• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 22/08/2019 9:23:00 SA
Lượt đọc: 23940

          Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 7 năm 1976 khi nước nhà thống nhất, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trải qua gần 90 năm năm đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và ngày nay đang tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng trong tiến trình cách mạng.

Hiện nay đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vấn đề chính trị cần thiết và cấp bách đặt ra cho Đảng ta là phải xây dựng và hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Chủ trương xây dựng NNPQ XHCN được xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước ta về xây dựng, hoàn thiện kiến trúc thượng tầng phù hợp với cơ sở hạ tầng. Đây là một sáng tạo trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta về tổ chức bộ máy nhà nước nói riêng và tổ chức quản lý xã hội nói chung.

Khi nghiên cứu về vấn đề Nhà nước, chúng ta có thể thấy rằng tư tưởng NNPQ đã có mầm mống từ thời cổ đại, đến thời cận đại đã có bước phát triển cao hơn, đến thời kỳ hiện đại tư tưởng NNPQ đã được các học giả tư sản phương Tây xây dựng trên cơ sở những lập luận vững chắc và được giai cấp tư sản ở nhiều nước vận dụng vào việc xây dựng và thiết lập một NNPQ tư sản.

Khi Chủ nghĩa Mác ra đời, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin một mặt tiếp thu có chọn lọc tư tưởng NNPQ đã có, mặt khác xuất phát từ những nhu cầu đòi hỏi mới, khách quan của đời sống xã hội đương đại, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khái quát tư tưởng Pháp quyền, có 4 vấn đề cơ bản đó là:

- NNPQ phải mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc và đậm nét. Trong đó tính nhân dân, tính dân tộc không tách rời bản chất giai cấp công nhân.

- Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhân dân lao động là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước (nhà nước bản thân không tự quyền mà do nhân dân giao quyền).

- Nhà nước một mặt đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân, mặt khác phải là công cụ chuyên chính trấn áp và nghiêm trị mọi hành động xâm phạm quyền và lợi ích chân chính của nhân dân.

- NNPQ phải lấy pháp luật là công cụ chủ yếu để quản lý xã hội, pháp luật phản ánh ý chí nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trên cơ sở thực tế xã hội và cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm có tư tưởng xây dựng NNPQ Việt Nam.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến khi đề ra yêu cầu xây dựng Nhà nước, xây dựng xã hội trên nguyên tắc pháp quyền. Theo đó, mọi hành vi, mọi hoạt động ở mọi nơi, mọi lúc của bộ máy nhà nước, của từng công chức đều phải thể hiện được “... thần linh pháp quyền” [1]; ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật phải là yếu tố chi phối toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền; môi trường pháp chế phải trở thành yếu tố tự nhiên của xã hội.

Người cũng khẳng định, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là Nhà nước mà trong đó tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Người đã chỉ rõ: “Chúng ta hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”[2]

Chủ tịch Hồ Chí Minh không dùng khái niệm NNPQ, nhưng về NNPQ xã hội chủ nghĩa, về pháp quyền đã được đề cao rất sớm, thể hiện rõ nét trong tư tưởng của Người về dân chủ, nhà nước, pháp luật và quyền con người. Trong tư tưởng của Người về NNPQ, ta có thể nhận thấy một số vấn đề cơ bản sau:

- Nhà nước được nhân dân lập ra, do bầu cử toàn dân bằng nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.

- Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

- Nhà nước xây dựng hệ thống hành pháp mạnh, thông suốt hết lòng phục vụ nhân dân, cán bộ, công chức Nhà nước là công bộc của dân.

- Xây dựng nền dân chủ và công bằng với mọi người, trong đó quyền con người và quyền công dân được coi trọng và đảm bảo thực hiện.

- Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, quản lý Nhà nước bằng pháp luật, Nhà nước tôn trọng pháp luật và làm theo pháp luật.

- Nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân...

Những quan điểm đã khái quát ở trên của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là những luận điểm có tính khoa học cho việc xây dựng NNPQ định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Từ thực tiễn đổi mới đất nước, quá trình nhận thức và xây dựng NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, những tư tưởng cơ bản của NNPQ xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã từng bước được xác định và thể hiện trên những đặc trưng cơ bản dưới đây:

Một là, Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. (Nguyên tắc cơ bản này được khẳng định tại điều 2 Hiến pháp năm 2013)

Hai là, Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”[3].

Ba là, Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, minh bạch, khả thi; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN. 

Bốn là, Nhà nước phục vụ lợi ích của nhân dân, phát huy dân chủ, chịu sự giám sát của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương, trừng trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của xã hội và nhân dân. 

Năm là, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo cho hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. 

Sáu là, Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Bảy là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tổ chức, hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.

Để thực hiện hệ thống quan điểm trên, đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta chỉ rõ cần phải thực hiện những phương hướng và nhiệm vụ sau:

+ Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện NNPQ XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

+ Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của NNPQ XHCN.

+ Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

+ Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức[4].

Tóm lại, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước theo quan điểm, phương hướng nêu trên là để xây dựng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là NNPQ XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vừa tôn trọng và giữ gìn những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với ý chí nguyện vọng của nhân dân lao động Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.

                                                                             Tạ Thị Hảo

Khoa Lý luận MLN, TTHCM