật của một xã hội còn đang trên đường hoàn thiện, chứ chưa phải đã hoàn thiện, đã chín muồi (như có nhiều người từng nghĩ). Chính vì vậy, đổi mới, cải tổ là cần thiết, đúng đắn. Song, câu hỏi đặt ra là có nước cũng đi theo lý luận đó, mô hình đó và cũng thực hiện cải cách, đổi mới mà tại sao không bị sụp đổ và còn phát triển vượt bậc về mọi mặt, chỉ trong vòng hơn 4 thập niên đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới? Vậy, trong số những nguyên nhân dẫn đến sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu thì nguyên nhân trước hết là do cá nhân người lãnh đạo công cuộc cải tổ. Có nhiều bằng chứng cho thấy họ đã từ thiếu bản lĩnh, đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” dẫn đến đánh mất chế độ.

Thực tiễn hơn 30 năm qua cho thấy, mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở thế kỷ XX có thể sửa đổi được, trước hết là từ thay đổi nhận thức, đổi mới lý luận. Một lý luận dù đã có thời phù hợp với thực tiễn, song nếu không theo kịp với sự biến đổi của thế giới, của xã hội loài người thì sẽ có thể dẫn người ta đến thất bại trong thực tiễn. Chủ nghĩa tư bản cũng như vậy, trước áp lực của phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và các phong trào đấu tranh cho tiến bộ xã hội và từ chính thất bại của mô hình tư bản chủ nghĩa truyền thống đã phải nhiều lần làm mới mình. Nếu không đổi mới chính sách dựa vào lý luận của Keynes trong những thập niên từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến thập niên 70, hoặc thay đổi theo lý luận gọi là Chủ nghĩa tự do mới từ thập niên 80 của thế kỷ trước thì chủ nghĩa tư bản không thể phát triển đến ngày nay.

Chính do hoàn cảnh khách quan, mong muốn thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc mà Việt Nam đã đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, theo con đường xã hội chủ nghĩa, đã giành được những thắng lợi và cũng từng gặp những khó khăn, hạn chế như nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng hơn 30 năm qua, Việt Nam đã đổi mới nhận thức, lý luận về chủ nghĩa xã hội và theo đó, đổi mới chính sách và đạt được những thành tựu phát triển không thể phủ nhận được như ngày nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Từ thực tiễn phát triển của thế giới mấy thập niên vừa qua trong đó có cả nhận thức về khiếm khuyết, hạn chế của mô hình chủ nghĩa xã hội trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn cho mình một mô hình chủ nghĩa xã hội mới mà Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu và gần đây đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn đạt dưới hình thức gần gũi hơn, là: một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người; một xã hội mà sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội;một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm; một xã hội phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và huỷ hoại môi trường; một xã hội mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Một xã hội như vậy có thể đạt được không? Chắc chắn là được, vì nó không xa vời, trừu tượng. Không chỉ nhiều nước đã trải qua công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất là một số nước đi theo “dân chủ xã hội” có nhiều thành tựu phát triển xã hội mà ngay cả với các nước có điểm xuất phát thấp hơn như Việt Nam chắc chắn cũng sẽ đạt được dù khó khăn hơn. Bởi lẽ con đường đi đến mục tiêu đó đã khác với trước. Nếu trước đây vì nhiều lý do, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội là con đường biệt lập với thế giới, chủ yếu đóng khung trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa với nhau, ngày nay là con đường hội nhập quốc tế, chủ động, tích cực tiếp cận với những thành tựu văn minh khoa học, công nghệ mới nhất của loài người thì không lẽ gì không đạt được. Kết quả phát triển hơn 30 năm qua của Việt Nam đã chứng minh khả năng đó.

Chủ nghĩa xã hội có phải chỉ là sự lựa chọn riêng của Đảng ?

Thực tế lịch sử phát triển của loài người, của mỗi quốc gia chứng minh rằng, tiếp cận với một lý thuyết mới, học thuyết mới thường là bắt đầu từ những cá nhân tiên tiến. Họ có thể kế thừa tư tưởng truyền thống dân tộc, có thể tiếp thu lý luận bên ngoài, nhưng đối chiếu, so sánh với hoàn cảnh, văn hoá dân tộc, đất nước mình mà xây dựng nên lý luận phù hợp, từ đó mà lý luận được phổ biến, lan rộng trong dân chúng.

Từ đầu thế kỷ XX, nhiều tư tưởng chính trị đã được du nhập vào Việt Nam theo cách đó. Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội cũng được du nhập vào Việt Nam bắt đầu từ những người tiên tiến - những người Cộng sản. Song, câu hỏi đặt ra là tại sao lý luận này thì lôi cuốn hàng triệu triệu người, đem đến kết quả to lớn, lâu dài; còn lý luận kia thì không? Câu trả lời chỉ có thể là lý luận nào phù hợp nhất với mục tiêu độc lập dân tộc, hạnh phúc của đại đa số nhân dân thì được nhân dân lựa chọn, tin theo. Những người Cộng sản đã vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không lực lượng chính trị và tư tưởng chính trị nào khác làm được. Đấy là sự thực lịch sử không thể phủ nhận.

Những thành tựu vượt bậc của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới là minh chứng cho tính đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội

Hơn 30 năm qua, rút kinh nghiệm từ thành công cũng như những thất bại trong phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội cũ, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục phát triển lý luận của mình, từ đó hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước phù hợp hơn với thời đại. Trong suốt những năm qua, dù còn nhiều khuyết điểm, nhất là tình trạng tham nhũng, suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cấp cao, song đại đa số người dân Việt Nam vẫn giữ niềm tin vào Đảng, ủng hộ Đảng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bằng chứng là qua rất nhiều dịp công khai góp ý xây dựng, bổ sung Cương lĩnh chính trị, xây dựng các văn kiện của các Đại hội Đảng, góp ý xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, pháp luật, tiếng nói ủng hộ vẫn chiếm đại đa số. Đường lối của Đảng vẫn là kết tinh trí tuệ không chỉ của Đảng mà còn của các tầng lớp nhân dân trong cả nước, của phần đông giới trí thức. Vậy thì sao lại nói lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là lựa chọn riêng của Đảng, mà không phải là của đa số nhân dân ?

Quay trở lại với quan niệm về chủ nghĩa xã hội mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trên, một xã hội với những điều tốt đẹp như vậy lẽ nào không phải là điều nhân dân Việt Nam đang mơ ước? Một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu đã trải qua hơn 80 năm bị thực dân đô hộ, trải qua hơn 30 năm chiến tranh, và hàng chục năm sau đó bị bao vây, cấm vận, bị o ép nhiều phía nay có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế chưa từng có, lẽ nào lại không lựa chọn, mơ ước và phấn đấu cho một xã hội tốt đẹp như vậy?

Vậy nên, những trí thức chân chính, dù còn có điều chưa hài lòng, vẫn nên cùng chung tay với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân, phấn đấu cho một tương lai tươi sáng của dân tộc hơn là tuyên truyền cái nhìn bi quan, tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới tinh thần chung của xã hội.

Chí Công