1. "Lợi ích nhóm" là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó. Xét về mục đích và tính chất, "lợi ích nhóm" có thể phân chia thành hai loại: "Lợi ích nhóm" tích cực và "lợi ích nhóm" tiêu cực.
Ở nước ta, những ảnh hưởng, hệ lụy từ lợi ích nhóm (hay còn gọi là nhóm lợi ích) không hợp pháp gây ra là vô cùng lớn. Nó làm thất thoát kinh phí của Nhà nước, tài sản nhân dân, gây đấu đá nội bộ, phe nhóm, tranh ghế đoạt quyền, dẫn đến mất đoàn kết, mất niềm tin vào hệ thống pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng.
Nhóm lợi ích không hợp pháp rất đa dạng, bao gồm cả cán bộ, đảng viên các cấp và doanh nghiệp nhà nước câu kết chặt chẽ với doanh nghiệp bên ngoài. Thủ đoạn chính là lợi dụng cơ chế, chính sách, kẽ hở của pháp luật để thực hiện mục đích biến tài sản công thành tài sản tư. Các thành viên trong nhóm lợi ích gắn bó “bền chặt” với nhau bởi lợi ích có thể kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ nên rất khó để phát hiện, xử lý, đặc biệt khi có sự che chắn, bảo kê của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, chi phối, ảnh hưởng đến cả các chủ trương, chính sách, quyết định trong Đảng, trong chính quyền.
Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ rõ nguyên nhân của những tiêu cực, lợi ích nhóm là: Không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân.
Trong các sự việc tiêu cực xảy ra gần đây bị cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố, nhiều cán bộ cao cấp phải hầu tòa vì có liên quan đến vi phạm tại doanh nghiệp thông qua việc hối lộ và ăn “hoa hồng”. Nổi bật nhất là việc Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á bị khởi tố vì “bắt tay” với lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật và sở y tế nhiều địa phương, nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 thu lời 500 tỷ đồng sau khi chi "hoa hồng" gần 800 tỷ đồng đã cho thấy hiện tượng lợi ích nhóm là vô cùng nguy hiểm. Trước đó, việc Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc qua mạng internet đã khiến nhiều cán bộ cao cấp ngành Công an lĩnh án vì bao che, bảo kê cũng là một dạng điển hình của lợi ích nhóm. Chưa dừng lại, việc tha tù Phan Sào Nam trước thời hạn 22 tháng với những căn cứ ngụy tạo, trái quy định đã khiến nhiều lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Công an tỉnh Phú Thọ “ngã ngựa” cho thấy lợi ích nhóm tồn tại dai dẳng, ở nhiều lĩnh vực. Hay như một số vụ việc khiến nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa nhiều lần trong các vụ án xét xử gần đây đã cho thấy hiện tượng lợi ích nhóm tồn tại trong bộ máy công quyền ở mức độ rất đáng lo ngại, đòi hỏi cần có biện pháp ngăn ngừa, chặn đứng.
2. Từ những vụ việc mang màu sắc, tính chất của lợi ích nhóm bị phát hiện đã cho thấy nhận định, đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty” của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” vẫn mang tính thời sự rất cao.
Để chống được lợi ích nhóm thì cần nhiều giải pháp và rất tốn thời gian. Trong đó trước hết, cần tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, phát hiện những sự vụ có biểu hiện câu kết, thông đồng để đạt lợi ích nhóm; tìm ra những đối tượng “sâu chúa” lợi dụng chức vụ, quyền hạn bảo kê, che chắn cho các việc làm sai trái nhằm trục lợi để xử lý, cho ra khỏi bộ máy, kể cả xử lý hình sự bằng những bản án nghiêm khắc nhất.
Ở tầm vĩ mô, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới xây dựng thể chế theo hướng mở rộng dân chủ, kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các cơ quan, đơn vị để tránh hiện tượng câu kết nhằm đạt lợi ích nhóm. Một việc quan trọng và cần kíp hiện nay là tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật. Qua đó, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý tài nguyên - khoáng sản…; bảo đảm công khai, minh bạch, để nhóm lợi ích, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ” không có cơ hội tác động tiêu cực.
Cần đẩy mạnh thực hiện biện pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền trong công tác. Đây là giải pháp quan trọng và cần được các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng tiến hành thường xuyên, liên tục và chặt chẽ. Đi liền với đó là thúc đẩy vai trò, nâng cao hiệu quả trong giám sát của HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, kịp thời phát hiện những hành vi, biểu hiện của lợi ích nhóm ngay từ cơ sở.
Lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng lũng đoạn kinh tế, quyền lực, làm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, thất thoát, làm mất đi cơ hội phát triển đất nước và khiến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Do đó, ngăn chặn lợi ích nhóm tiêu cực cần phải được tiến hành kịp thời, quyết liệt, triệt để. Đây cũng là cách tốt nhất để giúp Đảng, Nhà nước, đơn vị, địa phương có được cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự “vì nước, vì dân”.