• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Ý nghĩa bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam" của Tổng Bí Thư đối với giảng dạy lý luận chính trị.
Ngày xuất bản: 24/08/2021 10:02:00 SA
Lượt đọc: 11489

Tóm tắt:

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam". Bài viết thể hiện sự tâm huyết, sự sắc bén về một vấn đề có nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp về cả lý luận và thực tiễn với nhiều luận điểm mới có ý nghĩa lớn trên nhiều phương diện đặc biệt là trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.

Từ khóa: Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội, ý nghĩa bài viết của Tổng Bí Thư trong giảng dạy lý luận chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

1. Thống nhất về mặt nhận thức về việc lựa chọn con đường đi lên CNXH đường và khẳng định nhận thức mới của Đảng ta về CNXH.

Đối với việc lựa chọn con đường đi lên CNXH bài viết đã có cách nhìn đa chiều, khách quan và toàn diện về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Bài viết khẳng định chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản thế giới vẫn đang ra sức diều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu nên vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Minh chứng sinh động nhất có thể kể đến các cuộc khủng hoảng liên tục diễn ra như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, các cuộc xung đột xã hội bùng nổ trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế, thậm chí trở thành các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản.

Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đây chính là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội.

Ngay hiện tại, chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Tất cả điều này đã cho thấy lý thuyết và sự vận hành thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không giải quyết được những khó khăn, mà còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đồng thời, cũng vạch trần bản chất của dân chủ tư bản chủ nghĩa là không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân mà chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn. "Tự do", "dân chủ" được rêu rao ở các nước tư bản dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị vì đằng sau hệ thống đa đảng vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản. Tất cả những nhược điểm đó bản thân chủ nghĩa tư bản không thể tự giải quyết được một cách triệt để.

Do vậy, chúng ta cần một xã hội có thể khắc phục được tất cả những nhược điểm đó; một xã hội thực sự vì con người, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; một xã hội phát triển bền vững, hài hòa với thiên thiên; một xã hội mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, phục vụ lợi ích của Nhân dân; xã hội đó chính là chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Khẳng định nhận thức mới của Đảng ta về CNXH đó là: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới[1].

Để đi lên CHXH chúng ta phải trải qua giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này được xác định là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới.

Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển.

Điều này làm sáng tỏ những vấn đề then chốt, giải đáp được vướng mắc trong lý luận, nêu bật giá trị đích thực, tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội là vì con người, vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và tương lai. Từ đó cũng đã phản ánh được những khát vọng, mục tiêu không thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam, của cả hệ thống chính trị đó là phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, vì Nhân dân phục vụ. Trong giảng dạy lý luận chính trị, việc cắt nghĩa, luận giải và trả lời rõ ràng, khoa học về “xã hội chủ nghĩa là gì” là hết sức quan trọng. Giúp cho người giảng, người học nhìn nhận một cách đúng đắn về con đường mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đang đi là gì, và đích đến ở đâu, từ đó không dao động, không hoài nghi, không mơ hồ về chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng và hướng đến. Khi đã có niềm tin sâu sắc và có sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị thì chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho Nhân dân.

2. Bài viết của Tổng Bí thư đã tổng kết thực tiễn để đánh giá và khẳng định sự đúng đắn của việc lựa chọn con đường CNXH và sự thắng lợi của việc chúng ta chọn đường ấy.

Việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống Nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố.

Tất cả đều được bài viết minh chứng bằng những con số cụ thể như: nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD [2].

Những thành tựu to lớn mà Đảng và Nhân dân ta đã đạt được chính là minh chứng sống động và đầy thuyết phục cho sự đúng đắn của việc lựa chọn con đường đi lên CNXH.

3. Bài viết của Tổng Bí Thư nhấn mạnh những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Từ nhận thức về lý luận cũng như tổng kết thực tiễn vấn đề thứ ba mà Tổng Bí thư nhấn mạnh đó là nhiệm vụ trong thời gian tới. Bài viết nêu rõ: Đảng ta nhận thức rằng, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ quá độ, các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới gồm:

Một là: phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hai là: bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Đồng thời, phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại.

Ba là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Bốn là: về xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hoá cho nhân dân.

Năm là: phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. [3].

Có thể nói, những lập luận sắc bén, đầy tính khoa học của Tổng Bí thư trong bài viết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giảng dạy lý luận chính trị hiện nay. Không những làm sáng rõ những vấn đề, những nội dung còn vướng mắc về mặt lý luận trước đây mà còn trả lời một cách đầy thuyết phục và những nhận thức mới về CNXH mà chúng ta đang theo đuổi, về con đường chúng ta đi, đích chúng ta đến để thống nhất, nâng tầm nhận thức tư tưởng chính trị; trang bị thêm bản lĩnh chính trị cho từng cán bộ, đảng viên, giảng viên, học viên trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng, khơi dậy tình cảm, khát vọng trong mỗi cán bộ, đảng viên để có thêm ý chí, nghị lực để phấn đấu và cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh, hạnh phúc, phồn vinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html

[2] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bai-viet-cua-tong-bi-thu-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-737210.html.