• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG VỀ “KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ” VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 20/04/2022 4:25:00 CH
Lượt đọc: 9684

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “tham nhũng là giặc nội xâm” và chỉ rõ “thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm lại càng khó hơn”. Thực hiện chỉ đạo của Người, những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta đã tiến hành cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (gọi tắt là cuộc vận động “Ba xây, ba chống”). Cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh trong suốt thời kỳ đổi mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) Khóa VIII, Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương 6 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội XII đã đặt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở vị trí cao hơn, đề cập rõ cả trong xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và coi tham nhũng, lãng phí là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng”. Cùng với tinh thần đó, Đại hội XIII thêm lần nữa khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị trên nhiều phương diện. Tại các Trường Chính trị cấp tỉnh, trong chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở luôn xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nội dung quan trọng. Theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính chỉ rõ nội dung Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nằm trong nhóm chuyên đề môn Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, khi Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) ban hành theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã thay thế Chương trình trước. Song Chuyên đề Phòng, chống tham nhũng, lãng phí thuộc môn Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam vẫn được giữ một vị trí quan trọng cùng các lĩnh vực khác cần nghiên cứu như chiến lược an ninh quốc gia; chiến lược bảo vệ tỏ quốc; chính sách dân tộc, tôn giáo; đường lối, chính sách đối ngoại, bảo đảm quyền con người… Mục tiêu của chuyên đề này là cung cấp những vấn đề lý luận và thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; định hướng các giải pháp về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam hiện nay. Từ đó nâng cao nhận thức của học viên về quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên vào những kết quả đã đạt được của công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nội dung chính của Chuyên đề này ngoài phần phân tích khái niệm, đặc điểm, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì phần làm rõ điều kiện bảo đảm, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, nhất là xác định quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam là những phần trọng tâm. Nếu như ở Chương trình trước ngoài phần tìm hiểu về quan điểm, đường lối của Đảng, nội dung chuyên đề còn phân tích quy định pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong Chương trình mới thì toàn bộ nội dung chuyên đề đều tập trung làm rõ quan điểm, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, căn cứ quan trọng khi giảng dạy, học tập chuyên đề này đều tập trung phân tích quan điểm, định hướng, giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí ở Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Việc cập nhật những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII, phân tích lý do thay đổi, phân tích phương hướng, giải pháp và hướng dẫn học viên liên hệ với thực tiễn cơ quan này tại cơ quan, đơn vị và trách nhiệm bản thân cán bộ cơ sở là những nhiệm vụ của giảng viên khi được phân công soạn, giảng chuyên đề này. Chính vì vậy, để nghiên cứu và vận dụng quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong giảng dạy lý luận chính trị, giảng viên cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, có quan điểm, thái độ đúng đắn đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vì phòng, chống tham nhũng, lãng phí chính là bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị - xã hội, bảo vệ chế độ và bảo đảm cho kinh tế - xã hội đất nước phát triển bền vững. Cần xác định phòng, chống tham nhũng là định hướng xuyên suốt qua các kỳ Đại hội của Đảng ta. Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần thái độ đấu tranh, cũng như đánh giá đúng thực trạng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó nắm chắc những kết quả đạt được về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, không hoang mang, không dao động, không chùn bước, không thỏa hiệp; cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tăng cường trách nhiệm của cơ quan chuyên trách như Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; cần triển khai các giải pháp đồng bộ, kiên quyết, kiên trì và cũng cần có chiến lược, có kế hoạch để bất kỳ chủ thể nào, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức các cấp  không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng.

Hai là, cần nắm chắc và lý giải những điểm mới. Trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”[1]. Đảng ta cũng có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng, lãng phí: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”[2].       

Đặc biệt tại Đại hội lần này, Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”[3].  Bên cạnh đó, có nhiều điểm mới về vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”[4]. Trong phòng chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”[5].  

Ba là, cần bổ sung, cập nhật về thực tiễn phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay như ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014… Những văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và góp phần rất to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động; xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện các biện pháp về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; đổi mới khoa học công nghệ quản lý và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng các quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Tính từ năm 2013 đến năm 2020, đã xử lý kỷ luật 131.000 đảng viên trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến tham nhũng. Khởi tố, điều tra truy tố xem xét hơn 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có: 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 07 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 04 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 07 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang. Các cơ quan có thẩm quyền đã kiến nghị thu hồi 700.000 tỉ đồng, 20.000 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.000 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 32,04%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được công tác phòng, chống tham nhũng, vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có “lỗ hổng”, nhưng chưa được sửa đổi bổ sung; hoàn thiện kịp thời để làm cơ sở pháp lý cho việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hiện nay, quyền tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp chưa được bảo đảm đầy đủ. Một số cán bộ, công chức lợi dụng quy định về bí mật nhà nước để che giấu thông tin, nhằm mục đích tham nhũng. Việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức. Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc phát hiện và xử lý tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Hành vi “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức chưa bị xử lý một cách triệt để.Việc xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn như: bị can, bị cáo trốn ra nước ngoài, hoặc bị can, bị cáo chết, hoặc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán. Do đó, một số vụ án tiền, tài sản tham nhũng thu hồi được nhỏ hơn nhiều so với tổng số thiệt hại do các đối tượng chiếm đoạt.

Bốn là, cần phân tích rõ 08 giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam hiện nay đã được đề cập đến trong giáo trình và đặc biệt gợi ý, hướng dẫn cho học viên liên hệ việc thực hiện các giải pháp này ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi học viên đang công tác.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thực sự là nhiệm vụ quan trọng được Đại hội XIII của Đảng xác định. Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng, lãng phí nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân. Kết quả đó có phần đóng góp của đội ngũ giảng viên – học viên các trường Chính trị cấp tỉnh./. 

Âu Phương Thảo

                                                            Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 145, 146.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.146