• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VỀ NGUYÊN TẮC GẮN LÝ LUẬN VỚI THỰC TIỄN TRONG TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 03/12/2019 1:19:00 CH
Lượt đọc: 35768

            Bất cứ một giảng viên lý luận chính trị nào khi nghiên cứu các học phần của bộ môn Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin thì không thể không nghiên cứu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lẽ tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự cụ thể hóa những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách thiết thực vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

            Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường rất ngắn gọn, súc tích bởi đó không phải là tác phẩm lý luận đơn thuần chỉ có tác dụng “bút chiến”; mà còn là “cẩm nang” hướng dẫn thực hành cho cán bộ của Đảng trên mọi chặng đường cách mạng. Vì thế, các tác phẩm của Người tuy không đồ sộ về số lượng hay hàn lâm về nội dung mà chỉ gói gọn trong các cuốn sách nho nhỏ nhưng giá trị lại rất lớn không chỉ đối với thời kỳ chiến tranh gian khổ mà còn với cả chặng đường xây dựng chủ nghĩa xã hội phía trước ở nước ta.

            Một trong những tác phẩm mà các giảng viên lý luận chính trị cần “nằm lòng” đó là Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947. Trong tác phẩm này, Hồ Chủ tịch nêu ra một số nội dung lớn: Về nguyên tắc phê bình và tự phê bình, nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn, vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vấn đề tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục…Tác phẩm vừa nhằm phê bình những hạn chế, nhược điểm trong lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ trong bối cảnh cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta với thực dân Pháp vừa mới bắt đầu, vừa đưa ra những kinh nghiệm để chỉnh đốn, sửa chữa các nhược điểm, hạn chế đó. Trong số các vấn đề được đề cập, vấn đề gắn lý luận với thực tiễn chiếm một phần lớn nội dung và được nhắc lại nhiều lần trong các phần khác nhau của tác phẩm. Đây là một trong những nguyên tắc nhận thức quan trọng của chủ nghĩa duy vật biện chứng: Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn - nguyên tắc đã khiến một học thuyết thực sự trở thành công cụ sắc bén để thay đổi bộ mặt thế giới, khiến cục diện chính trị của thế giới thay đổi và giai cấp công nhân từ chỗ bị bóc lột rất tàn nhẫn, nặng nề đã bước chân lên vũ đài chính trị để đấu tranh cho mình và toàn thể nhân dân lao động.

            1. Về nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng:

Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho thực tiễn là hoạt động vật chất – cảm tính, mang tính lịch sử, có mục đích của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, lý luận là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới và được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù.

Vai trò của thực tiễn đối với lý luận: Thực tiễn là cơ sở, động lực của nhận thức, lý luận; Thực tiễn là mục đích của nhận thức, lý luận; Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của nhận thức, lý luận.

Vai trò của lý luận đối với thực tiễn: Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn; Lý luận khoa học góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng; Lý luận đóng vai trò định hướng, dự báo cho hoạt động thực tiễn, giúp hoạt động thực tiễn chủ động, tự giác, bớt mò mẫm, vòng vo.

Vì vậy, phải có quan điểm thực tiễn trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Quan điểm thực tiễn yêu cầu:

Một là, nhận thức sự vật phải gắn với nhu cầu thực tiễn của con người, xuất phát từ thực tiễn địa phương, ngành, đất nước.

Hai là, nghiên cứu lý luận phải liên hệ với thực tiễn, học phải gắn với hành.

Ba là, phải chú trọng công tác tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện phát triển lý luận cũng như chủ trương, đường lối chính sách. Phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm tra sự đúng sai của lý luận.

Trong hoạt động thực tiễn phải chủ động ngăn ngừa, khắc phục bệnh kinh nghiệm (khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa kinh nghiệm thực tiễn, coi thường, hạ thấp lý luận) và bệnh giáo điều (khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, coi thường hạ thấp kinh nghiệm thực tiễn; hoặc vận dụng kinh nghiệm của người khác, ngành khác, địa phương khác, nước khác không tính tới điều kiện thực tiễn cụ thể của mình).

Trong công tác, mỗi cán bộ phải gương mẫu thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, tránh nói một đằng, làm một nẻo; nói nhiều làm ít; nói mà không làm. v.v..  (trích: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí minh: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hệ trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Nxb.Lý luận Chính trị, H. 2014).

2. Nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong tác phẩm, ngay phần đầu tiên “Phê bình và sửa chữa”, Bác đưa ra ba “chứng bệnh” cần chữa ngay và bệnh đầu tiên được nhắc tới là: Bệnh chủ quan. Căn nguyên chính của bệnh này là “kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông” [tr.15]. Bác định nghĩa về lý luận với ngôn từ rất giản dị, dễ hiểu: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi đem nó chứng minh với thực tế” [tr.15]. Hay “lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận” [tr.79].

            Quả thực đúng như vậy, nếu lý luận chính là quá trình “xử lý” các kiến thức rời rạc, lẻ tẻ về một lĩnh vực nhất định trong thực tiễn bằng cách khái quát lại, sắp xếp các kiến thức đó thành hệ thống hoàn chỉnh có đối tượng, phạm vi, mục đích, phương pháp nghiên cứu cụ thể và có vai trò chỉ đạo một lĩnh vực nào đó trong thực tiễn, được kiểm nghiệm qua thực tiễn thì đó chính là lý luận đúng đắn, chân chính. Lý luận khi đã hình thành và mang bản chất khoa học thì có tác dụng rất lớn trong thực tiễn. Bao đời nay, thực tế đã chứng minh, dân tộc nào đứng trên một nền tảng lý luận đúng đắn, khoa học, tạo điều kiện cho tự do tư tưởng, khuyến khích nghiên cứu lý luận để áp dụng và thực tế thì dân tộc đó có sự phát triển nhanh hơn các dân tộc khác.

            Lý luận khi đã hình thành thì có tác dụng cải tạo thực tiễn rất lớn thông qua hoạt động của con người. Con người không những cần sử dụng lý luận trong các hoạt động của mình mà còn phải bổ sung lý luận thường xuyên qua quá trình rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động. Thế giới vật chất và xã hội loài người luôn vận động không ngừng và lý luận cũng cần “vận động” để theo kịp sự biến chuyển ấy. Bởi vậy, Bác đã nhận định lý luận như cái “kim chỉ nam”, chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế.

            Nếu “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [tr.16], còn lý luận mà kém, hành động theo ý muốn chủ quan, thiếu đi tầm nhìn chiến lược “cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo” và Bác kết luận rằng kém lý luận thì “kết quả thường thất bại” [tr.16]. Bên cạnh việc không chịu nghiên cứu lý luận hoặc kém lý luận, còn một biểu hiện nữa của bệnh chủ quan là “khinh lý luận”, do những cán bộ đã làm việc lâu, hoạt động thực tế sôi nổi và đạt được một số thành quả trong công việc nhưng cũng vì thế mà xem nhẹ vài trò của lý luận. Bác coi trọng những cán bộ đó và coi họ “rất quý báu cho Đảng” [tr.16] bởi đào tạo cán bộ mất rất nhiều thời gian và phải qua đấu tranh gian khổ lâu dài để rèn giũa, “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được người cán bộ tốt”, “cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được”, “trong lúc tranh đấu rất dễ mất một người cán bộ” [tr.97]. Vì vậy, các cán bộ có kinh nghiệm là quý nhưng họ cũng cần tự nâng cao trình độ lý luận, nếu không thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”. Tri thức kinh nghiệm được rút ra trực tiếp từ quá trình hoạt động thực tiễn, tuy nhiên mỗi cán bộ lại hoạt động trong một lĩnh vực vì vậy kinh nghiệm của họ thường chỉ thiên về lĩnh vực đó, trong khi thực tiễn rất phong phú nên việc trang bị lý luận sẽ giúp họ có thể dự đoán, xử lý những vấn đề mà họ chưa gặp phải trong quá trình hoạt động thực tiễn của mình.

            Tuy nhiên, “học cốt để mà làm” [tr. 131], nếu học lý luận mà không làm, không áp dụng vào thực tế thì là lý luận suông. Lý luận chỉ thực hiện tròn vai trò của mình khi nó được đem vào thực tế, nếu không mọi lý luận dù đúng đắn đến mấy cũng chỉ là những lý thuyết nằm trên giấy, không đóng góp được gì vào sự tiến bộ của xã hội. Những người giỏi lý luận mà không thực hành, nói không đi đôi với làm, chỉ nói suông, nói sao cho hay hoặc xem nhiều sách để “lòe”, để làm ra “ta đây” thì không giúp được gì cho Đảng mà còn mắc bệnh mà Bác gọi là thói “ba hoa”. Bệnh ba hoa thường đi kèm bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi. Đã mắc thói ba hoa thì thích nói dài dòng, “nói mênh mông” [tr.132] khi khai hội, nói theo “sáo cũ”, hay hô hào khẩu hiệu mà không chú ý đến việc thực hiện, báo cáo thì giả dối “thành công ít thì suýt ra nhiều” [tr.129].  Bác cũng nói về những người được đào tạo bài bản về lý luận là trí thức. Trí thức học hành ra mà không biết vận dụng thì chỉ là “trí thức một nửa” và càng tệ hơn khi trí thức ấy lại vì cái vốn lý luận nhiều của mình mà lại “kiêu ngạo” thì những kiến thức học được coi như vô ích. Nên Bác kết luận “chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành” [tr.19] tức là gắn lý luận với thực tiễn làm cho lý luận và thực tiễn thống nhất với nhau.

             Chữa bệnh chủ quan thì còn phải siêng học lý luận và đem lý luận đó áp dụng vào thực tế. Việc học tập lý luận và áp dụng vào thực tế đối với mỗi người khác nhau lại làm theo các cách khác nhau. Bác nêu ra các ví dụ, đối với cán bộ còn kém về văn hóa thì dạy cho họ những kiến thức thường thức như lịch sử, làm tính, khoa học tự nhiên, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi người công dân…..Đặc biệt, lớp học cần phân theo trình độ văn hóa chứ không theo cấp bậc cán bộ. Huấn luyện chính trị thì môn nào cũng phải có nhưng tùy mỗi môn, tùy mỗi ngành nghề mà định lượng việc học: Cán bộ về tuyên truyền, tổ chức thì được huấn luyện về chính trị nhiều hơn cán bộ chuyên về y tế, văn nghệ….Lý luận được dạy phải gắn với thực tế sao cho sau khi học xong “họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế” thì lý luận đó mới có ích. Khi thực hành thì ngoài lý luận cần học tập kinh nghiệm của người khác, nơi khác nhưng phải “khéo”, tránh rập khuôn, máy móc.

            Học tập thì phải học dần dần, “lấy tự học làm cốt” [tr.80], “kinh nghiệm với thực tế phải đi cùng nhau” [tr.79]. Bác lấy ví dụ: Khoa học chính trị dùng sách vở, bài báo bàn về chiến lược, chiến thuật làm tài liệu lý luận; lấy lịch sử, và kinh nghiệm tranh đấu của Đảng làm tài liệu thực tế…

            Đó là việc học, còn việc thực hành thì phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế để mà làm, sau khi có kinh nghiệm thì phải tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm và bổ sung lý luận. Bác viết: “công việc gì bất kỳ thành công hay thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận”; “kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc” [tr.31]. Như vậy, việc rút ra những ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân của những ưu nhược điểm trong quá trình thực hiện công việc sẽ vừa giúp bổ sung lý luận vừa đúc rút kinh nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng của những công việc sẽ làm trong tương lai. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã đề cập tới. Việc bổ sung lý luận thông qua hoạt động thực tiễn vừa giúp kiểm nghiệm lý luận đó có phù hợp với thực tế khách quan hay không, vừa giúp hoàn thiện thêm lý luận, tiệm cận dần tới chân lý khách quan của sự vật, hiện tượng.

            Để gắn lý luận với thực tiễn thì cán bộ phải hết sức liên lạc với quần chúng nhân dân “mỗi khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến kinh nghiệm của dân chúng” [tr.115]. Cán bộ không được làm theo ý muốn chủ quan của mình “rồi đem cột vào cho quần chúng” [tr.40]. Những chủ trương, chính sách, kế hoạch phải được xác định trên tình hình thực tế của địa phương, ngành, đất nước và đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Cán bộ cũng là từ hàng ngũ quần chúng mà lập nên, nếu cán bộ xa dân, không gần dân thì không thể nắm bắt được hết những gì đang diễn ra trong thực tế đời sống. Cán bộ với dân phải có sự trao đổi hai chiều để biết được những chủ trương, kế hoạch đề ra có phù hợp không. Những chủ trương phù hợp với lợi ích của dân, của đất nước sẽ được dân làm theo và ra sức đóng góp vào, vì vậy “một giây một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta và dân chúng” [tr.101]. Không liên hệ với dân chúng thì như “lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[tr.102] nhưng Bác cũng lưu ý cán bộ là không được theo đuôi quần chúng, phải chọn lọc ý kiến đúng, bỏ ý kiến sai, tức là từ việc hiểu biết lý luận và kinh nghiệm của mình để sàng lọc ý kiến và chọn phương án tốt nhất để thực hiện.

            Gắn lý luận với thực tiễn cũng đòi hỏi cán bộ phải dám nghĩ dám làm, dám thực hiện những ý tưởng, đề xuất mới. Sáng kiến chỉ nảy sinh khi cán bộ chịu khó hoạt động thực tiễn, Bác viết: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực” [34]. Nếu không chịu tham gia vào hoạt động thực tiễn thì các khẩu hiệu, mệnh lệnh đề ra sẽ xa rời thực tiễn, khiến dân chúng không muốn thực hiện theo hoặc thực hiện một cách đối phó. Đối với cấp trên, cần tạo điều kiện cho cán bộ thực hành những ý tưởng sáng tạo mới, phải “thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không đáng sợ” [tr.85]. Nếu cứ sợ thất bại mà không làm thì cán bộ đã rơi vào bệnh hữu khuynh. Vì vậy, cần trọng cán bộ, tin tưởng cán bộ, giao phó công việc cho họ để tận dụng trí tuệ tập thể, tránh “ôm” hết việc theo kiểu bao biện, làm thay.

            Gắn lý luận vào thực tiễn còn đòi hỏi cán bộ phải làm gương cho dân chúng trong việc nâng cao trình độ lý luận và tinh thần xung phong, đi đầu trong thực hiện cộng việc. Muốn biết các Nghị quyết có được đưa vào cuộc sống hay không, thi hành có đúng không thì “không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta đến báo cáo, mà phải đi tận nơi, xem tận chỗ” [tr.104]. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhất là nhóm quần chúng hăng hái nhất để lan truyền Nghị quyết của Đảng và làm gương cho các nhóm quần chúng khác noi theo.

            Tóm lại, để lý luận sát thực tiễn và chỉ đạo được thực tiễn thì cần “gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi đem kinh nghiệm chung và mới, đúc rút thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi” [tr.111]. Có làm được như thế “mới thật là biết lãnh đạo” [tr.111].

            Qua nghiên cứu tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người giảng viên thấy được rằng, nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn là một trong những nguyên tắc được Bác Hồ rất xem trọng. Đó là cách vận dụng lý luận một cách mềm dẻo, linh hoạt, nên mỗi người giảng viên khi nghiên cứu, giảng dạy, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin phải luôn tâm niệm và đồng thời truyền thụ tới học viên phương châm rằng học tập lý luận chính trị là để vận dụng vào chính thực tiễn công tác của mình, như lời Bác đã nói:

            “Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”.

            (trích: Diễn văn khai mạc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 7/9/1957 tại lớp học lý luận khoá I Trường Nguyễn Ái Quốc).

            Đã 72 năm trôi qua, những nội dung trong tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi, là di sản quý báu mà Bác để lại cho Đảng và Nhân dân ta, giúp chúng ta soi vào để sửa mình và nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

                                                            Tài liệu tham khảo:

1.     X.Y.Z, Sửa đổi lối làm việc, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2017.

2.     Hồ Chí Minh: Tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, t.II.

3.     Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí minh: Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hệ trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, Nxb.Lý luận Chính trị, H. 2014.

Ths. Nguyễn Thu Hương

                                                                                                Khoa Lý luận Cơ sở