• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC, ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐOÀN KẾT PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 06/01/2021 8:43:00 SA
Lượt đọc: 15019

Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa đoàn kết và thành công. Hơn thế nữa, phạm vi, mức độ, quy mô của thành công trước hết phụ thuộc vào chính quy mô và mức độ của khối đại đoàn kết. Có đoàn kết mới có thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn gian khổ bao nhiêu lại cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu.

Là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”[1]; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[2]… Để lý giải một nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu lại có thể đương đầu và đánh bại những thế lực có ưu thế tuyệt đối về vật chất, phương tiện chiến tranh, Người nói: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ, Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước, chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”[3]. Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là tiền đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để đoàn kết quốc tế. Đó là đường lối chiến lược kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam; vì “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: “ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”[4].

Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người cũng thể hiện mong muốn tột bậc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[5].

Có thể khẳng định rằng, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và là cơ sở cho chiến lược của Đảng ta, nhờ có tư tưởng đại đoàn kết đã đem lại những thành công của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết được hình thành trên cơ sở truyền thống đoàn kết, nhân ái, khoan dung, độ lượng của người Việt Nam. Mặt khác, Hồ Chí Minh tiếp thu và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về đoàn kết và tập hợp lực lượng. Người đã thấm nhuần quan điểm cách mạng của Mác đó là cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, cho nên cách mạng muốn mạnh trước hết phải đoàn kết đại đa số Nhân dân, mà đại đa số Nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động khác đến đoàn kết các dân tộc, để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.  

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong những năm qua, thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể đã phát huy vai trò của mình, huy động sức mạnh tổng hợp của cán bộ, giảng viên tích cực góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Với 64 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ở mỗi giai đoạn khác nhau, tinh thần đoàn kết nội bộ trong tập thể viên chức, người lao động luôn là mạch suối nguồn, kết nối keo sơn tạo nên động lực mạnh mẽ đưa Nhà trường vượt qua khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị do Tỉnh ủy phân công. Là lực lượng chủ lực, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị luôn tự hào với truyền thống, chuẩn giá trị văn hóa của trường Đảng, trong đó tinh thần đoàn kết nội bộ là một trong những giá trị cao đẹp không ngừng được đề cao, khơi dậy và phát huy trong suốt những chặng đường thực thi nhiệm vụ đã qua. Trong nội bộ từng đơn vị  khoa, phòng nói riêng và trong tập thể Nhà trường nói chung, tinh thần đoàn kết ấy thể hiện trước hết ở sự gần gũi, quan tâm, yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ nhau cùng vượt qua những điều kiện, hoàn cảnh khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống của mỗi người. Trong cùng mỗi đơn vị khoa, tinh thần đoàn kết thể hiện qua sự sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần cảm thông, quý mến của tình đồng chí, đồng nghiệp, tình anh em, bạn bè để cùng nhau làm rõ và đạt được sự thấu hiểu, đồng thuận, đi đến thống nhất chung các vấn đề còn vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành, phân công giao việc và thực hiện các quyền lợi của giảng viên. Điều này vừa tạo nên một không khí làm việc dân chủ, vừa thể hiện một hình ảnh đẹp của một tập thể trong quan hệ với các khoa, phòng khác. Tinh thần đoàn kết trong đội ngũ giảng viên còn thể hiện ở việc thường xuyên trao đổi, thảo luận, sẵn lòng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn để làm giàu tri thức, kỹ năng nghề nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy giữa các thế hệ giảng viên trong cùng một chuyên ngành, một khoa và giữa các khoa với nhau. Hoạt động này vừa giúp nâng tầm hoạt động chuyên môn, vừa bảo vệ, nâng cao và khẳng định uy tín của đội ngũ giảng viên nói chung và từng giảng viên nói riêng trước đồng nghiệp và học viên. Trong mối quan hệ với các bộ phận khác, tinh thần đoàn kết thể hiện trong sự tích cực, chủ động và sẵn sàng phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, hoạt động phong trào đoàn thể chung của nhà trường…

Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của cán bộ, giảng viên; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, giảng viên, cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Nhà trường.

Hai là, Mỗi cán bộ giảng viên phải ý thức sâu sắc đoàn kết và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất là trong nội bộ cơ quan, đơn vị là một trong những giá trị truyền thống, chuẩn mực văn hóa công sở cần được lưu giữ, bồi đắp và phát triển không ngừng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của tổ chức. Khi đoàn kết nội bộ được phát huy tốt sẽ là nguồn động viên to lớn giúp tổ chức hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra dù là trong điều kiện và hoàn cảnh khó khăn nhất. Từng cán bộ, giảng viên và từng bộ phận chủ động sắp xếp, hoàn thành tốt  nhiệm vụ được giao, tham gia và phối hợp tốt với các bộ phận chức năng với tinh thần tích cực, sẻ chia và cộng đồng trách nhiệm cao để thực hiện hoàn thành đạt chất lượng và hiệu quả mọi nhiệm vụ chung của Nhà trường.

Ba là, Mỗi cán bộ, giảng viên, cần coi trọng và phát huy tốt tinh thần đoàn kết trong tham gia phát biểu, đóng ý kiến xây dựng cơ quan, đoàn thể vững mạnh. Thường xuyên quan tâm trau dồi, học tập và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, thực tiễn trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy nhằm tạo dựng và bảo vệ tốt hình ảnh, uy tín của chính mình và giảng viên nói chung khi đứng trước đồng nghiệp và học viên.

Bốn là, Tiếp tục giải quyết tốt quan hệ lợi ích giữa cán bộ, giảng viên; kết hợp hài hòa lợi ích cán bộ, giảng viên với Nhà trường. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên. Tôn vinh, khen thưởng những cá nhân chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của Nhà trường, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Nhà trường.

Hà Thị Lan Phương

Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.14, tr.27

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.14, tr.186

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.5, tr.178-179

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, H.2011, t.7, tr.49