• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Ngày xuất bản: 07/06/2022 5:03:00 CH
Lượt đọc: 8828

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội giữa tuần này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị sớm luật hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tại sao lại như vậy?

 

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), hiện có tình trạng sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng cần phải xử lý nghiêm mà ngay cả người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu của căn bệnh này. Có người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai! Làm xong rồi cũng không biết có sai hay không; nếu có thì cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm.

Rất có thể đây là lý do dẫn đến việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men ở cả bệnh viện công và tư “tệ hơn bao giờ hết” như phản ánh của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội). Rất có thể, quá trình triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế và giải ngân đầu tư công cũng đang bị cản trở bởi căn bệnh này.

Cán bộ yếu kém sợ trách nhiệm đã đành một lẽ, song những cán bộ có năng lực tốt, chuyên môn tốt mà cũng sợ, không “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá” thì đây là điều hết sức đáng lo ngại. Nguyên nhân có nhiều, song theo đại biểu, nguyên nhân lớn nhất là quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thời gian qua chúng ta đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị và đã xử lý nghiêm những người cố tình làm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Nhưng bên cạnh đó, nếu nhìn vào các vụ án liên quan đến cán bộ đã bị đưa ra xét xử hay bị kỷ luật, không khó để nhận ra những chỗ còn gút mắc của luật pháp. Việc nhiều cán bộ bị truy tố với tội “cố ý làm trái…” và nay là “vi phạm quy định…” cũng vẫn là mối đe dọa rất thực với những lãnh đạo có tư tưởng và hành động đột phá, bởi đổi mới và sáng tạo có nghĩa là làm khác với khuôn khổ đã được định sẵn và đó cũng là “vi phạm quy định…”.

Thực tiễn của hơn 35 năm đổi mới và hội nhập cho thấy, cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” có vai trò quan trọng không chỉ với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Nếu 56 năm trước, ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, không “cố ý làm trái” thì nền nông nghiệp của Việt Nam đã không được cởi trói sớm như vậy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về mặt kỹ thuật lập pháp, luật hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị không phải việc dễ dàng. Để bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ và dám làm một cách thực chất, Nhà nước phải tháo bỏ những mối lo sợ luôn đè nặng trong tâm trí họ bằng sự rõ ràng, tường minh và không thể diễn giải khác của các quy định pháp luật.

Theo đó, phải kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định trong từng lĩnh vực để vừa bịt lỗ hổng quản lý, vừa tạo điều kiện cho phát triển và phục vụ Nhân dân tốt hơn; phải bổ sung hành lang pháp lý để người thực hiện nhiệm vụ được an tâm. Và Kết luận số 14 của Bộ Chính trị chính là nền tảng tư tưởng để tiến tới sửa đổi các quy định pháp luật và cách diễn giải luật của cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ các cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng thành trì luật pháp.

 
Hà Lan