Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Đó cũng là việc người đứng đầu chủ động công khai thông tin và chịu trách nhiệm đối với các kết quả thực thi công vụ của mình và của nhân viên dưới quyền quản lý, phụ trách.
Trách nhiệm giải trình thực chất là vấn đề không mới. Theo thống kê, trong 5 năm (2016-2020), trên địa bàn cả nước, chỉ riêng cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức hơn 9.000 hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân… Tuy nhiên, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn thư vượt cấp thời gian qua vẫn diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí trở thành điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nguyên nhân từ việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chưa làm tốt trách nhiệm giải trình ở cơ sở.
Đảng ta xác định, trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, ở nhiều địa phương, đơn vị, việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kịp thời, chưa sát thực tế; chưa xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Một số nơi còn có tình trạng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn theo quy định... Một số người đứng đầu có biểu hiện lạm quyền, chuyên quyền, coi thường kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi địa phương, đơn vị xảy ra sai phạm, nhiều người không gương mẫu nhận và chịu trách nhiệm, đùn đẩy, đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, cho cơ chế… Một số nơi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chưa toàn tâm, toàn ý trong thực hiện trách nhiệm được giao; thiếu gắn bó với nhân dân…
Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân. Do đó, trong giai đoạn cách mạng mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng cần phải nêu gương, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị nêu trên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước hết, muốn làm tốt thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Điều này chỉ được thực hiện trên cơ sở quy chế hóa, quy trình hóa các mối quan hệ giữa cấp ủy với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, bộ máy quản lý của chính quyền các cấp.
Cần phân định rõ những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về cấp ủy; những nhiệm vụ, quyền hạn nào thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tránh trường hợp người đứng đầu ỷ lại tập thể, đổ lỗi cho tập thể khi không làm tròn trách nhiệm hoặc ngược lại, lợi dụng tập thể làm “bình phong” để lộng quyền, chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ trong lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, cần có quy định nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu theo nguyên tắc “trao trách nhiệm phải gắn với trao quyền hạn”.
Người đứng đầu cũng phải thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm vững thực tiễn, kịp thời giúp cơ sở giải quyết các khó khăn và vấn đề nảy sinh trong thực tiễn; đồng thời, cũng coi đây là một tiêu chuẩn đo năng lực, phẩm chất của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Để có phong cách lãnh đạo sâu sát, người đứng đầu phải dành thời gian trực tiếp trao đổi, đối thoại với người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức; thường xuyên xem, nghe, đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội, qua trao đổi ý kiến với cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp…, từ đó tránh được bệnh quan liêu, hạn chế tình trạng ra các quyết định, chủ trương thiếu tính thực tiễn, duy ý chí.
Mặt khác, tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu không chỉ dựa vào quyền uy mà còn phải dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm cách mạng với nền tảng tri thức khoa học về chuyên môn, nghệ thuật, nguyên tắc lãnh đạo, quản lý; dựa trên năng lực thuyết phục tập thể đồng thuận với những quyết định của mình.
Để người đứng đầu tăng cường trách nhiệm giải trình cũng cần phát huy vai trò của xã hội, người dân trong việc thúc đẩy thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc giải trình trong khuôn khổ hoạt động của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh đã có những khởi sắc, làm cho các quyết định của Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải chấp nhận sự cọ xát với các ý kiến trái chiều, từ đó có giải thích một cách rõ ràng, minh bạch, cũng như phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình.
Cùng với trách nhiệm giải trình, các cấp ủy Đảng cũng cần lưu ý khuyến khích những nỗ lực sáng tạo, đổi mới của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp dám nghĩ, dám làm, nhất là với việc mới, việc khó bằng “cái tâm” động cơ trong sáng, thực sự vì lợi ích chung. Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng dân chủ ở cơ sở để thực hiện hoặc bao che hành vi phá hoại chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ cán bộ có năng lực, trình độ.
Thực hiện yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường trách nhiệm giải trình là góp phần thiết thực ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, đồng thời là bước tiến để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.