Song hành với kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần đây trong bộ máy công quyền xuất hiện tình trạng cán bộ trì trệ, né trách nhiệm, không dám làm, sợ làm sai, sợ vi phạm pháp luật. Việc này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, khiến uy tín của cơ quan công quyền bị giảm sút.
Nói đến cán bộ, đảng viên là nói đến tính tiên phong, gương mẫu, có trách nhiệm với dân, với nước và mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Điều đó thể hiện rõ nét trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thời kỳ đổi mới, nhiều cán bộ, đảng viên thấu triệt tinh thần “đảng viên đi trước làng nước theo sau”, nêu cao quyết tâm, vững niềm tin, không ngừng sáng tạo và đem hết trách nhiệm cống hiến. Cán bộ nhiều cơ quan nghiên cứu đã giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, với nhân dân, cho ra đời những công trình, sáng kiến khoa học, không ngừng làm giàu cho xã hội.
Tuy nhiên, cũng có không ít cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí công tác, kết bè kéo cánh, tạo ra những mối liên kết ma quỷ cốt để rửa tiền rồi chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Các vụ án bị đưa ra xét xử gần đây đã cho thấy: quyền, tiền có sức hút ghê gớm, xô đổ nhân cách cán bộ và tư cách đảng viên. Khi cơ quan chức năng lật lại hồ sơ các dự án, những “cái kim trong bọc” bị lòi ra. Cũng từ đây, trong không ít cán bộ xuất hiện tư tưởng ngại làm, sợ sai. Có cán bộ đã công khai phát biểu đại ý rằng, thà không làm và bị kiểm điểm trách nhiệm còn hơn làm để rồi bị chịu kỷ luật.
Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp là một ví dụ điển hình. Năm 2022, Chính phủ đốc thúc quyết liệt, quy định thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% bị xét không hoàn thành tốt nhiệm vụ hoặc giải ngân từ 30% đến 50% thì thủ trưởng đơn vị cũng không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ sợ sai vì quá trình giải ngân dễ vướng vào vi phạm pháp luật. Cũng có thông tin cho rằng, do thanh tra, kiểm tra chặt chẽ nên không việc gì phải “lao tâm khổ tứ”. Biểu hiện rõ nhất trong vấn đề né trách nhiệm, chính là hiện tượng cán bộ xin chuyển công tác với những nguyên nhân khác nhau.
Một vấn đề khác cần bàn là tinh giản biên chế. Tiến độ này vẫn chậm và chưa đạt mục tiêu. Theo Bộ Nội vụ, kết quả tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương là 79.024 người. Đa phần trong số này là những người đến tuổi về hưu, thôi việc, nghỉ việc mà không phải là những cán bộ, công chức bị xếp loại yếu kém về chuyên môn để loại ra.
Trước vấn đề này, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định để chỉ đạo chấn chỉnh. Kết luận số 21-KL/TƯ, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đặt ra mục tiêu kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thực chất và hiệu quả. Một mặt, Kết luận số 21-KL/TƯ chỉ rõ, phải tăng cường bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo. Kết luận yêu cầu tổ chức Đảng phải kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Để thực hiện những nội dung trên, chấm dứt tình trạng cán bộ né trách nhiệm, sợ sai, chờ thời thì vấn đề quan trọng mang tầm chiến lược là phải xây dựng được môi trường công tác hiện đại, minh bạch, không tiêu cực ở lĩnh vực công. Ở tầm vĩ mô, cần kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ thông qua biện pháp hạn chế dùng tiền mặt để làm rõ những nguồn tiền, tài sản bất minh thông qua giải trình. Nhà nước cần cải cách chế độ tiền lương cán bộ theo vị trí việc làm, chức danh, qua đó khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấm dứt tình trạng lơi lỏng về quản lý và kiểm soát, đánh giá cán bộ; mở rộng dân chủ, tăng cường vai trò giải trình của người đứng đầu với công luận.
Xét cho cùng, để có chất lượng công việc tốt thì phải có cán bộ tốt, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Những giải pháp của Đảng như đã nêu có vai trò định hướng, thúc đẩy hoặc ngăn ngừa cán bộ sai phạm chứ không thể thay thế được sự tự giác, tự thân cống hiến của cán bộ. Hiện nay, vấn đề cần nhất ở mỗi cán bộ là phải có đủ tâm huyết, dũng khí thì mới làm được việc khó, hoàn thành vai trò gương mẫu. Đây là nền tảng để mỗi cán bộ tự giác rời bỏ chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng chạy theo lợi ích; liên tục rèn luyện để có đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ từ “đạn bọc đường”, “bôi trơn”, “lót tay” và “hoa hồng”.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 25%) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Nhưng với sự cam kết của Chính phủ: “Ai sai thì xử lý, ai làm tốt phải bảo vệ, ủng hộ; xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng” và “Chính phủ, các bộ, ngành cùng làm, cùng chung tay tháo gỡ những vướng mắc” cho thấy Chính phủ đã rất nỗ lực cho nhiệm vụ này. Đây chính là điểm tựa để các bộ, ban, ngành, địa phương tăng thêm động lực, quyết tâm thực hiện trong năm nay và các năm sau, để giải ngân vốn đầu tư công không còn là “nỗi trăn trở” mỗi khi nhắc đến.
Tin khác