0:00/0:00
0:00
Chống tham nhũng là để trị bệnh cứu người
Chống tham nhũng là để trị bệnh cứu người ảnh 1

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách sáng ngày 02/2/2023 . Ảnh: TTXVN

Mang tên Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, cuốn sách gồm ba phần, sắp xếp khoa học, đổi mới, trình bày hấp dẫn theo phong cách báo chí. Qua đó, bạn đọc nhận thức rõ hơn một số vấn đề rút ra từ thực tiễn cuộc chiến cam go này; phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc; sự ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, các học giả trong và ngoài nước với tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Kỷ luật một vài người để cứu muôn người

Ngay đầu cuốn sách, Tổng Bí thư khẳng định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu, xu thế không thể đảo ngược; không ai được đứng ngoài. Đây là công việc vô cùng phức tạp, nhạy cảm bởi phải kỷ luật chính đồng chí, đồng đội mình, nhưng không thể khác, dù rất đau lòng. Qua lý giải, phân tích của tác giả, chúng ta càng thấm thía điều ấy.

Những đối tượng tham nhũng vốn được gọi là "công bộc" của dân, được Đảng, Nhà nước đào tạo, nuôi dưỡng, tin cậy giao giữ trọng trách lớn, song lại lợi dụng chính trọng trách đó, bất chấp pháp luật, để tham ô, vụ lợi. Chỉ một dự án thôi, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một địa phương đã nhận hối lộ gần 14, hoặc 15 tỷ đồng; hay một ông bộ trưởng nhận đến ba triệu USD... Tất cả những đồng tiền dơ bẩn "đi đêm" như thế, suy cho cùng, người dân đều phải gánh chịu, bởi đó là thuế do họ đóng góp, hoặc nằm trong giá thành dịch vụ mà họ phải chịu. Thật nguy hiểm khôn lường, bởi hậu quả không chỉ làm thất thoát tài sản công, làm chậm sự phát triển kinh tế, xã hội mà nguy hại hơn là làm xói mòn niềm tin đối với chế độ ta.

Kỷ luật, phạt tù những đối tượng tham nhũng trước hết là bảo đảm công lý, sự công bằng xã hội; làm trong sạch đội ngũ cán bộ; là sự răn đe cảnh tỉnh những người khác. Đúng như trong cuốn sách, Tổng Bí thư đã viết: "Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để "trị bệnh cứu người", kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn" (trang 24).

 

Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm, nói không với tham nhũng

Từng câu, từng chữ trong cuốn sách đều chứa đựng sự trăn trở mà người viết muốn truyền đến các tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ, đảng viên và bạn đọc nói chung để nhận diện rõ hơn bản chất, tính nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, nội dung, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các tầng lớp trong xã hội, tạo động lực cho các cấp, các ngành cùng vào cuộc để hiện thực hóa những câu trả lời nêu trong cuốn sách, làm gì, làm thế nào để đẩy lùi tệ nạn này. Mặt khác, đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn những ai có lòng dạ không trong sáng, quen thói "chưa làm được gì đã nghĩ đến chấm mút".

Với phương châm "trị bệnh cứu người", Tổng Bí thư phân tích, làm rõ quan điểm của Đảng ta, đó là xử lý từng vụ việc phải bảo đảm công tâm, thấu lý đạt tình, lấy giáo dục, răn đe là chính để ngăn ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tham nhũng chứ không phải nhằm "đánh" vào cán bộ; càng không phải đấu đá nội bộ như kẻ địch rêu rao, xuyên tạc. Theo Tổng Bí thư, tham nhũng, tiêu cực xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, đặt trong hoàn cảnh tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong các mối quan hệ. Trên cơ sở đó để xác định đúng bản chất của vụ việc, hành vi sai phạm, lỗi, động cơ, mục đích thực hiện. Hành vi sai phạm của những người vì động cơ vụ lợi, cá nhân thì phải xử lý nghiêm, đồng thời khuyến khích sự tự giác nhận khuyết điểm, sai phạm, tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, từ chức của người có sai phạm; bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung. Những người sai phạm hoặc để cấp dưới sai phạm mà tự bản thân nhận rõ trách nhiệm chính trị, tự giác nhận khuyết điểm, khắc phục hậu quả thì được xem xét giảm nhẹ hình thức xử lý và có thể cho từ chức. Đây là điểm mới trong chỉ đạo xử lý tham nhũng của Đảng từ sau Đại hội XIII, thể hiện rõ tính bao dung đậm nét nhân văn trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Nhưng với trường hợp cố tình vi phạm, làm trái gây hậu quả nghiêm trọng thì dứt khoát phải xử nghiêm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó, kể cả hành vi tham nhũng, tiêu cực hay dung túng, bao che hoặc cản trở việc chống tham nhũng, tiêu cực, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ", bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Vừa xử lý các vụ việc cụ thể, vừa xây dựng, thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách phòng ngừa chặt chẽ để "không thể", "không dám", "không cần", "không muốn" tham nhũng, như thế mới là thành công. Theo quan điểm đó, trong cuốn sách, còn có nhiều bài viết của tác giả từ những năm 70 của thế kỷ trước, những năm đầu đổi mới đến nay, phê phán các hiện tượng tiêu cực, như bệnh sợ trách nhiệm, của công của riêng, móc ngoặc,… những bài viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó phân tích sâu sắc các giải pháp đồng bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên". Thực hiện tốt những điều ấy thì không thể xảy ra tham nhũng, tiêu cực.