Cứ vào dịp tháng Tư, các thế lực thù địch, lực lượng phản động sống lưu vong ở hải ngoại lại tung ra những luận điệu sai lệch, xuyên tạc về ngày 30/4/1975.
Đánh tráo bản chất
Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, họ ngụy biện cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của toàn dân ta là “cuộc nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt”…; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4/1975 là “Tháng tư đen”, “Tháng tư buồn”… Một số đối tượng phản động lưu vong cố tình dựng lên màn kịch theo kiểu khóc thê lương như: “Sau ngày 30/4/1975, miền Nam Việt Nam đi vào khúc quanh lịch sử đau thương”; “một miền Nam bị bức tử, những giọt lệ chia ly từ đây”; vu cáo Đảng, Nhà nước phân biệt đối xử với người theo chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Một số hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, Đài Á châu tự do (RFA), VOA tiếng Việt… tổ chức các bài phỏng vấn, đối thoại với những thành phần chống đối, cung cấp thông tin sai trái, xuyên tạc để hướng lái dư luận, đánh tráo bản chất chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Họ ca ngợi chế độ dân chủ, tự do và kinh tế phát triển dưới thời chính quyền Sài Gòn; đòi vinh danh chế độ Việt Nam Cộng hòa, thậm chí đòi chia đôi lại đất nước giống như trước 1975! Một số mạng xã hội của những phần tử chống đối ở nước ngoài còn đưa ra yêu sách: “Nhà nước Việt Nam nên bỏ các tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4”, ngụy biện rằng “bỏ ngày kỷ niệm chiến thắng 30/4 mới thúc đẩy hòa hợp dân tộc”!
Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch không mới, các nội dung bài viết được cắt ghép, chỉnh sửa từ những năm trước, nay thay tiêu đề giật gân để tung lên các diễn đàn mạng xã hội. Mục đích nhằm xuyên tạc tính chất, tầm vóc, ý nghĩa và giá trị cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; chối bỏ sự thật để hạ bệ uy tín của Đảng; đánh tráo bản chất cuộc chiến tranh chính nghĩa để phủ mờ những cống hiến, hi sinh của lực lượng vũ trang và nhân dân… Từ đó, xuyên tạc tính chính danh, chính nghĩa của cuộc chiến tranh vệ quốc; đòi từ bỏ lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên trì xây dựng; bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động hận thù, ly khai; phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân; giảm ý chí quyết tâm, đóng góp xây dựng đất nước của nhân dân, trong đó có đồng bào ta sống xa Tổ quốc; cố tình phủ nhận chính sách và nỗ lực hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta…
Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến là những người sinh ra sau ngày 30/4/1975, đặc biệt là thế hệ thanh niên, người Việt Nam trẻ tuổi trong nước và học sinh, sinh viên, người lao động ở nước ngoài, kiều bào, người ít thông tin, có trình độ dân trí thấp vốn không phải trải qua những năm tháng chiến tranh đau thương, mất mát để có thể thấu hiểu ý nghĩa của độc lập, thống nhất và hòa bình.
Phải nhìn nhận đúng sự thật lịch sử
Ngược dòng lịch sử, Hiệp định Paris quy định quân đội Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã không chịu thi hành Hiệp định. Vì vậy, cách mạng miền Nam muốn tiến lên thì phải dùng chiến tranh cách mạng để xóa bỏ công cụ của chủ nghĩa thực dân mới. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra, Quân Giải phóng miền Nam cũng đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất mọi thương vong, tổn thất cho cả hai phía. Mặc dù lúc đó, phía bên kia họ tuyên truyền rằng “một cuộc tắm máu, chết chóc sẽ diễn ra ở Sài Gòn” nhưng điều đó đã không xảy ra. Trong thời gian này, một số công chức làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền cũng như một số lý do cá nhân đã rời bỏ đất nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, một số sĩ quan, binh sĩ làm trong quân đội và chính quyền Sài Gòn đã được trả về với gia đình sau khi được giáo dục, tuyên truyền với mong muốn họ thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, có thể đóng góp cho công cuộc tái thiết đất nước. Một số người sau khi ra nước ngoài vẫn mang tâm trạng người thất trận, hiểu sai, hiểu chưa hết chính sách hòa hợp dân tộc nên có những hoạt động không phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong số họ, có người hiểu nhầm về đất nước, không có thông tin chính thống về đất nước mà chỉ nghe người này, người kia loan tin thất thiệt để kích động chia rẽ.
Mặt khác, vẫn có một số người thể hiện rõ sự định kiến với chế độ, vẫn nuôi dưỡng tư tưởng hận thù dân tộc, chống phá đất nước. Mặc dù họ biết đất nước mình đã thay đổi, biết rõ tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhưng vẫn cố tình phớt lờ sự thật để xuyên tạc. Chính những người này đã và đang phá hoại chính sách hòa hợp dân tộc, truyền thống đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến thắng 30/4/1975 là trang sử hào hùng được làm nên bởi biết bao hi sinh xương máu của nhân dân ta. Đã có hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ ngã xuống; nhiều ngôi mộ liệt sĩ không xác định được tên, hàng vạn hài cốt liệt sĩ vẫn đang nằm đâu đó trên mảnh đất quê hương và trên đất bạn mà chưa được tìm thấy. Nhiều làng mạc, thành phố bị phá hủy. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hậu quả của cuộc chiến còn nặng nề mà điển hình nhất là chất độc da cam/dioxin vẫn còn gieo rắc cho các thế hệ thứ 3, thứ 4 người Việt Nam; nhiều bom, mìn vẫn còn nằm sâu trong lòng đất. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những mất mát của dân tộc Việt Nam phải gánh chịu là hết sức nặng nề.
Chính ông Nguyễn Cao Kỳ, người từng là Phó Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã từng chia sẻ: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc”. Sự thật này đã phơi bày bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, chiến tranh đã kết thúc vậy nhưng vẫn còn những định kiến làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc
Kế thừa truyền thống nhân văn, nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc, trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Đảng và Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách hòa hợp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Theo đó, năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 (khóa IX) của Bộ Chính trị “Về công tác dân tộc”; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”; Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/05/2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.
Chỉ thị 45 đã khẳng định “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chỉ thị cũng nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.
Ở trong nước hiện nay, đồng bào thuộc mọi thành phần xã hội, bao gồm cả những người từng làm việc trong chế độ Việt Nam Cộng hòa đều được đối xử bình đẳng, không hề bị phân biệt về quyền lợi và nghĩa vụ như bất kỳ công dân nào khác. Các lĩnh vực như xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam…, kiều bào ngày càng được tạo điều kiện tham gia sâu hơn, rộng hơn.
Sau ngày thống nhất đất nước, nghĩa trang Biên Hòa với 16.000 ngôi mộ binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Tháng 11/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1568/QĐ - TTg về việc bàn giao đất khu vực nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương thành Nghĩa trang nhân dân Bình An vào mục đích dân sự. Quyết định dân sự hóa nghĩa trang được dư luận đánh giá như một bước đi đầy ý nghĩa của công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Đối với một số nghệ sĩ tên tuổi cả ở miền Nam và miền Bắc từng một thời sang Mỹ sinh sống và nói xấu chế độ, sau một thời gian hồi tâm chuyển ý, muốn về quê hương sinh sống lâu dài đã được Nhà nước ta tạo điều kiện để phát huy tài năng nghệ thuật. Trong các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, giải đáp những vướng mắc của kiều bào; đề nghị chính phủ các nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có công tác bảo hộ công dân, đề nghị công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ là một dân tộc thiểu số của Hoa Kỳ.
Đối với những nơi mà kiều bào gặp hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh..., Đảng, Nhà nước luôn kề vai, sát cánh cùng kiều bào. Bộ Ngoại giao cho biết, năm 2021 dịch COVID - 19 leo thang nhưng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nhà nước ta đã huy động cộng đồng doanh nghiệp và địa phương hỗ trợ vật tư y tế, tích cực trợ giúp đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục được chú trọng, nhất là bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Thông qua đối ngoại Nhà nước, giao lưu nhân dân, tiếng Việt đã được công nhận và giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai ở các trường phổ thông tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ có đông người Việt.
Nguồn kiều hối hằng năm đều tăng trưởng tích cực bởi Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều. Kiều bào ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô là những yếu tố khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước. Lượng kiều hối tăng qua các năm, chứng minh tính đúng đắn, giá trị của các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào; đồng thời, cho thấy kiều bào ta luôn hướng về Tổ quốc trái hẳn với những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Tin khác