• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
“Báo tiếng dân” và những kẻ hoang tưởng
Ngày xuất bản: 12/03/2022 11:04:00 SA
Lượt đọc: 5780

Trần Công Nghệ

Mới đây khi bắt gặp bài viết của Vũ Hoàng Linh đăng trên baotiengdan kể lể về quá trình biến đổi “tình cảm” từ ưa đến không thể ưa được chủ nghĩa cộng sản, nghe “chối tai gai mắt” nên dù bài viết đó của Linh không có giá trị nghĩa lý gì nhưng tôi cũng thấy cần nói lại đôi lời.

Đầu tiên Linh nói cũng như nhiều người cùng thế hệ, Linh ngay từ tuổi 17-18 đã “hiểu” và cho rằng những thứ như giá trị thặng dư, chủ nghĩa duy vật biện chứng… mà y được biết là “có sự máy móc, mơ hồ và viễn tưởng trong đó… Rồi y thổ lộ, điều làm y cảm thông với những người cộng sản lúc bấy giờ là việc họ đấu tranh cho giới cần lao, chống áp bức bất công nói chung, và độc lập dân tộc của Việt Nam nói riêng. Và cũng như rất nhiều người khác, y cũng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một sự kết tinh đạo đức của người cộng sản dân tộc, vừa yêu thương đồng chí, đồng bào, vừa khát khao độc lập, tự do cho dân tộc…

Thế rồi y kể khi đọc những tờ báo tiếng Anh cũ như Time, Newsweek và “hiểu ra” “còn có một chân trời khác, các hệ giá trị khác”. Mà y không biết rằng (hoặc cố tình không biết) những thông tin trên đó cũng là đã qua những lăng kính nhiều góc nhìn, rồi y lại đọc “báo cáo đại hội 20” của Khrushchev kể về Stalin, cùng lúc y thú nhận mặc dù thấy Khrushchev cũng chẳng tốt đẹp gì, tay dấy máu không biết bao nhiêu người… Sau này, y còn đọc thêm một số “tác phẩm” kiểu “Đêm giữa Ban ngày” của Vũ Thư Hiên… Cứ như thế Linh đã “bồi đắp” cho y những thứ rác rưởi, đó là sự bồi đắp cố tình, cố ý để hình thành một kẻ hoang tưởng ngụy biện không biết đâu là sự thật, Linh cũng giống như những kẻ viết trên baotiengdan đều có “thủ thuật” nhặt nhạnh những điều từ mấy chục năm để kích cầu và tích tụ tư tưởng xấu độc, cố tình lờ đi và đi ngược với những thay đổi tốt đẹp của sự thật lịch sử kháng chiến hào hùng cũng như đổi mới trên đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều nực cười là, một kẻ mang hình người nhưng tư tưởng thì vô định-hoang tưởng-méo mó quái thú, ai mà không biết những kẻ như Linh chỉ là “lính viết thuê” dùng cái tài “ngụy biện”, “nhặt nhạnh và quy kết” để kiếm sống qua ngày tháng kiếp vong nô nhưng vẫn vỗ ngực nỗ lực là “một người tự do”! – một kiểu tự do dị hợm, thích gì nói nấy, kể cả phủ định chính mình.

Khi ca ngợi chủ nghĩa tư bản, Linh cũng không quên ca ngợi sự sụp đổ của Liên xô và ca ngợi nước Nga, trong đó không quên ca ngợi Putin. Thế mà ngay khi tình hình Nga – Ucraina phức tạp như vừa qua thì y lập tức gán ghép quy kết “bóng ma của Chủ nghĩa Cộng sản đang trở lại dưới triều đại Putin”…

Xin nói rõ hơn về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Trong công trình Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn phân tích vạch rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản (CNTB) hiện nay. Với cái nhìn khách quan, biện chứng, bài viết khẳng định thừa nhận CNTB đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, giải phóng và phát triển sức sản xuất. Theo sự vận động nhiều nước tư bản phát triển, với các điều kiện kinh tế ở mức cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những điều chỉnh, hình thành các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ. CNTB thế giới ngày nay đã ra sức tự điều chỉnh thích ứng điều kiện mới và hiện vẫn còn tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, CNTB vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có trong lòng nó, biểu hiện ra là các cuộc khủng hoảng chu kỳ vẫn tiếp tục diễn ra; hố sâu khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng, cạnh tranh khốc liệt trên thương trường, những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc, tôn giáo vẫn không ngừng diễn biến trầm trọng. Một điều thuộc về bản chất xã hội TBCN không thể chối cãi là quá trình phát triển kinh tế – xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, nhà tư bản phải theo đuổi mục tiêu lợi nhuận trên hết, các chế độ chính sách đối với người lao động chỉ là để che dấu bản chất và cũng là để đạt mục tiêu lợi nhuận tối thượng, trong xã hội tư bản coi mức chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội…

Bản chất chế độ TBCN vẫn là vì lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. Trong đó, một bộ phận rất nhỏ 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó 1% đó chi phối toàn xã hội. Trên thực tế, các thiết chế “dân chủ tự do” trong xã hội tư bản chỉ dành cho số ít những ông chủ tư bản lớn, những đầu sỏ tài chính. Các cuộc bầu cử gọi là tự do, dân chủ, dù có thể thay đổi được chính phủ, thay đổi được phe nhóm nhưng không thay đổi giai cấp cầm quyền; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản, của giai cấp tư sản.

Nhận diện và phân tích rõ về bản chất của CNTB hiện đại và qua thực tiễn đã kiểm nghiệm để khẳng định: Con đường đi lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam, đó là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa, bỏ qua thể chế chính trị không phù hợpvới chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn sử dụng, tận dụng những thành tựu, giá trị văn minh của nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định, trên con đường phát triển không chỉ xuất phát từ thực tiễn của dân tộc mình, mà còn phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi nước không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại. Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn đúng khi khẳng định sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Có cái nhìn đúng đắn về CNTB và quan điểm phát triển phù hợp quy luật khách quan là cơ sở để Việt Nam vững bước trên con đường phát triển đi lên CNXH…/.