• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đường tới tương lai
Ngày xuất bản: 19/04/2023 4:25:00 CH
Lượt đọc: 8781

 

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thấy, con đường đi tới chủ nghĩa xã hội không chỉ gập ghềnh, khó khăn bởi những yêu cầu rất cao đặt ra đối với một chế độ xã hội mới mà còn bởi sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động.

Chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời với đóng góp to lớn, vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học và chỉ dẫn con đường đi tới tương lai của nhân loại.

Xã hội cộng sản chủ nghĩa (mà giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa) là tương lai của nhân loại. 

Bằng việc nghiên cứu lịch sử phát triển các hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đi đến kết luận rằng ở phạm vi lịch sử toàn thế giới, lịch sử loài người là tiến trình phát triển tuần tự từ thấp đến cao của các hình thái kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn phát triển của nhân loại, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định xã hội loài người đã và sẽ tuần tự trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao, trong đó, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là nấc thang phát triển cao nhất, tiến bộ nhất. Như vậy, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (mà giai đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội) chính là tương lai của thế giới. Trên con đường đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa, theo C.Mác và Ph.Ăngghen thế giới phải trải qua quá trình quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản. Sau đó, kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin bổ sung thêm tư tưởng quá độ gián tiếp từ những nước kém phát triển lên chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Để đi đến tương lai, Việt Nam tất yếu phải trải qua thời kỳ quá độ với đặc điểm lớn nhất đó đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp. Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên một nấc thang phát triển cao là chủ nghĩa xã hội, vì vậy con đường của chúng ta đi chắc chắn phải khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.

Trong thời kỳ quá độ, chúng ta phải giải quyết những mâu thuẫn lớn đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển cao của đất nước theo xu hướng tiến bộ và thực trạng kinh tế - xã hội thấp kém của đất nước (điểm xuất phát thấp); mâu thuẫn giữa những tư tưởng mới xã hội chủ nghĩa (đang hình thành) với những tàn tích phong kiến, phản động do chế độ thực dân để lại; đây còn là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa tư tưởng cách mạng, tiến bộ với tư tưởng trì trệ lạc hậu, cá nhân chủ nghĩa...

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thấy, con đường đi tới tương lai không chỉ gập ghềnh, khó đi bởi những mâu thuẫn lớn (vốn khó giải quyết) mà còn bởi sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Lợi dụng những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng chế độ xã hội mới ở Việt Nam như: những tàn dư của chế độ phong kiến (nhất là tư tưởng phong kiến), tình trạng tham nhũng, lãng phí, mặt trái của kinh tế thị trường…, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, ngăn cản quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chủ nghĩa xã hội không chỉ là tương lai của thế giới mà còn là nguyện vọng, khát khao của nhân loại về một xã hội phát triển, tiến bộ. Do đó, sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chứng tỏ rằng đây là những lực lượng phản tiến bộ, phản cách mạng, đi ngược lại với lợi ích và mong muốn của nhân loại. Vì vậy, trên con đường đi tới tương lai, chúng ta vừa phải đấu tranh loại bỏ những tàn dư của xã hội cũ, giải quyết những mâu thuẫn giữa những nhân tố mới và nhân tố cũ, đồng thời phải đấu tranh với những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Để đi tới tương lai là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. “Xây” nghĩa là xây dựng xã hội mới tốt đẹp; “chống” nghĩa là loại bỏ những nhân tố lạc hậu, lỗi thời của xã hội cũ và đấu tranh chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch.

Trên hành trình đó, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp, nhiều cách thức:

Một là, tin tưởng vào tính khoa học, cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; tin tưởng vào tương lai của đất nước, tương lai của thế giới. Trên cơ sở đó, mỗi người dân cần kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn. Để củng cố niềm tin của nhân dân, cần có nhiều giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục học thuyết Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến đông đảo quần chúng nhân dân, làm cho người dân hiểu sâu sắc về tính tất yếu khách quan của mô hình chủ nghĩa xã hội.

Hai là, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất để thực hiện thành công các chủ trương, đường lối của Đảng. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc vì vậy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cũng là mục tiêu phấn đấu của Đảng. Trong khi Đảng là hạt nhân lãnh đạo cách mạng thì lực lượng cách mạng lại là quần chúng nhân dân nên sự nghiệp cách mạng có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí, sức mạnh của quần chúng. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần tăng cường sự đoàn kết và gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy sức mạnh của quần chúng để thực hiện mục tiêu chung là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Ba là, ra sức học tập kiến thức lý luận và trang bị tri thức các ngành khoa học để cùng chung tay xây dựng đất nước. Mỗi người dân Việt Nam đều là một phần của đất nước, vì vậy tương lai của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo nên tương lai đất nước. Và tương lai ấy phụ thuộc vào khả năng học hỏi của mỗi người, vì vậy, mỗi cá nhân cần ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đất nước và coi học tập là trách nhiệm không chỉ đối với bản thân, với gia đình mà còn là trách nhiệm với xã hội. Học tập những điều văn minh, tiến bộ để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng; học là để phụng sự Tổ quốc và phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Bốn là, kiên quyết loại bỏ những tàn dư của xã hội cũ, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đó là: tư tưởng bảo thủ, trì trệ; lối tư duy nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến lề lối, tác phong làm việc tùy tiện, quan liêu, bè phái, cục bộ; đó là các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, lãng phí, những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường làm nảy sinh lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Năm là, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ sự tranh cãi nào về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vì đó là sự lựa chọn của nhân dân và dân tộc Việt Nam, là quyền tự quyết của dân tộc và không một cá nhân hay tổ chức nào có quyền can thiệp hay tranh cãi về sự lựa chọn đó. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, cản trở con đường đi tới tương lai của chúng ta.

Dona Đoàn