• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG XÂY DỰNG PHONG CÁCH, TÁC PHONG CÔNG TÁC CỦA CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN THEO PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VÀO XÂY DỰNG PHONG CÁCH CỦA NGƯỜI GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 20/11/2020 2:26:00 CH
Lượt đọc: 18469

 

Phong cách và tác phong là hai khái niệm thường đi đôi với nhau. Phong cách có hàm nghĩa rộng hơn, thể hiện những cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Tác phong mang hàm nghĩa cụ thể hơn so với phong cách. Có thể hiểu tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nề nếp sinh hoạt... Như vậy, không có phong cách chung chung trừu tượng mà luôn cụ thể gắn với mỗi con người. Tuy nhiên, phong cách cũng không mang ý nghĩa là hàng triệu con người có hàng triệu phong cách hoàn toàn không có điểm chung nào. Trong bài viết này,  khái niệm “phong cách Hồ Chí Minh” với cả hai hàm nghĩa của “phong cách” và “tác phong”; sử dụng khái niệm “phong cách làm việc” để nói về phong cách, tác phong công tác trong công việc của người cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh là một phong cách rất đặc biệt. Là sự kết tinh của một nhân cách và tài năng hiếm có cùng ý chí phi thường. Tuy nhiên, phong cách của Người cũng chứa đựng những giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, để từ đó mọi cán bộ đảng viên có thể noi gương và học tập.

Trong thời đại ngày nay, yêu cầu cấp thiết của công cuộc xây dựng đất nước đòi hỏi người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải vừa đáp ứng được nhu cầu thực tế đào tạo của đất nước vừa phải theo kịp xu hướng giáo dục của thời đại. Người giảng viên cần rèn luyện cho bản thân phong cách làm việc khoa học, chất lượng và hiệu quả để xử lý tốt các công việc. Để được như vậy, thì cần nhất quán từ tư duy đến hành động, giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt….Không thể thực hành một phong cách hoặc có được một tác phong nào đó mà ta chưa định hình được nó là cái gì? Vì vậy, cần phải có kế hoạch để xác định rõ phong cách giảng viên cần xây dựng là như thế nào? Cách thức rèn luyện ra sao? Có ý nghĩa gì trong công việc cũng như hoạt động sống của mỗi cá nhân. Vì vậy, cần tìm hiểu và học tập theo phong cách đã được chính thực tiễn tôi luyện và kiểm nghiệm, đó chính là học tập theo phong cách Hồ Chí Minh.

Về phong cách dân chủ, quần chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ” là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan nhà nước trong chế độ ta và chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến, học hỏi sáng kiến của quần chúng để lãnh đạo quần chúng. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người có sáng kiến càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.

Phong cách dân chủ và phong cách quần chúng khi được thực hiện sẽ đem lại hiệu quả công việc cao, bởi nó kết hợp được trí tuệ tập thể và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Để thực hiện phong cách này, người giảng viên phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cấp trên, đồng nghiệp, học viên và mọi người xung quanh để tránh được rơi vào giáo điều hay duy ý chí. Tuy nhiên, lắng nghe để nắm bắt được bản chất sự việc, nảy sinh ý tưởng giải quyết vấn đề từ những ý kiến khác nhau của tập thể, không có nghĩa là trung hòa mọi ý kiến và đi đến kết luận chung chung. Trong công tác giảng dạy, cần tiếp thu sự chỉ đạo chuyên môn của cấp trên, góp ý của đồng nghiệp, đánh giá của học viên qua các phiếu thăm dò mà nhà trường thực hiện nhằm đánh giá kết quả giảng dạy của giảng viên…..để điều chỉnh cách giảng dạy. VD: Khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực, do rất nhiều học viên hứng thú với cách học này, vì vậy cần điều chỉnh cách dạy truyền thống kết hợp với sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại kèm với phương pháp nên vấn đề, kích thích tư duy. Nhưng không nên lạm dụng vì nếu không buổi học sẽ trở thành buổi trình chiếu các sự kiện được chắp ghép mà không có sự liên kết với bài học.

Về phong cách khoa học

Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi khi xem xét và quyết định mọi việc đều phải điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy trình ra quyết định, tranh thủ ý kiến của tập thể lãnh đạo và quần chúng. Người chỉ rõ: Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: vì sao có vấn đề này? xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy. Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận rồi mới quyết định và thực hiện đến nơi, đến chốn. Đặc biệt, đối với những vấn đề mới, phức tạp có ảnh hưởng lớn tới tổ chức đảng, đơn vị, bộ đội và Nhân dân, cần phải làm thử, làm điểm trước khi quyết định. Tuyệt đối không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan duy ý chí, che giấu khuyết điểm để chạy theo thành tích.

Để thực hành phong cách khoa học, có thể vận dụng các nguyên tắc trong nhận thức và hành động của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Từ đó có cách thức lên kế hoạch và hành động cụ thể. Tức là, khi làm bất cứ một việc gì cũng phải xem xét cân nhắc kĩ càng, đánh giá chính xác tình hình, thời cơ, vạch ra các phương pháp hành động và cả biện pháp dự phòng, dự định thời gian hoàn thành và tổng kết công việc sau khi hoàn thành để rút kinh nghiệm cho lần sau. VD: Khi tổ chức một buổi thảo luận, cần nắm rõ các vấn đề trọng tâm của bài, dự kiến thời gian thảo luận, các câu hỏi đưa ra phải vừa sức học viên, là những vấn đề thời sự nhưng phải liên hệ mật thiết với bài học và giảng viên cần nắm chắc vấn đề đó cũng như dự kiến các tình huống sẽ xảy ra để xử lý kịp thời.

 

 

Về phong cách nêu gương

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói phải đi đôi với làm. Người yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên đều phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương, cán bộ, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân.

Là người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, thì trước tiên phải là người làm việc có nguyên tắc, kỷ luật và khoa học. Rèn luyện tác phong, phong cách làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh không dễ dàng để hình thành trong một sớm một chiều mà cần thời gian rèn luyện lâu dài. Muốn vậy, người giảng viên trước hết phải có tri thức khoa học về chuyên ngành của mình và nhiều tri thức bổ trợ khác, tích cực nghiên cứu và mở rộng nhận thức và rèn luyện các kĩ năng làm việc. Để làm được việc đó thì cần lên kế hoạch làm việc rõ ràng. VD: Sáng dành thời gian 30p đọc các tin tức thời sự trên các trang báo chính thống. Khi bắt tay làm việc thì phân chia thời gian rõ ràng 2 tiếng đầu dành để làm những việc đã đăng ký trong kế hoạch tháng. Thời gian còn lại sẽ nghiên cứu các vấn đề đang quan tâm (cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách thức vận hành của nền kinh tế….). Đồng thời, chia sẻ những kiến thức đó với đồng nghiệp để biết thêm những cách nhìn nhận khác về cùng một vấn đề. Nêu gương tức là tự mình thực hiện công việc với tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị và phải đạt được kết quả nhất định, cách làm việc phải hiệu quả và sáng tạo để người khác có thể thấy được những ý tưởng mới, giúp họ hoàn thành tốt công việc của cá nhân, cùng làm lợi cho tập thể thì đó cũng chính là nêu gương và là nêu gương trong công việc. Trong cuộc sống hàng ngày, các phẩm chất như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những phẩm chất mà mọi đảng viên luôn phải rèn luyện và hướng tới, đó như là định hướng giá trị được đặt ra trong tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đối với đạo đức, đó là sự tu dưỡng tự thân, không ai có thể truyền dạy hay giúp đỡ, mà mỗi người phải tự nhận thức và thực hành. Những hành động thiết thực trong cuộc sống và công việc sẽ phản ánh những nhận thức của cá nhân về lý tưởng sống hay phong cách sống, từ đó để những người khác nhìn nhận đánh giá và hành động theo.

Học tập hay rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao đạo đức cá nhân là việc không chỉ một sớm một chiều có thể thành công. Cần phải rèn luyện, tu dưỡng hàng ngày. Tác phong, phong cách hay lề lối làm việc, sinh hoạt hàng ngày của con người nói chung, của giảng viên lý luận chính trị nói riêng không chỉ được hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất…mà còn phải do sự nỗ lực, bền bỉ không ngừng tự rèn giũa mà có. Rèn luyện phong cách làm việc của người giảng viên lý luận chính trị theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của nhằm góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên vừa hồng vừa chuyên.

Ths. Nguyễn Thu Hương

Khoa Lý luận cơ sở