Cuộc chiến chống tham nhũng đã trờ thành xu thế
Tinh thần này nằm trong Kết luận số 54-KL/TW ban hành ngày 15/5 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW năm 2017 về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh phòng chống tham những hiện nay cũng phải là toàn dân làm, các ngành các cấp đều làm vì trong lịch sử, chúng ta đã thực hiện chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện.
Nhắc lại quan điểm “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư khẳng định: Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng”.
“Lật thuyền và đẩy thuyền đều là dân”, ý thức được vấn đề này trong truyền thống lịch sử của dân tộc trong mọi chủ trương đường lối của mình, Đảng đều nhấn mạnh “lấy dân là gốc”. Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, không thể thiếu vai trò người dân.
Đảng đã có nhiều Nghị quyết, chủ trương dựa vào dân để phát hiện, diệt trừ tham nhũng. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, vai trò của người dân đã được phát huy vì thế cuộc chiến chống tham nhũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tổng kết Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua chúng ta đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế, được Nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận”.
Cụ thể, trong 10 năm qua, riêng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo và xử lý.
Cũng chính coi trọng vai trò của dân mà nhiều vụ án đã được đưa ra ánh sáng. Tháng 9/2022, Thanh tra Chính phủ khen thưởng gần 150 triệu đồng cho 4 cá nhân tại tỉnh Hà Giang vì đã dũng cảm tố cáo, đưa ra ánh sáng hai vụ việc xảy ra tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Công ty Xổ số kiến thiết Hà Giang.
Đoạn đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nếu không có những người dân như ông Nguyễn Tấn Lực có trách nhiệm, theo dõi, bám sát những sai phạm của chủ đầu tư thì không thể phanh phui ra những sai phạm ảnh hưởng lớn đến chất lượng con đường mà nhà nước đã phải bỏ ra hàng chục ngàn tỷ để đầu tư.
Không có người dân, không có báo chí thì không có thành quả lớn trong phòng chống tham nhũng mà hai nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được. Tuy nhiên để biến nguồn sức mạnh ấy phát huy hiệu quả, người dân tự tin phát hiện, phản ảnh thì cần có cơ chế phù hợp. Đảng ta đã đưa ra nhiều cơ chính chính sách song vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, người chống tiêu cực, người tố cáo tiêu cực nhiều khi vẫn bị trù dập, thậm chí còn bị vướng vào lòng lao lý.
Không thiếu những ví dụ về trường hợp tố cáo cán bộ suy thoái, biến chất, tham nhũng bị kỷ luật, bị cho nghỉ việc. Trong Luật phòng chống tham nhũng, bộ luật cho đến nay được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trong nhất để đưa công cuộc phòng chống tham nhũng lên một bước mới đã có những điều luật cụ thể để bảo vệ người tố cáo.
Gần đây nhất chính là Kết luận 54 như cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ người dân trong cuộc chiến này.
Phát huy “tai mắt” của dân
Có một thực tế, cán bộ nào cũng đều ở một địa chỉ cụ thể nên tốt xấu ra sao người dân đều biết. Vấn đề là cơ chế nào để người dân cung cấp thông tin.
Muốn nhân dân thực sự đồng hành, không chỉ động viên, khuyến khích nhân dân tham gia, mà còn phải có những cơ chế để bảo vệ hiệu quả. Có dựa vào dân, Đảng mới thêm sức mạnh để đạt được những thành công mới.
Trong những biện pháp cụ thể, Kết luận 54 của Ban Bí thư chỉ ra:
+ Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hoá phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" sát với thực tiễn; thực hiện có hiệu quả pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tiếp cận thông tin, những quy định liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân.
+ Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
+ Đề cao trách nhiệm tiên phong, gương mẫu, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ ở cơ sở.
+ Tăng cường mối liên hệ mật thiết của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, nhân dân nơi cư trú.
Để thực hiện tốt giải pháp này trước hết cần xây dựng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Vấn đề là lắng nghe dân thế nào? Chúng ta trước khi họp Quốc hội cũng đã có những cuộc gặp gỡ cử tri, Ban Dân nguyện tập hợp những kiến nghị của cử tri, hay thông qua các cuộc tiếp dân định kỳ…để nắm được kiến nghị của dân. Song một kênh quan trọng nữa chính là thông qua báo chí. Có rất nhiều vụ án, rất nhiều cán bộ bị xử lý thông qua kênh này. Một ví dụ gần đây là vụ án Trịnh Xuân Thanh, chỉ thông qua dư luận, thông qua báo chí về biển kiểm soát xe không đúng mà đã phanh phui ra cả vụ án.
Tiếp theo là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thiết chế thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một mặt, tôn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân nhưng phải phân tích mức độ đúng, sai của những ý kiến đó; mặt khác, phải bảo vệ người đã có ý kiến phát hiện những sai trái của cán bộ, công chức.
Chúng ta thường nói phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể nhân dân, nhưng cơ chế nào để phát huy? Kết luận 54 của Ban Bí thư đã chỉ ra rất rõ là cần phải cụ thể hoá những quyền của người dân.
Có một thực tế hiện nay khi người dân phản ảnh, người dân tố cáo thì những phản ảnh, những tố cáo ấy lại quay về địa phương và chính người bị tố cáo lại đi xử lý những tố cáo ấy. Các cơ quan tiếp dân hiện nay chỉ làm nhiệm vụ nhận đơn và chuyển đơn rồi tất cả lại quay về gốc.
Báo chí hiện nay là kênh quan trọng để người dân cung cấp thông tin, tuy nhiên nhiều đơn thư phản ảnh, tố cáo cán bộ lãnh đạo chỉ là hiện tượng, là dư luận, cũng có khi là vụ việc cụ thể vậy Toà soạn có tiến hành điều tra qua thư bạn đọc không? Ai cung cấp thông tin… Luật báo chí đều quy định quyền được tiếp cận thông tin nhưng rất khó để có những thông tin “nội bộ” ấy.
Như vậy “tai mắt” thì nhiều nhưng để phát huy được “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” phải có những quy định chặt chẽ, cụ thể, phải có cơ chế để như những “tai mắt” ấy được bảo vệ.
Thấy được vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, từng bước có những giải pháp cụ thể để bảo vệ, để phát huy hiệu quả là những nhận thức, những chỉ đạo đúng đắn. Chính vì vậy cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đạt được những kết quả quan trọng như là tất yếu của quy luật phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. “Đẩy thuyền cũng là dân”, một quy luật muôn đời, song vẫn luôn mới mẻ.
Nguyễn Đăng Tấn