• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MÌNH VỀ DÂN CHỦ VÀO GIẢNG DẠY CHUYÊN ĐỀ “PHÁP LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
Ngày xuất bản: 13/11/2020 2:24:00 CH
Lượt đọc: 14792

       Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. Mặc dù chưa có một định nghĩa thống nhất về dân chủ, nhưng có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất đó là việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước và thứ hai đó là việc thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do của nhân dân.

Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ cũng đã phản ánh đúng nội dung, bản chất về dân chủ. Quyền hành và lực lượng đều thuộc về Nhân dân. Xã hội nào bảo đảm thực thi được điều đó thì sẽ trở thành một xã hội thực sự dân chủ.

Khoa Nhà nước và pháp luật phụ trách giảng dạy ba phần học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong đó có phần học: “Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa” với 7 chuyên đề. Thời gian vừa qua, các giảng viên ở khoa Nhà nước và pháp luật Trường Chính trị Yên Bái, khi được lãnh đạo Nhà trường và khoa phân công soạn, giảng các chuyên đề trong phần “Những vấn đề cơ bản về Hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa” mặc dù đây không phải là phân môn nghiên cứu theo hướng chuyên ngành về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đều đã rất chú trọng tới việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các bài giảng. Khi giảng dạy chuyên đề 6 nghiên cứu về: Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở thì việc làm rõ tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ khi giảng dạy chuyên đề này đã làm rõ được các vấn đề về việc Đảng và Nhà nước ta đã biết tiếp thu các giá trị tích cực, tiến bộ, khoa học về dân chủ trong tư tưởng của Người để vận dụng phù hợp với thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Chuyên đề 6 được xây dựng kết cấu khoa học, có sự phân chia thành ba nội dung chính: phần 1 nghiên cứu về dân chủ và các hình thức dân chủ, phần 2 nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở, phần 3 nghiên cứu về nội dung pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi soạn, giảng phần 1 nghiên cứu về khái niệm dân chủ và các hình thức dân chủ thì ngoài việc cung cấp cho học viên những kiến thức về khái niệm dân chủ, bản chất của dân chủ XHCN, các hình thức dân chủ thì giảng viên của khoa đã đặc biệt chú trọng đến việc làm rõ những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào quá trình soạn, giảng nội dung này. Cụ thể, đã phân tích và là rõ nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm dân chủ là “dân là chủ”. Đây là quan niệm được Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn, gọn, rõ, đi thẳng vào bản chất của khái niệm trong cấu tạo quyền lực của xã hội. Như vậy, trong tư tưởng của Người, Người đề cao Nhân dân, rằng “trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân”. Ở đây, Nhân dân có vị thế rất lớn, chỉ có thể sánh với trời, đất. Đối với Hồ Chí Minh, tất cả mọi việc trong đời, dù khó khăn đến mấy, nhưng nếu biết dựa hẳn vào dân thì bao giờ cũng thành công. Đó là tư tưng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động của Người và đã được diễn đạt bằng những câu ca đơn giản, dễ hiểu:

“Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong”

Từ vị thế của Nhân dân, khi thành lập nước, xác định chính thể “Việt Nam dân chủ cộng hòa”, Người khẳng định nguồn gốc sâu xa của quyền lực nhà nước là ở nhân dân:

“Nước ta là nước dân chủ,

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân,

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân,

Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra”.

Khi hướng dẫn học viên nghiên cứu nội dung về thực hiện dân chủ trực tiếp ở nước ta thì giảng viên cũng không thể không nói đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là nhà kiến trúc tài ba về thực hiện dân chủ trực tiếp. Khẳng định rằng, trong quá trình dẫn dắt và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn khẳng định “Nhân dân là gốc của cách mạng”, Nhân dân là người làm chủ nước nhà, tham gia trực tiếp việc giải quyết các vấn đề quan trọng của nhà nước: “Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước dân chủ Việt Nam không thể thiếu pháp luật. Vì pháp luật là được coi là “bà đỡ” cho dân chủ. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương phép nước. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải đảm bảo cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Do vậy, khi giảng dạy về phần khái niệm pháp luật thực hiện dân dân chủ ở cơ sở người giảng viên cũng cần lồng ghép tư tưởng của Người vào để học viên nhận thức được tầm quan trong của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
            Qua việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Mình về dân chủ vào việc soạn, giảng chuyên đề 6 này thì giảng viên đã làm rõ được tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ, cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ và đề cao yêu cầu dân chủ triệt để trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là tư tưởng rất quan trọng, khẳng định bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Qua đó cũng khẳng định rằng, tư tưởng của Người vẫn tiếp tục soi sáng con đường cách mạng, quá trình đổi mới và xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Tuy nhiên, trên thực tế trong qua trình vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ vào giảng dạy chuyên đề pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng vào các bài giảng khác nói chung cũng có những khó khăn, bất cập nhất định. Cụ thể: bản thân giảng viên giảng dạy các học phần khác của chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành tư tưởng Hồ Chí Minh nên khi lồng ghép giảng dạy tư tưởng của Người vào bài có thể còn chưa logic; mặt khác, do đặc thù chương trình học nên nội dung kiến thức của các chuyên đề đều tương đối dài do đó khi vận dụng tư tưởng của Bác vào bài giảng khó có thể đi sau vào việc phân tích vì sẽ gây mất cân đối nội dung, thời gian giữa các mục trong bài giảng; mặt khác học viên cũng chưa chủ động tham gia khi giảng viên sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Do đó, để đảm bảo việc vận dụng có hiệu quả tư tưởng của Người về dân chủ vào giảng dạy chuyên đề pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng và các chuyên đề khác trong học phần “Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, Nhà nước và pháp luật XHCN” cần lưu ý:

Một là, giảng viên cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh trong đó có tư tưởng về dân chủ. Muốn vậy, người giảng viên phải luôn trau dồi kiến thưc chuyên môn thật tốt, không ngừng học tập, nghiên cứu tư tưởng của Người bằng hình thức tự học, tự nghiên cứu hoặc tham gia các lớp bồi dưỡng, các buổi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời người giảng viên cần phải rèn luyện phẩm chất đạo đức của người công dân tốt, phải có đạo đức nghề nghiệp tốt - là nhân cách nhà giáo được tôn vinh trong truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam. Mỗi người giảng viên phải là tấm gương sáng về mặt trí tuệ cũng như về nhân cách đạo đức.

Hai là, giảng viên biết vận dụng tư tưởng về dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các bài giảng một cách hợp lý. Mỗi giảng viên trong quá trình soạn bài cần xác định nội dung trọng tâm bài giảng, phần nào cần vận dụng và chỉ nên vận dụng những nội dung cốt lõi trong tư tưởng của Người, tránh tình trạng giảng lan man về tư tưởng của Bác gây nhàm chán hoặc mất cân đối với các mục khác của chuyên đề. Qua đó, giúp cho học viên hiểu và biết vận dụng vào công tác ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, tăng cường và đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực sử dụng các phương tiện hiện đại vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ nói riêng vào công tác giảng dạy.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn, thao giảng, dự giờ nhằm rút kinh nghiệm về việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giảng dạy. Nội dung của việc sinh hoạt, thao giảng, dự giờ nhằm rút kinh nghiệm phải tập trung vào đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những điểm còn hạn chế yếu kém của các giảng viên trong việc vận dụng. Từ đó, đề xuất được những giải pháp cụ thể, phù hợp để đẩy mạnh việc vận dụng tư tưởng của Người vào giảng dạy trong thời gian tới.

Tóm lại, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là hành trang, phương pháp luận quý báu cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền trong đó có độ ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ vào giảng dạy chuyên đề Pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở” là việc làm có ý nghĩa thiết thực giúp học viên hiểu sâu sắc hơn về dân chủ từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác tại địa phương để góp phần nâng cao hiệu quả của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên khoa Nhà nước và pháp luật