Báo cáo phòng, chống tham nhũng của nhiều địa phương cho thấy, chưa phát hiện tình trạng tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ. Đây cũng được xác định là khâu yếu trong phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực với biểu hiện hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, công tác kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; còn có nơi "dĩ hòa vi quý", nể nang, né tránh.
Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh từ năm 2016 tới nay, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ "tình trạng tự đánh giá của các địa phương còn thiếu chính xác, thiếu căn cứ, vượt quá kết quả đạt được thực tế diễn ra khá phổ biến".
Người viết cũng tiếp cận báo cáo về phòng, chống tham nhũng hàng năm của nhiều địa phương. Kết luận không có vụ việc tham nhũng, lãng phí nào được phát hiện qua công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị gần như xuất hiện hầu hết ở các báo cáo. Nếu chỉ nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng qua các báo cáo về kết quả công tác tự kiểm tra nội bộ, hẳn đây là một tín hiệu rất vui.
Tuy nhiên, những kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thanh, kiểm tra sau đó cho thấy có sự "vênh" rất lớn với hoạt động tự kiểm tra nội bộ.
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 -2020, đã có 131.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Ngành chức năng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Riêng từ năm 2016 -2020, đã có 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.
Nhiều sai phạm liên quan đến tập thể, cá nhân, nhiều vụ đại án kinh tế, đại án tham nhũng đã được phát lộ, tất nhiên đó không phải là kết quả của biện pháp "tự kiểm tra". Và khâu yếu này không phải mới nảy sinh trong thời gian gần đây.
Tham nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn của Đảng. Chống tham nhũng được xác định là khâu trọng yếu, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và công dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và đảm bảo cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta trong những năm qua và thời gian tới.
Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua được chỉ đạo rất ráo riết, quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Từ đó, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong thời gian tới.
Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì khâu "phòng" đóng vai trò quan trọng, và phải phòng ngay từ cơ sở, thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Nhìn thẳng vào những tồn tại, khuyết điểm của nhau trên tinh thần xây dựng, nghiêm túc phê bình và tự phê bình thay vì "vuốt ve, ru ngủ" lẫn nhau; tự đấu tranh và đấu tranh với tiêu cực, lãng phí, chủ nghĩa cơ hội, chia bè kết phái trong chính nội bộ cơ quan, đơn vị.
Ngoài đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra với quyết tâm chính trị của các tổ chức Đảng, đơn vị chuyên ngành, không thể không gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các địa phương và trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng.
Khi phòng, chống tham nhũng được triển khai thực chất từ cơ sở, từ nội bộ các cơ quan, đơn vị, thì mới có thể giải quyết "khâu yếu" trong phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua.
Hoàng Lam
Tin khác