Mạng xã hội phát triển rất nhanh và vai trò của nó ngày càng tăng lên trong đời sống xã hội và quốc phòng. Chưa bao giờ mạng xã hội trở nên phổ biến và chiếm lấy phần lớn thời gian sử dụng Internet của con người, mang lại các giá trị to lớn về mọi mặt. Mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích, dễ sử dụng, song mạng xã hội cũng có mặt xấu, “độc hại” khiến người sử dụng nó phải gánh chịu hậu quả nếu vi phạm quy tắc sử dụng. Bên cạnh những lợi ích do mạng xã hội đem lại, mạng xã hội đang là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng tung tin xấu, độc, đẩy mạnh hoạt động chống phá, gây rối loạn tình hình.
Chiêu thức và thủ đoạn phổ biến của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động là sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động chống phá, xuyên tạc sự thật, tập hợp lực lượng, hình thành tổ chức tiến hành các cuộc “cách mạng màu”, thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Vì lẽ đó, mạng xã hội trở thành một “trụ cột” của sự phát triển, một “không gian chủ quyền an ninh” quốc gia.
Nhìn lại các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung” vừa qua, chúng ta thấy rõ vai trò “ngòi nổ” với sự “kích hoạt” nhanh, mạnh, vô cùng nguy hiểm của mạng xã hội khi nó bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để lan truyền các tin thất thiệt, các băng hình giả mạo để kích động, gây hấn, tạo dựng các cuộc bạo động, lật đổ chính quyền.
Thực tế chỉ ra rằng, vai trò “ngòi nổ” của mạng xã hội được kích hoạt trong “mùa Xuân Ảrập” ở các quốc gia Bắc Phi là rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Phương Tây không chỉ hỗ trợ các phe nổi dậy chống chính phủ bằng tiền và vũ khí, mà còn sử dụng mạng xã hội như một phương thức chiến tranh tâm lý để tập hợp, kích động các lực lượng nổi dậy, thu thập thông tin tình báo qua hệ thống điện tử và cung cấp các đường link với những trang web chống các chế độ xã hội và bất kỳ thế lực nào đi ngược lại lợi ích của họ, ngăn cản, chống đối họ.
Vai trò “ngòi nổ” trong các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung” biểu hiện ở chỗ: (a) Thông qua mạng xã hội, lan truyền tin, thực hiện nhiệm vụ gián điệp, nắm tình hình, tạo cơ sở xác định thời điểm và nội dung, hình thức, biện pháp kích động, chống đối; (b) Tạo dựng, khoét sâu các mâu thuẫn, bất đồng, làm mọt ruỗng từ bên trong thể chế, gây mất đoàn kết trong nội bộ, tạo điều kiện cho các hành động chống đối; nhen nhóm ngọn lửa bùng phát xung đột, chiến tranh; (c) Thông qua mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, tập hợp lực lượng cho việc thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung”...
Việc quản lý thông tin trên mạng xã hội rất khó khăn, nhất là khi các mạng xã hội thực hiện truyền tin qua email, messenger, hoặc liên kết website, youtube, facebook một cách tự do. Ðây chính là “hố đen” được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng khai thác, thao túng. Khi có sẵn trong tay danh sách địa chỉ thư tín của các cá nhân lãnh đạo thuộc diện “quan tâm đặc biệt”, họ chọn thời điểm để phát tán, tung tin và tải lên các trang mạng xã hội nổi tiếng với tần suất lớn để thu hút nhiều người đọc, nhất là giới trẻ, các đối tượng hiếu kỳ nên rất khó kiểm soát.
Chúng ta có nhiều biện pháp quản lý mạng xã hội là rất cần thiết nhưng không phải là ngăn cấm, áp đặt ý chí chủ quan mà yêu cầu người sử dụng mạng xã hội phải theo luật pháp, thực hiện đúng quy tắc và cách ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Bài học về “ngòi nổ” trong các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, “cách mạng nhung” rất cần phải hết sức cảnh giác, luôn luôn đề phòng. Cùng với đó, phải xử lý nghiêm minh các đối tượng sử dụng, lợi dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là hành vi trái pháp luật, cần phải trừng trị theo pháp luật, đúng người, đúng việc, đúng tội để làm gương.
2. Nhận thức đúng bản chất của xung đột, chiến tranh mới
Xưa và nay, chiến tranh, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố... luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong các vấn đề nghị sự chính trị, quân sự, ngoại giao, chi phối tiến trình vận động, biến đổi của thế giới, tác động mạnh mẽ đến đời sống của hàng triệu người trên thế giới.
Đảng ta khẳng định ngày nay, chiến tranh thế giới khó có thể xảy ra do mối quan hệ quốc tế ngày càng đan xen phức tạp hơn và với kho vũ khí mà các cường quốc hạt nhân đang sở hữu, bởi cuộc chiến này nếu nó xảy ra sẽ không có kẻ thắng người thua. Tuy nhiên, với các mâu thuẫn tại khu vực mới, đặc biệt là tại các nước Liên Xô (cũ), cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina, Trung Đông, Bắc Phi, Đông Bắc Á, Ấn Độ, Pakixtan, Ápganistan, bán đảo Triều Tiên; những bất đồng xoay quanh việc chống nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chưa có hồi kết... thì nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang trên quy mô lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bức tranh thế giới đương đại đa màu, đa sắc, đầy tính bạo lực; chỉ tính riêng trong 50 năm cuối của thế kỷ XX, trên thế giới và khu vực đã xảy ra 260 cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột vũ trang, trong vòng 48 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã có 4,5 nghìn tỷ USD chi phí vào quân sự, bình quân 95,7 tỷ USD/năm, 262,2 triệu USD/ngày, 10,9 triệu USD/giờ, 181,166 USD/phút cho quân sự. Trong khi đó, hàng tỷ người trên hành tinh lại sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, thất học, khốn cùng. Tình trạng chiến tranh và hệ lụy của nó đối với nhân loại đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu suy giảm, thậm chí ngày càng tăng lên.
Trong những năm gần đây, chiến tranh, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, dân tộc, khủng bố tiếp tục có những diễn biến phức tạp và không thể kiểm soát. Những “điểm nóng” luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ, xu hướng phát triển chủ đạo của nó là bạo lực vũ trang gắn với những biện pháp phi vũ trang không theo kịch bản dàn dựng sẵn, nên rất khó lường, ví như cuộc xung đột quân sự “đặc biệt” giữa Nga và Ucraina hiện nay với mức độ nguy hiểm, sự lây lan và hệ lụy gây ra là rất lớn. Cùng với đó là các điểm nóng ở Syria, Nam Xuđăng, Nga - Ucraina và Thổ Nhĩ Kỳ, trên Biển Hoa Đông, Biển Đông với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của nước lớn.
Chiến tranh, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, dân tộc, khủng bố đang diễn ra trong thế giới đương đại mang tính chất quốc tế sâu sắc. Việc phân biệt chính nghĩa, phi nghĩa trở nên hết sức phức tạp, bởi sự đe dọa của nó đối với an ninh quốc gia, hòa bình thế giới, nhất là sự dính líu, can thiệp hoặc tham gia trực tiếp của nhiều bên, nhiều lực lượng là rất nguy hiểm.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí, trang bị và chạy đua vũ trang tất yếu dẫn đến sự thay đổi về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh, phương pháp tác chiến, cách đánh. Lực lượng tham chiến của các bên với quân số đông có thể không còn chiếm ưu thế; cảnh tàn sát, tiêu diệt sinh lực lẫn nhau giữa các bên tham chiến sẽ nhường chỗ cho sự đối kháng thông tin, sử dụng vũ khí công nghệ cao, sát thương lớn, điều khiển từ xa, độ chính xác cao, làm suy sụp ý chí đối phương, mau chóng dẫn đến thất bại.
Vì vậy, vũ khí công nghệ cao là phương tiện phổ thông được các bên tham chiến triệt để sử dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang. Trong xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự, xuất hiện các loại vũ khí, trang bị mới. Trong đó, không loại trừ các bên tham chiến có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để uy hiếp, đe dọa đối phương. Vì vậy, vũ khí hạt nhân là “con át chủ bài” có thể được sử dụng như là một phương tiện có tính chất “tối hậu” nhằm giải thoát tình trạng khẩn cấp khi một bên tham chiến không còn đủ lực lượng, sức mạnh và phương tiện để tránh thảm họa quân sự. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, không thể xem thường. Hơn thế, các biện pháp triển khai chiến tranh thông tin, triệt để khai thác, sử dụng mạng xã hội được đẩy mạnh và có thể tiến hành chủ yếu từ không gian vũ trụ.
Những diễn biến phức tạp của chiến tranh và xung đột vũ trang trên thế giới và nó luôn đặt ra khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và Quân đội ta phải tìm lời giải đáp là phải làm gì và làm như thế nào để giữ sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đây là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, chăm lo đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì vậy, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới có vị trí, vai trò rất quan trọng nhằm đánh giá đúng những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm. Qua đó, dự báo tình hình, xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong những năm tiếp theo. Vì vậy, mạng xã hội, xung đột và chiến tranh là những vấn đề nóng, rất cần quan tâm và luôn đề cao cảnh giác./.
DƯƠNG PHƯƠNG DUY