Đây là vấn đề nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần giải quyết tốt hơn nữa tại dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ
Tại Kết luận số 36 ngày 23.6.2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã quy định rõ, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ trung ương đến địa phương; sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp ở địa phương; rà soát, thống nhất đơn vị quản lý khai thác thủy lợi vùng, quốc gia. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, dự thảo Luật và Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ và chưa có giải pháp, chính sách cụ thể để thể chế hóa chủ trương này, nhất là đặt trong tổng thể hiện nay.
Hiện đang có 5 bộ cùng có trách nhiệm quản lý về tài nguyên nước. Trong đó, Bộ Công Thương quản lý nước ở các hồ thủy điện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nước ở công trình thủy lợi; Bộ Xây dựng quản lý nước đô thị; Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về nước chung và nước ngầm; Bộ Giao thông Vận tải quản lý giao thông thủy. Với ít nhất 5 Bộ cùng tham gia về quản lý phải rà soát để quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và khắc phục tính chồng chéo giữa các luật liên quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, tại khoản 2 Điều 79 của dự thảo Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật, định mức đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, trám, lấp giếng không sử dụng.
Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 56, Luật Thủy lợi năm 2017 quy định trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi, cũng đầy đủ các nội dung như quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển thủy lợi và cấp phép sử dụng. Với sự trùng lặp quy định tại hai luật này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu và có cách thể hiện cụ thể để phân định rõ chức năng, thẩm quyền giữa hai Bộ trong dự thảo Luật, tránh xảy ra chồng chéo, vướng mắc trong quá trình thực thi.
Tại Tờ trình dự án Luật, Chính phủ đánh giá một trong những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 là chưa tách bạch rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn nước với trách nhiệm quản lý công trình khai thác, sử dụng nước cũng như các hoạt động liên quan đến vùng nước. Một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, chưa đồng bộ với Luật Tài nguyên nước dẫn đến trong thực tế còn chồng chéo về nhiệm vụ, bất cập trong phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành, địa phương. Khi vấn đề này đã được nhận diện, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để tách bạch trách nhiệm trong quản lý và không chồng chéo nhiệm vụ, rõ cơ chế phối hợp.
Cụ thể các trường hợp phải đăng ký, cấp phép tài nguyên nước
Một nội dung quan trọng tại dự thảo Luật lần này là các quy định về thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước, chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ (Điều 82). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc dự thảo Luật quy định chung chung, giao Chính phủ hướng dẫn việc cấp phép, liên quan đến trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan ở trung ương và địa phương như Điều 82 là chưa phù hợp.
Qua quá trình tổng kết quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước liên quan đến vấn đề cấp phép và đăng ký khai thác, sử dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần nghiên cứu đưa những quy định cụ thể về thẩm quyền trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; làm rõ vấn đề nào cần giữ lại thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề nào phân cấp cho UBND cấp tỉnh hay Sở Tài nguyên và Môi trường? “Quy định chung chung tại Luật sẽ phải chờ Chính phủ hướng dẫn. Nếu hướng dẫn có thể hơi khác quy định của Luật sẽ không bảo đảm tính thống nhất và cũng là sơ hở có thể dẫn đến tiêu cực không tốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chỉ rõ, cơ quan soạn thảo cần rà soát, thể hiện rõ trường hợp nào phải đăng ký, trường hợp nào phải cấp phép, trường hợp nào không phải đăng ký, cấp phép tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật, để tránh trùng lắp hoặc bỏ sót. Thường trực Ủy ban cũng lưu ý, cần làm rõ mối liên hệ giữa đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại Điều 47 với quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại Điều 69; bổ sung quy định việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình thủy lợi đã xây dựng đi vào hoạt động thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp phép theo hướng tối giản các thủ tục hành chính và chi phí thực hiện.
Trong phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, cần rà soát các quy định về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước để bảo đảm phân cấp, phân quyền cụ thể, tách bạch phạm vi quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo và bảo đảm thống nhất từ trung ương đến địa phương. Quy định rõ thẩm quyền của các Bộ, UBND các cấp trong gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng nước trong vấn đề ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn về nước.