• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Bước tiến mới về quyền làm chủ
Ngày xuất bản: 03/06/2022 11:45:00 SA
Lượt đọc: 10214

Cuối tuần qua, trong chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây có thể coi là bước tiến mới về thể chế hóa quyền làm chủ của Nhân dân.

Ảnh minh họa

Hiện nay, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được điều chỉnh ở một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nổi bật là Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Văn bản hiện hành đã giúp bảo đảm việc thực hành dân chủ ở cơ sở và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, nội dung và hình thức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phạm vi điều chỉnh. Đối tượng áp dụng ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau. Trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện thiếu cụ thể, thiếu chế tài xử lý. Vai trò tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chưa rõ ràng. Sáng kiến của Nhân dân chưa được đề cao… Ngay cả quy định về thanh tra nhân dân, là nội dung quan trọng hàng đầu để bảo vệ quyền làm chủ thực sự của Nhân dân lại được quy định hạn chế trong Luật Thanh tra; kéo theo hàng loạt khó khăn, vướng mắc, kém hiệu quả trong thực thi...

Do đó, việc tiến tới ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần khắc phục những bất cập nêu trên, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý về dân chủ ở cơ sở.

Khẳng định dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là bước tiến mới về thể chế hóa quyền làm chủ của Nhân dân còn ở chỗ dự án Luật đã thể chế hóa hàng loạt quan điểm, nội dung, phương châm về quyền làm chủ của Nhân dân được nêu lên trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đó là: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”...

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là bản nâng cấp các văn bản pháp luật hiện hành quy định về lĩnh vực này, mà còn bổ sung hàng loạt điểm mới, như mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin và pháp luật hiện hành; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã...

Có thể khẳng định, với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 đã được cụ thể hóa tập trung hơn và đầy đủ hơn.

“Thực hiện dân chủ ở cơ sở” là thực hiện các quy định nhằm bảo đảm quyền của Nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát việc thực hiện hoạt động của chính quyền cấp xã, bảo đảm trách nhiệm của chính quyền cấp xã đối với việc thực hiện các quyền dân chủ của Nhân dân địa phương.

Với tất cả ý nghĩa, tầm quan trọng, tính chất cần thiết và sự kỳ vọng, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần được tập trung xây dựng và hoàn thiện để bảo đảm chất lượng cao nhất, có tính khả thi, tạo chuyển biến tích cực về thực hành dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.

Theo: hanoimoi.com.vn