Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội.

“Nền tảng gốc” và trách nhiệm gìn giữ của cán bộ, đảng viên

Tại cuộc hội thảo nêu trên, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bất bình, lo lắng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cho thấy, khi cán bộ, đảng viên không thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất sẽ dần đánh mất mình, đánh mất “nền tảng gốc” là đạo đức cách mạng, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị; và đó là một bước ngắn, hết sức nguy hiểm dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản 
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản 

Nhận định của đồng chí Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chính là sự cụ thể hóa, làm rõ thêm những nội dung, nội hàm về nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta chỉ rõ trong các nghị quyết, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Chuẩn mực đạo đức cách mạng chính là “nền tảng gốc” của cán bộ, đảng viên, là nhân tố cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng, là văn hóa, đạo đức trong Đảng. Nói cách khác, đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên chính là những “tế bào gốc” cấu thành sức mạnh, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng; giữ vai trò nòng cốt, quyết định đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đánh mất “nền tảng gốc”, cán bộ, đảng viên chả khác gì cây xanh bị trốc gốc, bật rễ. Sự “chết dần chết mòn” chính là quá trình diễn biến của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ cấp cao của Đảng bị suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trượt dài đến mức “tự chuyển hóa” thì ảnh hưởng của nó đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân là vô cùng lớn. Khi cán bộ, đảng viên đánh mất “nền tảng gốc”, sẽ tạo nên những khoảng trống, những rạn nứt trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Và đó chính là những cái cớ, kẽ hở để các thế lực thù địch phản động, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, kích động, chống phá Đảng, chống phá đất nước.

Việc hàng loạt cán bộ cấp cao, trong đó có nhiều người thuộc diện Bộ Chính trị, Trung ương quản lý, đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương giữ vai trò chiến lược của đất nước, bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hình sự trong thời gian qua là những dẫn chứng điển hình. Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên trì, quyết liệt, không có vùng cấm đã để lại cho cán bộ, đảng viên rất nhiều bài học “xương máu” về trách nhiệm, bổn phận phải giữ gìn “nền tảng gốc” đạo đức cách mạng trong tình hình mới.

Tại cuộc hội thảo nêu trên, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, giới chuyên gia đã nhận định: Xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là vấn đề rất hệ trọng. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là một trong những nội dung căn cốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình thành lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đạo đức cách mạng là nội dung cốt lõi của Đảng, đạo đức là “gốc” của người cách mạng. Người nhấn mạnh: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...

Nhắc lại và nhấn mạnh những vấn đề mang tính nguyên tắc căn cốt của Đảng để thấy rõ hơn, sâu hơn, rộng hơn tầm quan trọng của việc chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng; củng cố “nền tảng gốc” trong mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Cán bộ ở cấp càng cao, tấm gương càng phải trong sáng. Vấn đề mang tính cốt tử này đã được Đảng ta nhận thức sâu sắc, thấu đáo. Về mặt nguyên tắc, Đảng đã “vũ trang” cho toàn thể cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp hệ thống những nội dung, quan điểm, mục tiêu, giải pháp... tạo môi trường để cán bộ, đảng viên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng đúc kết, chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chính là những căn cứ để cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp tự xây dựng, tự chỉnh đốn. Càng đi sâu vào tổ chức thực hiện, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của các giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa để hạn chế, đẩy lùi, tiến tới triệt tiêu sự sinh sôi, phát triển của nó.

Coi trọng giải pháp tự giáo dục, tự tu dưỡng

 Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là vấn đề mang tính khoa học, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng. Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu, xác định dựa trên cơ sở lý luận, nền tảng truyền thống, tổng kết thực tiễn và mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh những nội dung, nội hàm mang tính phổ quát, cốt lõi về đạo đức cách mạng đã được xây dựng, phát triển từ lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thực tiễn công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xu thế phát triển của đất nước, thời đại đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi chúng ta phải bổ sung, phát triển, hoàn thiện.

Nhìn nhận trong những năm gần đây, chúng ta thấy: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, bên cạnh những kết quả đạt được rất quan trọng, các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến “nền tảng gốc” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn diễn biến phức tạp. Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đã chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật... Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình...

Một trong những vấn đề căn cốt để củng cố “nền tảng gốc”, để “nền tảng gốc” không bị tấn công, phai nhạt, mất đi... chính là thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên về tính chất quan trọng và mức độ nghiêm trọng nếu để xảy ra suy thoái trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nêu rõ: Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài, sa vào chủ nghĩa cá nhân...

Như vậy, chuẩn mực đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới không chỉ đặt ra các mục tiêu, yêu cầu cao về “xây” mà gắn liền với đó là bản lĩnh, bổn phận, trách nhiệm “chống”. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay trong bản thân mình, ngay trong nội bộ tổ chức đảng của mình để có giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Trong số các nhóm giải pháp được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất nhằm giữ vững “nền tảng gốc” đạo đức cách mạng cán bộ, đảng viên thì giải pháp tự thân (tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện) giữ vai trò quan trọng và quyết định. Phẩm chất đạo đức, lối sống là nhân tố hình thành từ bên trong con người cán bộ, đảng viên. Các hình thức, giải pháp tác động từ bên ngoài chỉ mang yếu tố bổ trợ.

Cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ các cương vị, trọng trách trong hệ thống chính trị các cấp hiện nay có lợi thế lớn là môi trường học tập và được tạo điều kiện học tập, nghiên cứu cơ bản về lý luận chính trị. Cán bộ giữ cương vị càng cao, càng được tạo điều kiện học tập, nghiên cứu sâu rộng. Vốn kiến thức lý luận và quá trình học tập, công tác, hoạt động thực tiễn chính là môi trường để chuyển hóa quá trình giáo dục thành tự giáo dục, tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao suy thoái, dẫn đến tự đánh mất “nền tảng gốc” hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, đó là thiếu tu dưỡng, coi nhẹ, triệt tiêu quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện.

Để “nền tảng gốc” trở thành nguồn lực nội sinh điều khiển tư duy, hành động, việc làm của con người, hơn lúc nào hết, cán bộ, đảng viên phải coi trọng giải pháp tự thân. Nếu tự mình đánh mất “nền tảng gốc”, để đến mức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì chỉ nên tự trách mình chứ đừng trách cơ quan, tổ chức...

LỮ NGÀN