Từ lâu, 3 mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và các cá nhân Đinh Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Túc đã được biết đến là những đối tượng thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để soạn thảo, tán phát thông tin, tài liệu chống phá Nhà nước. Việc xét xử, kết án các đối tượng này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy vậy, mới đây, trang thông tin điện tử của tổ chức "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam” đã đưa tin về việc trao cái gọi là "Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2021” cho các đối tượng nói trên. Thực chất, đây chỉ là chiêu trò nhằm mục đích kích động, cổ súy cho những hành động chống phá, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Hai bị cáo Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư trong phiên xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình. (Ảnh chụp màn hình). |
Trước hết, cần khẳng định, Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư là hai đối tượng mang tư tưởng tiêu cực, bất mãn chính trị. Kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, trong thời gian từ ngày 9 - 14/01/2020, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân phát trực tiếp 08 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam... Quá trình điều tra, khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ được một số đồ vật, tài liệu có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước như: "Cẩm nang nuôi tù”, "Phản kháng phi bạo lực”, "Đặt bàn tay lên Việt Nam”, "Chính trị bình dân”... Với các hành vi vi phạm đó, tháng 5/2021, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư mỗi bị cáo 8 năm tù giam cùng về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, 3 năm quản chế tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Đối tượng Trịnh Bá Phương (con trai của Cấn Thị Thêu) cũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Với các hành vi soạn thảo, đăng tải, phát tán nhiều video clip, bài viết có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước, ngày 15/12/2021 tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trịnh Bá Phương mức án 10 năm tù.
Hai cá nhân còn lại được “trao thưởng” cũng là những đối tượng đang thụ án vì các hành vi chống phá chính quyền. Trong đó, Đinh Thị Thu Thủy đã mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc... bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đầu năm 2021, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên án 7 năm tù và 2 năm quản chế đối với Đinh Thị Thu Thủy về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, tháng 4/2018, đối tượng Nguyễn Văn Túc cũng đã bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên 13 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Theo điều tra, Nguyễn Văn Túc là một thành viên của “Hội anh em dân chủ”, giữ các vị trí như trưởng nhóm ở Thái Bình, sau đó làm Phó Ban đại diện, rồi Phó chủ tịch thứ nhất của tổ chức này với “bề dày thành tích” trong tiến hành các hoạt động chống chính quyền nhân dân.
Bị cáo Nguyễn Văn Túc tại tòa. (Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN). |
Nhìn qua “thành tích” của 5 đối tượng được trao cái gọi là "Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2021” có thể thấy, điểm chung của những đối tượng này là đều đang chấp hành án tù về các tội tuyên truyền chống Nhà nước, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Việc trao giải cho các đối tượng vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã phản ánh rõ nhất bản chất của cái gọi là “Giải thưởng nhân quyền Việt Nam 2021”, cũng như động cơ, mục đích của tổ chức "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”.
Rõ ràng, cái đích mà tổ chức trên muốn nhắm đến là xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam; xuyên tạc, bôi nhọ nhằm tạo cớ để các tổ chức, cá nhân nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Thực tế hành động việc làm của các đối tượng nêu trên là hành động chống phá Nhà nước. Việc xét xử, tuyên án các đối tượng đó hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Bởi dù ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào, hành vi phạm tội chống phá Nhà nước đều sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Với chiến lược “diễn biến hòa bình” và mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian qua không ít tổ chức nước ngoài đã sử dụng chiêu trò ngợi ca, tán dương, vinh danh, trao “giải thưởng”, “giải thưởng quốc tế” cho các đối tượng vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thực chất đây là chiêu trò hết sức nguy hiểm, vừa bóp méo tình hình nhân quyền tại Việt Nam, vừa “hà hơi, tiếp sức” cho các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị, các phần tử vi phạm pháp luật ở trong nước…
Câu chuyện về cái gọi là "Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2021” mới đây chỉ là một ví dụ cho chiêu trò này. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần đề cao cảnh giác, nhận rõ bản chất của vấn đề. Từ đó tích cực đấu tranh, vạch trần động cơ chính trị đen tối phía sau chiêu trò nguy hiểm nói trên; góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và bảo vệ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay./.