• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Sự lựa chọn chính nghĩa và hòa bình
Ngày xuất bản: 04/05/2023 10:49:00 SA
Lượt đọc: 6768

Thấm thoát đã 48 năm ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Ngày 30/4/1975 là ngày hội thống nhất non sông, có ý nghĩa cao cả và tầm vóc to lớn. Hàng năm cứ đến ngày này, mỗi người Việt Nam chúng ta đều cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc.

Khi chiến tranh càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa của điều đó và thấy rằng muốn có một nền hòa bình bền vững, phải nỗ lực xây dựng sức mạnh toàn diện của đất nước, trong đó có sức mạnh chính trị – tinh thần, sức mạnh kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học – công nghệ cũng như nâng cao vị thế của quốc gia trên trường thế giới.

Trụ sở UBND TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long)

Sau 48 năm giang sơn thu về một mối và sau hơn 35 năm Đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong cục diện thế giới, khu vực đầy biến động hiện nay, Việt Nam có những lợi thế, đó là:

Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cạnh tranh giữa các nước lớn cho phép Việt Nam có điều kiện lựa chọn những kế sách phù hợp để thích ứng với quan hệ quốc tế, giảm sức ép từ các nước lớn; thúc đẩy và cải thiện quan hệ với các đối tác, nhất là các nước lớn hàng đầu, trên các vấn đề lợi ích chiến lược; qua đó, tranh thủ nâng cao vị thế quốc tế; kiềm chế, đẩy lùi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.

Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và các tổ chức, diễn đàn, Hội đồng thuộc Liên hợp quốc. Đây chính là cơ hội để Việt Nam phát huy vị thế, lựa chọn những chính sách phù hợp trong hội nhập, phát triển.

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thúc đẩy công nghệ số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, cũng như ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ mới, tạo sức đột phá mới trong phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; góp phần bảo đảm tốt hơn lợi ích quốc gia – dân tộc trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động của tình hình khu vực và thế giới. Nói đến cục diện an ninh – chính trị toàn cầu hiện nay không thể không nhắc đến cuộc xung đột vũ trang Nga –  Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như suy thoái kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, ngập mặn, nắng nóng…

Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc – Mỹ tại khu vực đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn quá trình tập hợp lực lượng, tạo áp lực không nhỏ đối với các nước. Bên cạnh cạnh tranh gay gắt, không loại trừ các nước lớn thỏa hiệp với nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của các nước vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam. Những tác động tiêu cực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa bảo hộ… đối với Việt Nam là không thể xem thường.

Tình hình Biển Đông, các vấn đề an ninh khu vực, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng… đặt ra nhiều thách thức, thậm chí không thể loại trừ nguy cơ bùng phát thành xung đột.

Bối cảnh quốc tế, khu vực nói trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, đánh giá một cách sâu sắc, kỹ lưỡng các bài học thực tiễn của Việt Nam cũng như quốc tế, đưa ra những dự báo kịp thời, sát thực hơn về các xu hướng thế giới cùng tác động đối với Việt Nam.

Trên cơ sở đó, đề xuất những điều chỉnh bổ sung cần thiết để thực hiện thắng lợi đường lối độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế và sức mạnh quốc gia.

Chúng ta cần đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đối tác, thị trường, nhất là không lệ thuộc vào bất kỳ nước lớn nào; nắm vững quan điểm kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, trong đó dựa vào nội lực đất nước là chính, đồng thời tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với từng đối tác, nhất là các nước lớn, trong từng giai đoạn.

Chúng ta không chọn bên mà chọn chính nghĩa, hòa bình, đối thoại, bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình và phát triển của đất nước. Xin được nhắc lại lời dặn của người xưa:

“Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy ngàn thu”

Tác giả: Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân nguyên là Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng; nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng. Ông là chuyên gia về khoa học quân sự và lịch sử thế giới.

Nguồn:https://dantri.com.vn/