1. Trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam, cán bộ luôn là yếu tố quyết định thành bại của cách mạng, vì vậy công tác cán bộ được xác định là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác này bộc lộ một số hạn chế, nhất là để xảy ra tình trạng “khép kín”, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tình trạng “khép kín” trong công tác cán bộ là việc quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, ngành, địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Công tác luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh không là người địa phương ở một số nơi làm chưa tốt... Vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó là tình trạng tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích; thao túng trong công tác cán bộ...
Thời gian qua, những cụm từ “cả nhà làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “bổ nhiệm đúng quy trình”… xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi được hỏi về những điều bất hợp lý trong công tác cán bộ, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đơn vị đó đều có câu trả lời là “đúng quy trình”. Tuy nhiên, sau "tấm bình phong" ấy là những dấu hiệu thiếu khách quan, mất dân chủ, ẩn chứa không ít khuất tất, tiêu cực. Điển hình trong câu chuyện này là chỉ sau hơn 2 năm, từ một công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển, Lê Phước Hoài Bảo (con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh) đã trở thành Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam. Hay việc bố trí người nhà, người thân nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền ở các tỉnh Gia Lai, Hà Giang… xảy ra gần đây đã làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Hệ lụy của việc “khép kín” trong công tác cán bộ còn là người tài, người tốt không có cơ hội được sử dụng, đề bạt tương xứng với trình độ, năng lực, cống hiến của họ. Người có tài, có đức muốn phấn đấu, cống hiến thì cũng không còn chỗ, bị các phần tử cơ hội chèn ép, chen ngang, cô lập. Nguy hại hơn, tình trạng này sẽ tạo thành những ê kíp lãnh đạo khép kín, dựng lên những “cánh hẩu”, làm méo mó mối quan hệ trong nội bộ các tổ chức và tác động tiêu cực đến việc xây dựng chính quyền liêm chính. Hậu quả là phát triển nạn chạy chức, chạy quyền, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”; không sử dụng người có đức, có tài; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
2. Kết luận Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã đề ra một loạt nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm khắc phục hạn chế trong công tác cán bộ, bao gồm cả vấn đề “khép kín” trong công tác cán bộ.
Để giải quyết tốt nhất vấn đề này, cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên cần nắm rõ nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đặc biệt chú trọng vấn đề nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ; chủ động phát hiện nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển. Cùng với đó, quy hoạch cán bộ phải hài hòa giữa luân chuyển với phát triển nguồn tại chỗ, luân chuyển ngang và dọc; có vào, có ra, tránh tình trạng cán bộ nằm trong quy hoạch có tư tưởng “dĩ hòa vi quý” để… chờ thời. Cần tiến hành dân chủ, đúng quy định các bước trong quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ để bảo đảm chọn lựa chính xác nhất những cán bộ đáp ứng cả tài và đức.
Đồng thời, mỗi tổ chức Đảng phải nâng cao chất lượng, hiệu quả tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế chất vấn trong Đảng. Có như vậy, sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn và chống được sự độc đoán khi có những biểu hiện ưu ái, vun vén cho cá nhân, người thân, hoặc có sự thỏa thuận ngầm “có đi, có lại” giữa người đứng đầu với các thành viên khác trong công tác cán bộ.
Mặt khác, người đứng đầu phải gương mẫu, biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; tuân thủ nghiêm túc các khâu, các bước của công tác cán bộ, không để kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng trục lợi. Hơn nữa, cấp ủy, tổ chức Đảng phải luôn chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát nói chung và công tác kiểm tra, giám sát trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nói riêng.
Cùng với đó là biết lắng nghe dư luận xã hội, kể cả dư luận trái chiều, từ đó tĩnh tâm xem xét lại sự việc liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ để không vi phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc dư luận xã hội cũng như trong cán bộ, đảng viên.
Đối với Đảng bộ thành phố Hà Nội, cấp ủy các cấp cần thực hiện đúng tinh thần Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố”. Qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài.
Khắc phục tình trạng “khép kín” trong công tác cán bộ sẽ góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, tăng cường sức mạnh cho hệ thống chính trị, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân
Tin khác