• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VỀ NHIỆM VỤ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 26/04/2022 8:39:00 SA
Lượt đọc: 10700

 

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn và sự đúng đắn đó đã được chứng minh bằng chính những thắng lợi trong thực tiễn cách mạng Việt Nam ngay từ khi Đảng ra đời cho đến công cuộc đổi  mới hiện nay. Tuy nhiên trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa có nền tảng vững vàng đó, cuộc đấu tranh giai cấp không hề đơn giản khi các thế lực thù địch vẫn ngày ngày, giờ giờ tìm cách tác động, chống phá bằng các thủ đoạn thâm độc hòng tạo ra các “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong quá trình phát triển của đất nước ta trên mọi lĩnh vực… Do đó, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải được diễn ra liên tục, xuyên suốt với các biện pháp kiên quyết, kiên trì giữ gìn, duy trì củng cố bản chất cách mạng và khoa học, phát huy, phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời chống lại sự xuyên tạc, phá hoại và cả những nhận thức sai trái của các lực lượng bên ngoài và bên trong nhằm làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng thấm sâu, ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đó là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 12/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nhấn mạnh: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhận định: “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn; những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và tình trạng tham nhũng lãng phí, tiêu cực… còn diễn biến phức tạp”[1]. Đặc biệt từ cuối năm 2019, đại dịch Covid – 19 tác động mạnh, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, thì các thế lực thù địch, phản động cũng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong bối cảnh như vậy, có thể thấy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cần phải có những giải pháp, biện pháp sát thực, khả thi để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một số giải pháp đề xuất là:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trước hết là người đứng đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Phải xác định về tầm quan trọng, vai trò của nhiệm vụ chính trị này liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng là lý luận Mác – Leenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Đồng thời, phải nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch để có các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm và trang bị phương pháp tiếp cận, xem xét thông tin một cách đúng đắn khoa học cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm nâng cao khả năng “miễn nhiễm” các quan điểm sai trái, thù địch và tăng khả năng chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, đổi mới nội dung hình thức, đa dạng hóa phương pháp và tổ chức lực lượng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái có hiệu quả. Nội dung chống phá của các thế lực thù địch ngày càng phong phú, chúng tấn công ta trên tất cả các lĩnh vực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, nhất là hiện nay trong thời đại thế giới phẳng, cuộc sống số thì chúng triệt để lợi dụng sức lan tỏa mạnh mẽ của internet, mạng xã hội để chống phá. Do đó, đòi hỏi nội dung đấu tranh của chúng ta cũng cần phải đa dạng, thiết thực, cụ thể, sát với thực tiễn từng địa phương, đơn vị, từng ngành… tránh rập khuôn, máy móc mà nên mạnh dạn xây dựng các mô hình thực hiện nhiệm vụ sáng tạo, có hiệu quả để từ đó nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ngoài các phương pháp truyền thống của công tác tư tưởng, cần tăng cường sử dụng và phát huy ưu thế một cách đồng bộ, kịp thời các phương tiện thông tin đại chúng trong đó chú trọng tuyên truyền công khai trên các báo điện tử, trang tin điện tử, các trang mạng xã hội zalo, facebook, youtube… Về tổ chức lực lượng, song song với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng chuyên trách làm công tác tư tưởng thì cần phải tích cực khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên và phát huy cao độ vai trò của nhân dân cùng tham gia đấu tranh ngăn chặn, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống xã hội an toàn, lành mạnh, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc… để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, nâng cao sức đề kháng.

Ba là, tiếp tục và kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Nhiệm vụ chính trị cấp bách, thường xuyên và lâu dài này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực tiễn thời gian qua về việc hiện thực hóa Nghị quyết 35 vào đời sống đã cho thấy ở đâu các cấp ủy đảng quán triệt và thực hiện nghiêm túc bảy nhiệm vụ, giải pháp cơ bản được nêu trong Nghị quyết thì ở đó có sự phối hợp trách nhiệm, đồng bộ, hệ thống của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, sự vào cuộc quyết liệt, bền bỉ của các lực lượng, đơn vị chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông..., công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt những kết quả bước đầu tích cực, góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng môi trường thông tin dân chủ, kỷ cương, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, không được thỏa mãn, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà cần tiếp tục thẳng thắn nhìn nhận, phân tích sâu những khó khăn, bất cấp, thách thức mà thực tiễn đã và đang đặt ra để có các biện pháp, giải pháp phù hợp, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.

Giảng viên: Phạm Thị Lý

Khoa: Nhà nước pháp luật