• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Súng đạn không biết mủi lòng
Ngày xuất bản: 07/03/2022 8:23:00 SA
Lượt đọc: 7721

Xung đột vũ trang cũng như khủng hoảng chính trị đã và đang làm cho nỗi đau khổ của nhân loại nhân lên một quy mô đáng kinh ngạc: 65 triệu người đã buộc phải rời khỏi ngôi nhà của họ, và gần 74 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Thập niên qua đã chứng kiến sự gia tăng của chiến tranh và bạo lực chính trị vì rất nhiều toan tính, đào sâu sự khốn cùng của con người.

 

 

Abdo Saleh, ba tuổi, nằm trên một tấm ván nhỏ quằn quại, không thể đi lại hay cất tiếng nói, với cơ thể gần như tan nát vì đói. Mặt em gầy trơ xương, tay chân như những que củi. Em chỉ nặng khoảng bốn cân rưỡi.

Cách đó vài dặm thôi, chợ vẫn bày bán đủ loại thực phẩm. Nhưng giá cả tăng quá cao đã khiến cha mẹ em không thể mua được sữa, trái cây và rau quả đang thừa thãi. "Lắm khi, chúng tôi sống hai ngày mà không có gì vào bụng", cha của em, Saleh Adbo Ahmed, buồn bã xoa bóp ngón chân chỉ to bằng quả nho khô của con trai mình, trả lời tờ The Washington Post.

Theo Dự án dữ liệu Yemen, một phần ba trong số 18 nghìn cuộc không kích do liên quân tiến hành đã tàn phá các địa điểm phi quân sự, bao gồm nhà máy, trang trại, chợ và kho lương thực. Các cuộc tiến công này đã phá vỡ cơ cấu sản xuất và phân phối lương thực trong nước, đồng thời xóa sổ sinh kế của nhiều người.

Một năm trước, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế báo cáo rằng khoảng 13 triệu người, tức gần ba phần tư dân số Syria, hiện dựa vào viện trợ nhân đạo quốc tế để tồn tại, tăng 20% so năm 2020. Đất nước đã bước sang thập niên thứ hai của cuộc chiến mà không có giải pháp chính trị nào cho cuộc khủng hoảng. Tương tự là Libya: Đã hơn một thập niên trôi qua từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi bị lật đổ, hàng nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa và thiếu ăn, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Hãy đến Yemen, Somalia, Nam Sudan, nơi những cuộc giao tranh kéo dài đang khiến người dân chết dần chết mòn. Năm ngoái, chúng ta cũng chứng kiến quân Taliban tiếp quản Afghanistan, hay cuộc thảm sát ở Ethiopia. Các xung đột đang trở thành nguồn gốc chính của "khủng hoảng nhân đạo".

Ai cũng biết là những cuộc khủng hoảng ấy cần các giải pháp chính trị. Tuy nhiên, để đạt được các giải pháp chính trị cuối cùng, các dân tộc luôn phải vượt qua những chặng đường rất dài.

Các bài học lịch sử đó vẫn còn nóng hổi. Vào thứ sáu tuần trước (ngày 25/2), rất nhiều người Ukraine đã thức dậy và phải rời khỏi nhà để trốn chạy xung đột. Liên hợp quốc dự đoán con số này có thể lên đến bốn triệu người. Những người tị nạn Ukraine đầu tiên đã bắt đầu tràn sang Romania, Hungary và Ba Lan, nơi các trung tâm tị nạn đang gấp rút được dựng lên.

"Tình hình trở nên khá phức tạp vào hôm qua" - Dima Khichenko, một công dân Ukraine, trả lời tờ DW, về chuyến di tản của gia đình khỏi Kiev về miền tây đất nước. "Chúng tôi thức dậy vào lúc 5 giờ 30 phút sáng vì nghe thấy tiếng nổ và rất khó để nhầm lẫn âm thanh này với thứ khác, chúng tôi hiểu ngay rằng xung đột đã bắt đầu".

Ole Solvang, Hội đồng Tị nạn Na Uy, lo ngại sâu sắc: "Điều quan trọng cần ghi nhớ ở đây là ngay trước khi xảy ra xung đột gần nhất, thì đất nước này (Ukraine) cũng đang có những nhu cầu nhân đạo rất quan trọng". "Hiện có khoảng ba triệu người Ukraine cần hỗ trợ nhân đạo, và con số này có thể tăng thêm sau xung đột với Nga", ông nói thêm. 

Bộ Y tế Ba Lan cho biết: Họ đang chuẩn bị một chuyến tàu y tế để vận chuyển những người Ukraine bị thương, và đã lập danh sách 1.230 bệnh viện có thể tiếp nhận những người bị thương. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm rằng mọi người vào lãnh thổ của Ba Lan đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc điều trị nội trú". Slovakia cũng thông báo sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn. "Xin hãy có lòng trắc ẩn và sự thấu cảm dành cho họ", Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói.

Ngành đường sắt Czech đã cung cấp các toa tàu với 6.000 chỗ ngồi và giường để giúp người dân sơ tán nếu cần thiết. Romania cũng sẵn sàng viện trợ nhân đạo nếu cần, còn theo Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, đất nước của ông đang chuẩn bị sơ tán bằng đường bộ hơn 4.000 người Bulgaria khỏi Ukraine và sẵn sàng tiếp nhận những người tị nạn Ukraine khác.

Thực tế, chiến sự Nga - Ukraine chỉ là một diễn biến xa hơn, trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài, bắt đầu từ năm 2014, với những cuộc giao tranh đẫm máu trong một thập niên qua. Hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương và 1,4 triệu người phải rời chỗ ở. Ukraine có tỷ lệ người thuộc nhóm dễ bị tổn thương ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo cao nhất: người già và người khuyết tật chiếm hơn 30% số người sống ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột, theo báo cáo của Liên hợp quốc.

Thế giới đang hành động trước diễn biến mới nhất vừa qua. Ngày 24/2 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trích 3,5 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để mua các thiết bị y tế và chuyển đến Ukraine. Liên hợp quốc, ngày 1/3, nỗ lực tìm kiếm một ngân sách khổng lồ, lên tới 1,7 tỷ USD để tăng cường các hoạt động nhân đạo ở Ukraine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng chào đón những người tị nạn từ Ukraine. Các bộ trưởng nội vụ của EU cũng đã tham gia một cuộc họp vào cuối tuần để bàn thảo về Ukraine, bao gồm cả kịch bản một số lượng lớn người tị nạn sẽ tràn sang các nước EU. 

Không chỉ vậy, cuộc chiến này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mới trên khắp châu Âu, khi làn sóng người tị nạn chạy khỏi đất nước để tìm kiếm sự an toàn. Nó gợi lại nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng người di cư cũng đã từng đè nặng lên cựu lục địa suốt thập niên trước, trên mọi lĩnh vực: kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng... Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch, một cuộc khủng hoảng tị nạn mới cũng sẽ gây thêm căng thẳng gấp bội, cho các hệ thống y tế vốn đang gặp khó khăn hoặc quá tải.

Nhưng súng đạn có lẽ không bao giờ rút kinh nghiệm, hay mủi lòng thương xót. Bất chấp mọi nỗ lực nhân đạo, các cuộc khủng hoảng dường như luôn "đi trước một bước", để lại vết thương hở miệng trong lòng những đất nước rơi vào xung đột hay chiến tranh, lâu, rất lâu… 

 
BAN CẦM