• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số vấn đề về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
Ngày xuất bản: 24/08/2022 3:32:00 CH
Lượt đọc: 3419

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã nghiên cứu và đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhờ vậy vai trò của Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được đề cao và Nhân dân được coi là trung tâm, là chủ thể của quyền lực nhà nước. Trong bối cảnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực sự đổi mới về tổ chức và hoạt động để phát huy vai trò nòng cốt và quyền làm chủ của Nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VI (Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990) làm rõ: “Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện tốt vai trò của Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo của Mặt trận, trình bày các chủ trương, chính sách của Đảng, lắng nghe ý kiến và cùng bàn bạc, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, động viên phong trào hành động cách mạng rộng lớn của nhân dân”.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ mười ba, khóa IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024.- Ảnh: Quang Vinh 

Trải qua 92 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lịch sử giao phó. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang đó, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng cần nâng tầm lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bằng các nhiệm vụ cụ thể: 1) Lãnh đạo thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các quy định của pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ; thực hiện hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; 2) Đổi mới tổ chức bộ máy và công tác cán bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là một thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng (Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ); 3) Phát huy vai trò thành viên lãnh đạo tích cực, uy tín của Đảng hóa thân vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ nhất, Đảng cần tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục làm rõ, sâu sắc hơn mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Trong đó chú trọng vai trò làm chủ đại diện, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để Nhân dân làm chủ”.

Hiện nay, chủ trương, đường lối của Đảng đã rất rõ, nhưng chưa được thể chế hóa đầy đủ thành các quy định của pháp luật nên kết quả thực hiện còn hạn chế. Do đó, trong các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết sắp tới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cần nhấn mạnh yêu cầu: thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm hành lang pháp lý, các điều kiện cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội1.

Thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Đảng đoàn và phân công cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt. Tuy nhiên, tổ chức của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như hiện nay chưa đảm bảo lãnh đạo Ủy ban, Đoàn Chủ tịch vì Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 374 vị, có 48 tổ chức thành viên; Đoàn Chủ tịch có 62 người gồm đại diện các giai tầng xã hội sinh hoạt ở nhiều tổ chức Đảng khác nhau trong phạm vi cả nước. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng đoàn các tổ chức thành viên có Đảng đoàn đều do Ban Bí thư thành lập, giữa Đảng đoàn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Đảng đoàn của các tổ chức thành viên là quan hệ độc lập; nhưng đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải hiệp thương, phối hợp với nhau trong chương trình thống nhất hành động chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đặc thù của sự liên minh, liên kết giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và yêu cầu củng cố tính bền chặt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang đặt ra hiện nay, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn các tổ chức thành viên về mặt cơ cấu tổ chức cũng như nội dung lãnh đạo.

Do đó, cần nghiên cứu tổ chức lại Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng do Bộ Chính trị thành lập (hiện nay là do Ban Bí thư thành lập) để đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tương xứng với vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Trong trường hợp chưa tổ chức lại Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đề xuất nêu trên thì Bộ Chính trị cần quy định cụ thể về mối quan hệ công tác giữa Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đảng đoàn các tổ chức thành viên.

Thứ ba, Đảng cần thực hiện tốt công tác cán bộ đối với tổ chức Mặt trận các cấp. Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Đảng cử những cán bộ là đảng viên tham gia vào tổ chức Mặt trận, nhất là bộ máy lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong lịch sử, đã có rất nhiều cá nhân tiêu biểu trong Đảng tham gia hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có tín nhiệm cao. Điều đó thể hiện sức mạnh của Đảng, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ kinh nghiệm thành công đó, hiện nay Đảng cần cử những cán bộ ưu tú, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang công tác Mặt trận. Các cấp ủy Đảng cần định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cần có của người cán bộ làm công tác Mặt trận và đoàn thể. Đảng lựa chọn những cán bộ ưu tú của Đảng, có uy tín, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội sang công tác Mặt trận, đoàn thể. Cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải thực sự là người được Nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, bởi tác phong và lối sống mẫu mực. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển cán bộ Mặt trận và đoàn thể. Đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm chọn và sử dụng đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể. Khắc phục căn bản tình trạng đưa cán bộ không có năng lực, phẩm chất, uy tín khó bố trí nơi khác để về cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Cấp ủy Đảng giới thiệu cho các cơ quan này bầu chọn công khai, dân chủ; không nên hạn chế việc cá nhân tự ứng cử từ phía các tổ chức thành viên.

Các cấp ủy Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện tốt công tác hiệp thương để chọn ra những đại biểu ưu tú đưa vào danh sách bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần nghiên cứu cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ Nhà nước của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, không chỉ bằng giám sát, phản biện xã hội, mà còn thực hiện quyền làm chủ Nhà nước thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những đại biểu trong bộ máy nhà nước, những đại biểu do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ đề cử.

Bên cạnh đó, chủ trương thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc được triển khai ở cấp huyện gặp nhiều khó khăn do cán bộ quá tải trong công việc, vừa phải tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo công tác dân vận, vừa phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác Mặt trận. Trong khi chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể còn nhiều hạn chế nên khó có thể lựa chọn được Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, cần khẩn trương sơ kết, đánh giá việc thực hiện chủ trương thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ tư, cần xác định rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Trong thời gian qua, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng vào việc động viên xã hội đối với các tầng lớp Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Song, việc thực hiện chức năng động viên xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải làm sao cho phù hợp với tính chất của tổ chức Mặt trận - một tổ chức liên minh chính trị, một tổ chức không có hội viên của riêng mình, mà chỉ có các tổ chức (với hội viên) và các cá nhân thành viên. Do đó, việc động viên xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không thể trực tiếp đến với các tầng lớp nhân dân, mà chỉ gián tiếp thông qua các tổ chức thành viên. Chính việc tổ chức sự động viên xã hội một cách gián tiếp đó dễ làm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trở thành một tổ chức mang tính hình thức. Từ đó, một vấn đề đặt ra là: Trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được xác định như thế nào?

Muốn đoàn kết được toàn dân, huy động sức mạnh của toàn xã hội, Đảng định hướng, lãnh đạo hoạt động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ đại diện và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của toàn dân, thông qua việc tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, bằng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; phản ánh tâm trạng, chuyển tải nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân đến với Đảng, Nhà nước.

Chú thích:

1.       Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 16/8/2021 đã chỉ rõ: “Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân”; “các cơ quan nhà nước cần quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội; hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên”.

Lê Tiến Châu*, Nguyễn Văn Hanh**

*Tiến sĩ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

* Thạc sĩ, Văn phòng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.