Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Trong góp ý phê bình thì xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau. Rất nhiều ý kiến góp ý chỉ thiên về bổ sung thành tích, mà né đi các tồn tại hạn chế, mong “dễ người dễ ta”.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “thang thuốc tốt nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Người chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt...”.
Chính vì vậy, việc sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng; người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình; phải nghiêm túc tiếp thu những phê bình đúng đắn. Thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều phải bị ngăn chặn, xử lý.
Muốn vậy, mỗi cán bộ đảng viên phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.