• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Để tin giả, tin xấu độc không còn đất sống
Ngày xuất bản: 19/01/2023 1:25:00 CH
Lượt đọc: 6081

Cuối cùng thì không có sinh viên nào bị 12 quân nhân hiếp dâm tại Trường Quân sự Quân khu 7 như các thông tin rần rần trên mạng xã hội mà chỉ có một số KOLs trên mạng “hiếp dâm” dư luận suốt 18 tiếng đồng hồ.

 
0:00/0:00
0:00
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7 trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Nói 18 tiếng đồng hồ là bởi chỉ sau đúng 18 tiếng đồng hồ khi các thông tin độc hại này tràn lan trên mạng xã hội thì quân đội, các cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc và họp báo công bố thông tin chính thức.

Mong rằng sau này, dù có những tin đồn kiểu như trên các cơ quan cũng vào cuộc nhanh chóng như câu chuyện này thì tin giả, tin xấu, tin độc hại sẽ không còn đất sống.

Sự việc khủng khiếp không phải chỉ bởi các video của vụ việc được phát tán trên mạng xã hội và với tốc độ lan truyền chóng mặt, hơn cả cấp số nhân mà còn khủng khiếp không kém bởi suy nghĩ phong phú, nếu không muốn nói là hỗn loạn và sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dùng mạng xã hội.

Chỉ cần một suy luận đơn giản thì cũng không ai có thể tin nổi trong một môi trường sinh hoạt chung đông đúc như vậy lại có chuyện mấy chục người hiếp dâm một cô gái. Nên nhớ, đây là môi trường quân đội ở giữa thành phố.

Viết đến đây, người viết lại chợt nhớ tới 2 câu chuyện đã được nghe và chứng kiến.

Câu chuyện thứ nhất: Câu chuyện diễn ra đã lâu, khi đó cả một địa phương rúng động với thông tin phát hiện ra người rừng. Vậy là mỗi ngày những câu chuyện về người rừng càng được thêm mắm, dặm muối cho thêm phần hấp dẫn và “sinh văn động”. Có những người còn quả quyết mình đã đến tận nơi chứng kiến và tả y như thật về người rừng. Thế nhưng cuối cùng khi cơ quan có trách nhiệm phát loa công bố thì tất cả chỉ là tin “chó cán xe…”.

Câu chuyện thứ hai: Cả một đoạn đường người đông kẹt cứng vì lan truyền thông tin có một vụ giết người phi tang xác. Thậm chí có người còn quả quyết người bị giết hình thù ra sao, bị bó vào bao như thế nào… Kết quả, khi công an, dân phòng tới xác minh thì chỉ là một con chó bị chết và do một người vô ý thức nào đó quẳng xuống chân cầu…

Người Việt xưa rất hài hước và thông thái khi có truyện “Con rắn vuông”. Anh nông dân khoác lác nọ đã “nổ banh nóc” với vợ về việc gặp một con rắn. Cuối cùng, theo lời anh ta nói thì con rắn trở thành “con rắn vuông” vì chiều dài và bề ngang là…bằng nhau. (rất may anh nông dân này mới chỉ mang bệnh khoác lác chứ chưa có ý định dùng thông tin để thao túng dư luận gây bất ổn).

Thời gian gần đây chắc hẳn khá nhiều người từng chứng kiến việc “làm mưa làm gió” của một thông tin vô cùng “tào lao mía lao” là: “Đừng quên ngày mai là điều lệ mới của Zalo…”.

Một thông tin chỉ cần liếc ngay dòng đầu tiên đã không khó để nhận ra đó là tin giả bởi nếu ngày 5 đưa tin thì “ngày mai” là ngày 6, ngày 16 đưa tin thì “ngày mai” là ngày 17… Vậy mà, không biết bao nhiêu người chia sẻ ầm ầm để tin này lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội và cứ “xuân thu nhị kỳ” nó lại trở lại khuấy đảo cõi mạng ít ngày rồi lại “rút vào hoạt động bí mật” chờ thời cơ để quay lại.

Tất nhiên, đây chỉ chưa hẳn là thông tin xấu, độc, nhưng từ chỗ dễ tin vào các thông tin giả đến việc bị dẫn dắt bởi các thông tin xấu độc là bước rất ngắn.

Sách “Cổ học tinh hoa” của Trung Quốc có kể chuyện rằng: Thời Xuân Thu có ông Tăng Sâm người đất Phi là học trò đức Khổng Tử. Ông tính tình chân thật và có hiếu, về sau truyền được đạo của Ngài. Lúc bấy giờ có kẻ trùng tên với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến báo mẹ ông Tăng Sâm rằng: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ nói: “Chẳng khi nào con ta lại giết người”. Rồi bà điềm nhiên ngồi dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người.” Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên dệt cửi. Một lúc lại có người đến bảo: “Tăng Sâm giết người”. Bà mẹ sợ cuống cuồng, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn.

Tăng Sâm vốn là người hiền hậu, hiếu thảo nên bà mẹ tin con không thể là kẻ giết người. Vì thế, hai lần trước có người bảo "Tăng Sâm giết người", bà mẹ không tin. Nhưng đến lần thứ ba thì bà mẹ cuống cuồng chạy trốn.

Rõ ràng Tăng Sâm không giết người, thế nhưng nếu nhiều người cùng nói Tăng Sâm giết người thì dù có tin con mình đến bao nhiêu, bà mẹ cũng có lúc phải xiêu lòng. Vậy nên, nếu một thông tin xấu, sai cứ được lặp đi, lặp lại, được lan truyền trên mạng xã hội thì rỗi cũng khiến cho nhiều người từ bán tín, bán nghi đến tin là thật.

Đặc tính của tư tưởng là độ rỗng, vì vậy nhu cầu về thông tin bao giờ cũng là nhu cầu mà các chủ thể mong muốn lấp đầy. Vì vậy, nhiều khi chủ thể tiếp nhận cả các thông tin giả, tin xấu, tin độc mà bản thân nếu không có khả năng suy luận rất dễ bị dẫn dắt và tin theo.

Do đó, mỗi người khi tiếp nhận thông tin cần phải bình tĩnh, sáng suốt, cẩn trọng, suy luận và thông thái. Cũng từ vụ việc xử lý thông tin thất thiệt trong câu chuyện này để lại rất nhiều bài học, đó là cần nhanh chóng, kịp thời và minh bạch thông tin, khi đó, tin giả, tin xấu, tin độc sẽ không còn đất sống.