• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Chiêu trò của Trịnh Hữu Long
Ngày xuất bản: 18/03/2022 8:23:00 SA
Lượt đọc: 10137

Cuộc xung đột Nga-Ucraine đang gây chấn động và chia rẽ thế giới, được dư luận khắp nơi trên thế giới và nhất là trên không gian mạng đặc biệt quan tâm. Các quốc gia trên thế giới đều đã đưa ra chính kiến về cuộc xung đột này. Bên cạnh đó, người ta cũng bình nhiều, luận nhiều, loan tin không ít… Trong đó, một số phân tích có cơ sở sâu sắc rất thuyết phục, tuy nhiên như thường lệ, nhiều kẻ nhân cơ hội này khai thác thông tin để “đánh bóng”, thêu dệt cho thêm phần nóng bỏng với mục đích chung là xuyên tạc và chống phá Việt Nam, đó là các trang báo, đài như Việt Tân, Danlambao, Tiếng Dân, đài BBC, RFA… Nếu như Việt Tân chỉ đăng tin về Ukraine, rồi thể hiện quan điểm riêng, ai đúng ai sai trong cuộc xung đột này thì dù nói nhăng nói cuội thì đấy là việc của Việt Tân. Nhưng không thế, Việt Tân lại lợi dụng sự việc này để xuyên tạc, về việc bỏ phiếu của Việt Nam tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, cho rằng: “Việt Nam bỏ phiếu trắng là có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế sao?”. Báo Tiếng dân thì bình loạn: “Ngoại giao Việt Nam rơi tự do”. Còn BBC thì nói “Việt Nam biện bạch cho việc bỏ phiếu trắng”… Những kẻ này đã cố tình lờ đi những phát biểu và nỗ lực đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu hòa bình suốt nhiều năm qua và đã được thế giới thừa nhận.

Ngày 03/3/2022, trên mạng xã hội có đăng bài viết của Trịnh Hữu Long “Hai nửa lá phiếu của Việt Nam” cho rằng “Nửa thuận, nửa chống, và thái độ ỡm ờ trước cái ác”, và “Đó là thái độ ngoại giao ỡm ờ của một quốc gia không biết mình muốn gì và không biết giá trị của mình là gì”(?)
Xin được đưa ra một câu chuyện giả định, nhưng cũng không hiếm gặp trong cuộc sống: Một người có hai người bạn, hai anh bạn này vốn đã âm ỉ nhiều mâu thuẫn, khúc mắc. Bỗng một hôm không đẹp trời, anh bạn khỏe hơn nhảy vào đánh anh yếu hơn, anh yếu cũng không phải tay vừa, vừa chống trả vừa kêu gọi bạn bè, thậm chí cả đầu gấu, đầu beo trợ giúp. Nếu là bạn của cả hai anh đó, bạn sẽ làm gì? Một là, giúp anh yếu một tay chống lại anh khỏe; Hai là, cùng với anh khỏe cho anh yếu một trận; và ba là, phản đối các anh đánh nhau, hòa giải các anh, yêu cầu các anh giảm cái đầu nóng, ngồi lại với nhau… Thiết nghĩ, là người có tâm, có tầm và tử tế, bạn sẽ chọn cách thứ ba. Thái độ như thế là nhân văn, là đã tự nâng tầm mình lên, sao lại gọi là “ỡm ờ”, và “không biết mình muốn gì và không biết giá trị của mình là gì”?
Với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là những người bạn truyền thống thân thiết. Những Matxcova, Kiev, Leningrat, Donbat, Khaccop…còn in đậm trong tâm tư, tình cảm của biết bao công nhân, lưu học sinh Việt Nam. Nên chúng ta không buồn sao được trước tình hình xung đột, chiến sự hiện nay của hai bên. Vậy chúng ta phải lựa chọn ứng xử thế nào khi cả hai bên là đều là bạn bè, đối tác? Một câu hỏi được đặt ra ai đúng, ai sai và liệu cuộc xung đột này sẽ đi đến đâu? Rõ ràng, Việt Nam đã thể hiện rất rõ thái độ ủng hộ giải pháp hòa bình, kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi vào bàn đối thoại, đàm phán, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Quan điểm này cũng đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine”, “kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động vũ lực gây thương vong và tổn thất cho dân thường”… “hoan nghênh các nỗ lực đối thoại”. Cùng với đó, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời để cho chính trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số cuộc xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại, của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những đau khổ và đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.
Trên cơ sở đó, Việt Nam bỏ phiếu trắng với nghị quyết về Ukraine tại Liên hợp quốc là thể hiện quan điểm, thái độ chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình.
Với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng chí tình giúp đỡ Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới. Không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận áp đặt lên nước Nga. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất chấp hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận.
Với Ukraine, ta ủng hộ bạn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia, mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt với chính trị cường quyền không phải chịu đựng chính sách “ngoại giao pháo hạm” của các nước lớn. Việt Nam phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, Ukraine nên tỉnh táo hơn không để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực các nước lớn. Điều này một lần nữa khẳng định chính sách “ba không” là một sách lược đúng đắn: Không liên minh quân sự; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự; không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.
Các bên xung đột trực tiếp và các bên can dự xung đột đều đưa ra lý lẽ của mình. Nguyên nhân xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa. Kết cục của cuộc chiến, cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng, chắc chắn cả hai đều bị tổn thất to lớn. Nga phải bỏ ra chi phí rất lớn để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, lại phải chịu đòn trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ và đồng minh. Còn Ukraine thì sẽ chịu nhiều thiệt hại tàn phá sau cuộc chiến. Một khi hai bên cầm súng bắn vào nhau thì thù hận sẽ rất khó xóa cho các thế hệ kế tiếp. Mà đây lại là hai quốc gia, dân tộc có chung cội nguồn lịch sử, văn hóa…
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cùng với phát biểu của Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc và lá phiếu trắng với Nghị quyết về Ukrine tại Liên hợp quốc là thái độ chân thành, thẳng thắn: Việt Nam ủng hộ hòa bình và nỗ lực đóng góp cho mục tiêu hòa bình, không thể gọi là “ỡm ờ, nửa thuận, nửa chống” như Trịnh Hữu Long của Luật khoa tạp chí rêu rao, xuyên tạc.