Cớ sao lại suy diễn bậy bạ?

Nguyễn Văn

Tiếng Dân News, ngày 04/3/2022, có bài viết của Trân Văn: “Nga thiếu may mắn vì Ukraine không chọn “chính sách 4 không” đã viết: “Nếu Ukraine xác lập chính sách quốc phòng “ba không”: “Không tham gia liên minh quân sự”. “Không liên kết với nước này để chống nước kia”. “Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác” và đến năm 2019, long trọng bổ sung thêm một “không” nữa vào “Bạch thư Quốc phòng”: “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” như Việt Nam, vị thế chính trị của Ukraine sẽ không như mọi người đã thấy suốt tuần vừa qua”. Viết vậy, nhưng Trân Văn suy diễn: “Khi phải làm hàng xóm với một quốc gia vừa nuôi tham vọng chi phối, dẫn dắt các lân bang, vừa hết sức hung hãn như Nga, một dân tộc quật cường như dân Ukraine chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ đảng nào, chính phủ nào định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một… “không” chỉ để duy trì… “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc”(!).

Thưa Trân Văn, chính sách quốc phòng “ba không”, rồi “bốn không” của Việt Nam là để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nói đến Tổ quốc khái quát là sự hợp thành của hai phương diện: tự nhiên lịch sử và chính trị – xã hội. Nếu thiếu một trong hai nhân tố trên thì chưa phải tổ quốc hoàn chỉnh. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về phương diện tự nhiên lịch sử của đất nước ta vẫn còn nguyên đó, thực dân Pháp có bê được vùng đất, trời, biển của Việt Nam về lắp ghép với vùng đất, trời… của nước Pháp đâu mà nhân dân ta vẫn nói là nước mất nhà tan. Vì chính quyền phong kiến Việt Nam chỉ là bù nhìn, làm tay sai cho thực dân Pháp mà thôi. Cho nên, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn vào chiều ngày 30/8/1945, sau khi đọc Tuyên ngôn Thoái vị trước hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ Môn đã trao ấn tín và bảo kiếm – quốc bảo của hoàng triều cho hai phái viên của Việt Minh là các ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đã có câu nói: “Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”. Vậy là vua Bảo Đại đã thừa nhận mình là vua bù nhìn – vua của nước nô lệ. Vì Ông là vua nhưng không làm chủ được đất nước mình. Bởi, Việt Nam lúc đó không còn nguyên nghĩa là Tổ quốc với đầy đủ các yếu tố cấu thành.  

Mặt khác, nếu không có phương diện tự nhiên lịch sử, thì dù có đầy đủ bộ máy nhà nước thì họ cũng đâu có tổ quốc. Trên thực tế, một số tổ chức lưu vong có thâm thù với Đảng, Nhà nước Cộng sản Việt Nam luôn tìm cách nhằm lật đổ chế độ, như: Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời (từ 1990 đến nay), do Đào Minh Quân lãnh đạo; Việt Nam Quốc dân Đảng (1927 đến nay), do Trần Tử Thanh, Trần Thắng lãnh đạo; Đại Việt Cách mạng Đảng (1965 đến nay) do Trần Dzũng Minh Dân, Nguyễn Văn Lung lãnh đạo; Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (1982 đến nay) do Hoàng Cơ Minh, Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng, Hồng Thuận lãnh đạo,… dù các tổ chức phản này có bộ máy, nhưng họ đâu có tổ quốc. Vì các tổ chức này làm gì có vùng đất, vùng trời, biển… nào để mà làm chủ. Thế mà, Trân Văn lại cho rằng: “…định ra và đeo đuổi “chính sách ba không”, thậm chí tạo thêm một… “không” chỉ để duy trì… “sự toàn vẹn của đặc quyền, đặc lợi” cho đảng của mình, chính phủ của mình, chứ không phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì và phát triển các lợi ích của quốc gia, dân tộc”! Xin nhắc lại, chính sách quốc phòng “ba không”, rồi “bốn không” của Việt Nam là để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên cả hai phương diện: tự nhiên lịch sử và chính trị – xã hội.

Trân Văn viết: “Với… “ba không”, rồi… “bốn không”, toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa đã mất là… vô vọng”(!).

Viết vậy là Trân Văn không nắm được hoặc cố tình lờ đi tính lịch sử của chính sách quốc phòng “ba không” rồi “bốn không” của Việt Nam với việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Việc cố tình lờ đi tính lịch sử của chính sách quốc phòng Việt Nam nói trên của Trân Văn để y hòng “buộc tội” cho việc “sai lầm” của chính sách này. Đây là việc làm không khách quan với chủ ý xấu của kẻ tiểu nhân. Nhân đây xin nhắc lại chính sách quốc phòng “ba không” lần đầu tiên xuất hiện trong sách trắng quốc phòng của Việt Nam năm 1998 và sau đó, tái xuất hiện trong sách trắng quốc phòng các năm: 2004 và 2009. Chính sách này cũng được nêu ra trong Luật Quốc Phòng của Việt Nam, được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2019. Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam (từ ba không thêm một không: “Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”) xuất hiện trong sách trắng quốc phòng năm 2019. Còn Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, khi quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đồn trú; chiếm đảo Gạc Ma một đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Vậy là Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa trước chính sách quốc phòng “ba không”, “bốn không” của Việt Nam. Thế mà tay này lại buộc tội cho việc mất Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa là do chính sách quốc phòng “ba không”, “bốn không” của Việt Nam là sao?

Thực tế cho thấy, đối với nước nhỏ trước những nước lớn, thế lực lớn đan xen thì phải khôn khéo trong chính sách đối ngoại, làm sao để dân tộc mình giữ được mối quan hệ tốt với các nước, đặc biệt là với các nước lớn, để tận dụng tốt thời cơ phát triển đất nước.

Quốc gia muốn yên ổn và phát triển phải giữ được sự độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước nào, không là đồng minh với nước này để chống lại nước kia, không có những hành động gây ảnh hưởng tới an ninh cho quốc gia khác, bình thường hóa với tất cả các nước, coi các nước đều là đối tác, nếu có hành động tạo sự căng thẳng với một nước lớn nào đó thì rất nguy hiểm. Vì thế, trong quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn giữ vững quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, không để đụng độ, va chạm xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường hòa bình phát triển đất nước. Chính sách quốc phòng “ba không”, “bốn không” của Việt Nam cũng nhằm mục đích đó, cớ sao Trân Văn lại suy diễn bậy bạ./.