Khuyến khích và bảo vệ cán bộ từ chức

Dù còn hơn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu và vẫn được tập thể tín nhiệm rất cao, nhưng đồng chí Nguyễn Sự quyết định xin thôi làm Bí thư Thành ủy Hội An, mà theo ông là để những người kế nhiệm tiếp tục làm cho Hội An phát triển vững bền. 

Ông bảo làm lãnh đạo từ vị trí Chủ tịch UBND thành phố qua Bí thư thành ủy gần 1/4 thế kỷ là quá dài. Nó dần trở thành lối mòn, ngại đổi mới, ngại đột phá. Ấy là chưa kể, sự tại vị của mình sẽ gây cản trở sự tiến bộ, đi lên của anh em.

Và thế là ông Sự “treo ấn từ quan” một cách nhẹ nhàng, được cấp dưới nể phục, nhân dân kính trọng. Ông hòa vào dân nhẹ như hơi thở và nhịp điệu của phố phường cũ kỹ. Theo người dân, sở dĩ ông Sự làm được như thế là bởi ông là cán bộ thanh liêm, sống và làm việc vì lợi ích chung.

Thế nhưng điều đáng nghĩ ở đây là khi ông có ý kiến từ chức, tập thể đã đồng hành ở bên cạnh ông. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thành phố một mặt động viên, chia sẻ, mặt khác chủ ý phát biểu trước báo giới, truyền thông để đánh giá đúng về một cán bộ mẫu mực, dám hành động vì lợi ích chung.

Đó chính là cách mà tổ chức và cấp trên khuyến khích, bảo vệ cán bộ Nguyễn Sự từ chức một cách đàng hoàng, trước sự kính phục của dư luận.

Cách làm ở Hội An (Quảng Nam) là như vậy, nhưng ở nhiều nơi khác, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể lại chưa coi trọng công tác khuyến khích và bảo vệ cán bộ từ chức. Trong khi đó, so với đòi hỏi của thực tiễn, để cán bộ từ quan thì cần nhiều hơn nữa các chế độ, chính sách khuyến khích, bảo vệ một cách thiết thực, tương xứng.

Cách đây hơn 3 năm, lúc còn sống, đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo Quân đội nhân dân (tháng 10-2018), cho rằng nên gắn chặt việc nêu gương với việc từ chức.

Nếu ai xung phong từ chức vì lợi ích chung thì đó là một tấm gương sáng. Có nghĩa là phải tôn vinh, tưởng thưởng cán bộ dám từ chức, chứ không thể bỏ mặc họ theo kiểu “tự bơi”.

Do đó, để từ chức trở thành việc bình thường của cán bộ, hình thành văn hóa từ chức thì rất cần sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong khuyến khích, động viên, bảo vệ danh dự, nhân phẩm cho cán bộ từ chức trong mọi tình huống.

Bài 4: Việc không chỉ của riêng cán bộ
Ảnh minh họa: dantri.com.vn  

Khuyến khích cán bộ từ chức vì lợi ích chung chính là sự động viên của tổ chức, sự sẻ chia của cấp trên và đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội, là tâm lý chấp nhận một cách tích cực sự việc từ chức của cán bộ trong cộng đồng xã hội.

Phải tạo ra một môi trường lành mạnh, không hằn học, phỉ báng, hoài nghi cán bộ từ chức. Thậm chí, cần có cơ chế tưởng thưởng về vật chất một cách xứng đáng, khi cán bộ từ chức vì lợi ích chung.

Thể hiện rõ tinh thần này, Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Quy định 41) nêu rõ: “Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định”.

Điểm mới này của Quy định 41 thể hiện sâu sắc sự nhân văn của Đảng là không định kiến, không đóng sập vĩnh viễn mọi cánh cửa đối với những người đã nhìn ra khuyết điểm và nỗ lực khắc phục yếu kém để một lần nữa đủ điều kiện được xem xét, đưa vào diện quy hoạch, bổ nhiệm.

Bảo vệ cán bộ từ chức có nghĩa là đối với những người từ chức vì sai lầm, trách nhiệm, liên đới trách nhiệm thì pháp luật cần có chính sách khoan hồng, giảm nhẹ; dư luận xã hội cần đồng thuận sẻ chia, ủng hộ để mở đường cho họ tìm lại chính mình, sửa chữa khuyết điểm, sai trái theo hướng tích cực.

Đối với những cá nhân từ chức vì lợi ích chung, vì sự phát triển của thế hệ kế cận, kế tiếp thì tôn vinh, tuyên truyền rộng rãi ở tất cả các cấp để tạo sức mạnh nêu gương trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Vận hành thường xuyên theo “hai chiều”

Dù có tính đặc thù riêng, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) là một đơn vị quân đội, có Đảng bộ lãnh đạo và phần đa cán bộ, nhân viên là đảng viên.

Trong nhiều năm qua, bí quyết để đơn vị này không ngừng phát triển là thường xuyên luân chuyển cán bộ; kết hợp bổ nhiệm và miễn nhiệm, giữa đưa vào và đưa ra trong quy hoạch, giữa thăng chức và giáng chức, nhất là việc khuyến khích đội ngũ cán bộ từ chức khi thấy cần thiết.

Theo Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị tập đoàn, nếu ai không hoàn thành nhiệm vụ ở cương vị đó, thì đưa xuống vị trí thấp hơn. Điều đó chẳng có gì xấu hổ cả. Thậm chí ở vị trí thấp mà phù hợp với năng lực, sở trường, cán bộ còn đóng góp nhiều hơn cho tập đoàn; có khi lại có thu nhập cao hơn cả vị trí cũ.

Và chính câu chuyện “có lên, có xuống” đã tạo động lực để mỗi người phải nỗ lực mỗi ngày, làm việc hết mình vì tổ chức và bản thân mình. Đó cũng là một trong nhiều bí quyết để Viettel trưởng thành, lớn mạnh.

Có phần khác với cách vận hành đó, trong hệ thống cơ quan nhà nước hiện nay, khi một cán bộ từ chức, bị điều chuyển công tác đi nơi khác quả là một câu chuyện gây xôn xao dư luận. Về phần mình, nhiều cán bộ thường nghĩ rằng, từ chức thì coi như sự nghiệp, công danh đã chấm hết. Do đó, nhiều người tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, cố tình không từ chức dù phải chịu bất kỳ áp lực nào.

Trên thực tế hiện nay, có rất nhiều sự việc, sự vụ liên quan đến cán bộ ở nước ta đã ở mức buộc cán bộ có thể từ chức, vậy tại sao cán bộ lại không làm, không thể làm, không dám làm?

Do đó, quán triệt tinh thần của Quy định 41, để khởi tạo văn hóa từ chức, phải xem việc “có lên, có xuống", "có vào, có ra” như phần việc hết sức bình thường, là lẽ tự nhiên phải diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức.

Để có căn cứ giúp cán bộ từ chức, ngoài việc nắm chắc 4 căn cứ (trường hợp) được nêu rõ trong Quy định 41 của Bộ Chính trị, thì từng tổ chức, cán bộ, đảng viên cần làm tốt việc tầm soát những vụ án, vụ việc, câu chuyện, việc làm từ trong quá khứ.

Hãy soi xét, nhìn nhận thật khách quan, trung thực, chắc hẳn mỗi người sẽ ít nhiều mường tượng về những cá nhân liên quan, có trách nhiệm liên đới vẫn đang ở đâu đó trong vỏ bọc của sự hèn nhát hoặc được che đậy bởi chiếc áo lợi ích nhóm, thì nên chăng cần nghĩ suy lại cho thật thấu đáo, kín kẽ để đưa lên bàn cân giữa lương tâm, đạo lý, nhân phẩm và lợi ích vật chất đơn thuần, cùng quyền lực vốn dĩ không phải của mình.

Dư luận xã hội và tâm lý nhân dân dù không mong muốn, nhưng vẫn có thể đón nhận tích cực trước những hành động đẹp của những con người biết liêm sỉ, vì danh thơm mà “lĩnh ấn tiên phong”, khởi tạo nên trào lưu văn hóa từ chức trong Đảng, hệ thống chính trị của đất nước. Đó cũng là một cách làm sạch Đảng theo nghĩa tự giác, tích cực.

Dư luận đang mong muốn đội ngũ cán bộ các cấp phải làm việc đó ngay, vì một xã hội, một quốc gia muốn có văn hóa từ chức, điều bắt buộc trước hết là phải có những người dám tự nguyện xin từ chức khi còn đương nhiệm. Nói khác đi, văn hóa từ chức chính là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất về một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí.

Ngay từ bây giờ cần nhận thức rõ, việc từ chức phải đi từ những chức vụ nhỏ nhất, chứ không cứ phải ở những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Khi anh là công chức, nhân viên, một vị trí trợ lý bình thường cũng là “chức vụ” mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, nên anh cũng nhận trách nhiệm từ chức hoặc bãi nhiệm khi cần thiết.

Phải vận hành việc từ chức từ cấp nhỏ nhất, thôn xã, phường, thị trấn... mới có thể hình thành văn hóa từ chức một cách dễ dàng. Bằng không, khi càng lên cao, quyền chức càng lớn, lợi ích càng nhiều thì con người ta khó mà buông tay, rời ghế.

Ở chiều ngược lại, việc từ chức có mối quan hệ rất chặt chẽ với việc nêu gương. Cán bộ càng cao mà chủ động từ chức vì lợi ích chung, hoặc vì các lý do khác thì có sức mạnh nêu gương rất lớn. Trên làm được, ắt dưới sẽ làm theo, đó là điều hiển nhiên.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc nêu gương từ chức thời gian qua chưa xuất hiện trên thực tế, có chăng chỉ là nêu gương trong làm việc và nhận trách nhiệm, nên giải pháp nêu gương từ chức là không thuyết phục, thế nhưng dưới góc độ lý luận thì việc nêu gương từ chức nhất thiết phải được khởi tạo, thiết lập lại.

Do đó, một trong những điểm mới tại Quy định 41 lần này, Trung ương bổ sung Điều 7 về căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan trách nhiệm người đứng đầu. Người đứng đầu không chỉ bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi trực tiếp tham nhũng, tiêu cực, mà còn bị xem xét miễn nhiệm, từ chức khi cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Không thể có người đứng đầu vô can khi cấp dưới vi phạm.

(còn nữa)

Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, nêu rõ quyết tâm: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

NGUYỄN TẤN TUÂN và TRẦN CHIẾN