• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đừng có so sánh khập khiễng để xuyên tạc sự thật
Ngày xuất bản: 25/03/2022 8:27:00 SA
Lượt đọc: 6879

Phụng Hoàng Nhi

Dùng bẫy đường phèn “thương vay, khóc mướn” nhân xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraina để so sánh khập khiễng, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một trong những thủ đoạn thâm độc của những kẻ cơ hội chính trị, phản động nói chung, Điệp Mỹ Linh nói riêng. Đó cũng chính là nội dung bài viết “Thương về Ukraine” của Điệp Mỹ Linh đăng trên mạng xã hội (dongsongcu.wordpress.com; http://www.tongphuochiep.comhttp://www.diepmylinh.com…) ngày 8/3/2022.

Thứ nhất, Điệp Mỹ Linh nhầm, cả nước Nga và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không “dùng luận điệu tuyên truyền xảo trá, gian manh” để tuyên truyền về cuộc chiến (xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraina; cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cảu nhân dân Việt Nam), bởi tự bản thân mỗi cuộc chiến đã có tiếng nói riêng của mình. Đồng thời, lịch sử nhân loại và luật pháp quốc tế cũng cho thấy rằng, mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường đi của dân tộc mình.

Xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraina, nguyên nhân, bản chất đã được đăng tải trên các trang thông tin của Nga, Ukraina và nhiều hãng truyền thông lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Kết cục của xung đột này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, bởi những tham vọng chính trị, những ý đồ, tính toán từng bước của các bên ngày càng được định hình rõ hơn, leo thang hơn  qua từng ngày diễn ra cuộc xung đột. Tuy nhiên, không chỉ với người dân Nga, người dân Ukraina mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng các quốc gia đều mong muốn các bên sớm tìm được giải pháp ổn thỏa cho cuộc xung đột này trên tinh thần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Càng khó đoán định về kết cục của cuộc chiến, nhân loại yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý càng để tâm hơn đến sự leo thang căng thẳng của cuộc xung đột này; trong số đó cũng có không ít những người như Điệp Mỹ Linh đang mượn sự kiện này khuấy lại lịch sử cách mạng Việt Nam những năm (1954-1975). Hơn nữa, xét về mọi mặt thì nguyên nhân và bản chất xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraina không giống cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Cho nên, những suy diễn, lập luận theo chủ kiến cá nhân của Điệp Mỹ Linh về những chiến thắng trên chiến trường (Xuân Mậu Thân 1968; Mùa hè 1972; Xuân 1975…) là những “cuộc xâm lăng rất dữ dội và dã man” của miền Bắc chính là bôi đen sự thật, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam.

Sự thật thì, lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo đã chứng minh rằng: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì đấu tranh cho một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất là mục tiêu nhất quán, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta từ mùa Xuân năm 1930. Hơn nữa, hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước không chỉ là khát vọng ngàn đời của mỗi một quốc gia, dân tộc trên hành trình xây dựng và phát triển mà còn là quyền thiêng liêng nhất, khẳng định sự tồn tại và vị thế của quốc gia, dân tộc đó trong cộng đồng thế giới.

Vì thế, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi (1945-1954), khi đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương (20/7/1954); ủng hộ, hậu thuẫn cho chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm chia rẽ hai miền Nam- Bắc, thực hiện Luật 10/59, thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, dồn dân lập ấp chiến lược, đàn áp, bắt bớ, tù đầy và ngăn cản sự thống nhất Bắc – Nam; khi kẻ thù đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên (7/1955- 2/1956) và chỉ riêng ở Nam Bộ, chúng đã giết hại khoảng 68.000 cán bộ, đảng viên, bắt 446.000 người (1955- 1958)…, thì đồng bào và chiến sĩ cả nước không chỉ nhận thức sâu sắc rằng: “Nước Việt Nam nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam và Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” mà còn khẳng định niềm tin chân lý, phải “củng cố miền Bắc, đấu tranh kiên quyết và bền bỉ cho một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân tộc, dân chủ và giàu mạnh. Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta. Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng”[1].

Thứ hai, nhắc lại để Điệp Mỹ Linh hiểu rằng, không có chuyện “miền Nam Việt Nam phải nhận chịu những cuộc xâm lăng quy mô, dữ dội và tàn bạo của csVN” mà là toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây là cuộc chiến đấu chính nghĩa của đồng bào và chiến sĩ cả nước chống lại sự xâm lược của ngoại bang (đế quốc Mỹ) và chính quyền tay sai (lập nên chế độ Việt Nam cộng hòa), chứ không phải miền Bắc xâm lược Việt Nam cộng hòa!

Thực tế là, đứng trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới và nhất là để duy trì và phát triển phong trào cách mạng, đáp ứng đòi hỏi bức xúc của cán bộ, đảng viên, của đồng bào yêu nước miền Nam; đồng thời cũng là đòi hỏi cấp bách của lịch sử, Hội nghị lần thứ 15(mở rộng), họp từ ngày 12-22/1/1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đại hội Đảng lần thứ III (tháng 9/1960) đã vạch ra đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Trên tinh thần xác định rõ: “Cách mạng Việt Nam do Ðảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội”[2]; đồng thời coi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng thiêng của nhân dân hai miền Nam- Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ đề ra chủ trương, chiến lược, sách lược phù hợp, động viên tinh thần và lực lượng cả nước mà còn lãnh đạo nhân dân kiên cường kháng chiến bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa – hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam và từng bước giành thắng lợi trên các chiến trường, tiến tới giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Và cũng vì thế, khi đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn của chế độ Việt Nam cộng hòa không thể chia cắt được ý chí, niềm tin của cả dân tộc về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong 21 năm nhân dân Việt Nam kiên cường tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, sẻ chia, chi viện về cả vật chất và tinh thần của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của cộng đồng các quốc gia yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ.

Thứ ba, cái sự bi ai não nề của Điệp Mỹ Linh rằng, “tôi vui về sự hậu thuẫn của thế giới dành cho Ukraine bao nhiêu thì tôi cũng tiếc cho miền Nam Việt Nam bấy nhiêu!” chỉ là cái bẫy đường phèn/bẫy những kẻ hám ngọt, ảo tưởng cái sự ngọt của một bóng ma quá khứ. Điệp Mỹ Linh ngu ngơ hay cố tình không hiểu rằng, trong thực tế lịch sử, nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới chỉ ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) chứ không ủng hộ (chế độ Việt Nam cộng hòa tay sai thân Mỹ) đã cố tình chia cắt đất nước Việt Nam, chia rẽ mối tình ruột thịt Bắc- Nam.

Lịch sử là minh chứng khách quan nhất cho thấy, không có luận điệu tuyên truyền nào của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để “đầu độc” người dân miền Bắc và cũng không có chiêu bài “chống Mỹ ‘kíu’ nước” để xẻ Trường Sơn, vượt vĩ tuyến vào Nam tiêu diệt người miền Nam” như Điệp Mỹ Linh xuyên tạ, mà chỉ có một sự thật là khát vọng về một đất nước thống nhất đã hun đúc và làm nên sức mạnh nội sinh của cả dân tộc. Đặc biệt, Việt Nam sau năm 1975 không có chuyện đòn thù “thâm độc, tàn bạo, dã man và phi lý” đối với những “thân phận người miền Nam trong chế độ Việt Nam cộng hòa” như Điệp Mỹ Linh công kích, vu khống, mà chỉ có một sự thật là Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt vùng miền, tôn giáo, thành phần…

Thực tế, việc thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về hòa hợp, hòa giải dân tộc được khẳng định từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 và trong hệ thống pháp luật Việt Nam… không chỉ được nhân dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế công nhận.

47 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc. Một trang lịch sử mới bắt đầu khi cả nước thống nhất cùng kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội là hành trình đi đến tương lai tươi sáng của dân tộc, song rất khó khăn và gian khổ. Càng khó khăn, thử thách, nhân dân Việt Nam càng son sắt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết, đồng lòng đi theo Đảng, bất chấp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, trong đó có những người như Điệp Mỹ Linh.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr.360

[2]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.63.