• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Dũng cảm rời ‘ghế’
Ngày xuất bản: 01/10/2022 9:15:00 SA
Lượt đọc: 13175

Trong cuộc sống, con người ta thường hướng về phía trước, do vậy bất kỳ một sự thoái lui nào đều hết sức khó khăn. Từ chức cũng như vậy, đó thực sự là cuộc đấu tranh trong mỗi con người để dừng lại và lùi lại ở nơi có thể là “đỉnh” của sự nghiệp.

 

 

Chú thích ảnh
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Có thể hiểu từ chức là từ bỏ chức vụ, kèm theo đó là quyền lợi và nhất là địa vị của cá nhân trong tổ chức, đơn vị và rộng ra là trong xã hội. Dân ta vốn xem trọng địa vị xã hội, đa phần đều luôn muốn vươn tới vị trí tốt hơn để có cuộc sống tốt hơn, đó là nhu cầu hết sức tự nhiên. Cho nên, khi đã có địa vị rồi thì để từ bỏ là chuyện không hề đơn giản.

Với người có chức vụ bình thường, khi năng lực, sức khỏe hoặc các yếu tố khác không còn đáp ứng được yêu cầu của công việc thì đặt vấn đề từ chức cũng còn khó, bởi xu thế chung là mọi người đều sẽ nỗ lực làm việc đến khi hết tuổi lao động theo quy định. Nói như vậy để thấy người có chức vụ cao sẽ càng khó khăn hơn trong quyết định từ chức khi ở vào tình huống nêu trên, bởi dù sao thì chức vụ đó (gạt qua một bên những chức vụ được bán – mua) cũng là cả quá trình phấn đấu, rèn luyện lâu dài và bền bỉ. Thậm chí, kể cả cán bộ đã bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị cách chức cũng rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” xung quanh vấn đề từ chức hay là không.

Đối với cán bộ bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo mà chưa đến tuổi nghỉ hưu, hiện nay họ thường được bố trí chuyển đơn vị công tác, được xếp vào vị trí làm việc với chức vụ tương đương. Mục đích chính vẫn là tạo cơ hội để họ khắc phục khuyết điểm, tiếp tục phấn đấu vươn lên và tiếp tục đóng góp về chuyên môn, kinh nghiệm cho tổ chức. Tuy vậy, thực tế cho thấy không ít trường hợp được nhìn nhận là “tham quyền cố vị”, đồng thời một số vị trí cũng được xem là “hữu danh, vô thực”, hay như dân gian thường nói là chỉ để “xếp slot chờ nghỉ hưu”. Quả thực, với một số trường hợp cán bộ bị kỷ luật, uy tín đã giảm sút nghiêm trọng thì rất khó để họ có thể thu phục được lòng người một lần nữa, dẫn đến tình cảnh đi cũng dở mà ở cũng không xong. Điều đáng nói là những trường hợp như vậy còn ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, khi dư luận xã hội nhìn nhận nơi đó chỉ là “bãi đáp” tạm thời cho một số cán bộ bị kỷ luật chờ nhận sổ hưu.

Do vậy, Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật (Thông báo số 20-TB/TW) như là một gợi mở cho thế khó của câu chuyện từ chức. Theo đó, Bộ Chính trị “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức” mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; đồng thời nhấn mạnh “Nếu không tự nguyện từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”. Thông báo số 20-TB/TW cũng nêu rõ định hướng bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm bảo đảm được thực hiện theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, có thể thấy việc tự nguyện từ chức trước hết không chỉ mang tính nhân văn, là cơ hội để cán bộ lãnh đạo rời cương vị trong danh dự, mà tự nguyện ở đây còn được hiểu là sự khơi dậy bản lĩnh và trách nhiệm của cá nhân đối với tổ chức. Thông báo số 20-TB/TW đã phần nào phá bỏ rào cản tâm lý còn nặng nề về vấn đề từ chức, đồng thời là cơ sở để thực hiện từ chức, miễn nhiệm cán bộ bị kỷ luật không còn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trên tinh thần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam thì việc kẻ sĩ “treo ấn từ quan” không phải là chuyện hiếm. Ở đây xin không bàn về câu chuyện này cũng như lý do “từ quan”, mà chỉ thấy một điểm chung rất lớn của “ngày xưa từ quan, ngày nay từ chức” là việc trọng khí tiết, trọng danh dự, để lại tiếng thơm hậu thế. “Tốt danh hơn lành áo”, “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”… Đó là điều vô cùng đáng học hỏi.

Cách đây ít lâu, câu chuyện “văn hóa từ chức” cũng được nêu lên ngay tại nghị trường Quốc hội và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong dư luận xã hội. Mặc dù vậy, do “văn hóa” là điều không đến trong ngày một ngày hai và câu chuyện “từ chức” dường như đụng chạm và nhạy cảm nên ít khi được đề cập một cách thẳng thắn và rốt ráo. Đến nay, khi mà công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng ta thực hiện quyết liệt theo phương châm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn”…, nhiều cán bộ, đảng viên sa ngã đã bị kỷ luật nghiêm minh và bị xử lý theo quy định của pháp luật, thì Thông báo số 20-TB/TW được chờ đợi là điểm bắt đầu của một “làn gió mới” cho vấn đề “từ chức”. Khi năng lực hạn chế và đặc biệt là khi uy tín giảm sút thì còn gì phải tiếc nuối?

Chú thích ảnh

Nhân câu chuyện một viện trưởng mới đây đã quyết định từ chức dù đủ điều kiện để bổ nhiệm lại (và đương nhiên không bị kỷ luật) với mục đích vì sự phát triển chung của đơn vị và tạo điều kiện cho thế hệ kế cận, càng thấy rằng từ chức khi năng lực và uy tín giảm sút thực sự là vấn đề trách nhiệm, là cần thiết, trước khi nó có thể trở thành văn hóa. Và ở một góc độ nào đó, nên hiểu từ chức không có nghĩa là mất đi, mà ngược lại, là cho đi – cho đi cơ hội, cho đi niềm tin gửi gắm – và giữ lại cho mình điều trân quý: danh dự.

Trung Sơn