• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Đổi mới từ "đặc biệt"
Ngày xuất bản: 18/04/2022 9:52:00 SA
Lượt đọc: 9882

Văn phòng Quốc hội vừa cho biết, dự kiến, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới đây tiếp tục được tổ chức thành hai đợt với một "khoảng lặng" ở giữa để các cơ quan hữu quan hoàn thiện các văn bản pháp luật. Kỳ họp cũng có thể kết hợp giữa trực tuyến và tập trung. Dường như những "đặc biệt" đang dần dần trở thành bình thường…

 

Cấp bách thì không thể đợi

Cho đến nay, không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu như tất cả các nước trên thế giới, cách thức tổ chức hoạt động nghị viện chủ yếu vẫn là theo hình thức các kỳ họp. Đó là khoảng thời gian mà Quốc hội nhóm họp để thực hiện các chức năng, quyền hạn của mình. Có những Quốc hội hoạt động thường xuyên, nhưng hình thức phổ biến hơn là mỗi nhiệm kỳ Quốc hội được chia thành nhiều kỳ họp, mỗi kỳ họp có thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc do Hiến pháp hoặc luật quy định.

Tuy nhiên, do đời sống kinh tế-xã hội ngày càng vận động nhanh hơn, những sự kiện, biến cố xảy ra cũng nhiều hơn, đòi hỏi Quốc hội đưa ra các quyết định nhanh chóng và kịp thời hơn, nên ở hầu hết các nghị viện, việc triệu tập các kỳ họp bất thường ngày càng trở nên phổ biến. Chẳng hạn, những năm gần đây, năm nào Quốc hội Nhật Bản cũng tổ chức một đến hai kỳ họp bất thường.

Tại Việt Nam, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 15 nhiệm kỳ với 131 kỳ họp. Mặc dù quy định về kỳ họp bất thường đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và Quốc hội cũng từng có những kỳ họp rất đặc biệt, nhưng suốt trong 14 nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội chưa tổ chức kỳ họp bất thường nào. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, diễn ra hồi tháng 1 năm nay là kỳ họp bất thường đầu tiên được tổ chức trong lịch sử hoạt động của Quốc hội, cũng là kỳ họp hoàn toàn trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 đang căng thẳng. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thông qua một luật và bốn nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật và nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã kịp thời đưa ra những quyết sách để hỗ trợ; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển.

Sau kỳ họp bất thường đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội có thể tổ chức thêm nhiều kỳ họp để giải quyết kịp thời những vấn đề nóng phát sinh từ thực tiễn chứ không câu nệ "xuân thu nhị kỳ". Thành công của kỳ họp đã mở ra hướng khắc phục một số nhược điểm cố hữu của việc tổ chức các kỳ họp dài ngày thường kỳ (như gây khó khăn cho phần lớn đại biểu Quốc hội hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; trong khi nếu giao việc giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp cho cơ quan thường trực của Quốc hội thì lại không phù hợp với định hướng "tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội"…). Chính vì thế, trong thời gian tới, việc tổ chức các kỳ họp "bất thường" (theo nghĩa kỳ họp bổ sung ngoài hai kỳ họp định kỳ hằng năm) có thể sẽ trở thành bình thường.

Dĩ nhiên, để tổ chức tốt các kỳ họp bất thường, cần có thêm những quy định cụ thể về tính chất và cách thức tổ chức theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

"Không bắc nước chờ gạo người"

Tinh thần đổi mới còn thể hiện khá rõ nét trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Đảng đoàn Quốc hội đã tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đề án đã đề ra tám nhóm nhiệm vụ, định hướng lớn và 70 nhiệm vụ cụ thể và 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể, theo đó các cơ quan phải rà soát, đánh giá, đề xuất những dự án luật, pháp lệnh nào cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề xuất, các cơ quan xem xét để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.

Luôn khẳng định tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, hay nói vui là "không bắc nước chờ gạo người", khi các dự án luật, nghị quyết được Chính phủ, các cơ quan có liên quan trình sang Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực lập pháp và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực chuyên môn liên quan đã trực tiếp chủ trì các cuộc làm việc để nghe các cơ quan báo cáo, đánh giá bước đầu về dự án luật và những vấn đề lớn, quan trọng. Đây là một điểm mới vốn không nằm trong quy trình chính thức của việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng hiệu quả là không thể phủ nhận.

Như đã nêu trên, việc thiết kế chương trình kỳ họp với khoảng nghỉ giữa kỳ, dành thời gian thoả đáng cho các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, cơ quan hữu quan để tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải trình đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, tăng tính thuyết phục và mức độ đồng thuận trong cơ quan lập pháp.

Bên cạnh đó, ngay sau mỗi phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội luôn ban hành văn bản thông báo những kết luận rất cụ thể của Ủy ban để cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh... Các cơ quan của Quốc hội chủ trì tổ chức nhiều cuộc làm việc, khảo sát thực tế tại một số cơ quan, tổ chức có liên quan; các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cuộc họp của cơ quan thẩm tra với bộ, ngành hữu quan để trao đổi, thống nhất về một số vấn đề lớn của các dự thảo luật. Các cơ quan của Quốc hội cũng làm việc kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lớp, tại nhiều địa phương trên cả nước, lắng nghe ý kiến từ rất nhiều kênh nhằm tạo ra một sản phẩm đáp ứng được yêu cầu cả về hình thức và nội dung.

Tuy nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mới chưa được nửa chặng đường, nhưng những đổi mới đáng ghi nhận như thế đã cho thấy tinh thần "tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân...", đúng như lời tuyên thệ nhậm chức của người đứng đầu Quốc hội.

 
Anh Thư