• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG NỘI DUNG “CHUYỂN ĐỔI SỐ” TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY MÔN QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 28/11/2022 9:10:00 SA
Lượt đọc: 8533

 

Chuyển đổi số trong làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra rộng khắp ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm thay đổi phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những khái niệm như: chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số cũng lần đầu tiên được đề cập. Nội hàm của những khái niệm này còn được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển lẫn đột phá chiến lược với kỳ vọng là cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới.

Bài viết này xin góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề chuyển đổi số - một khái niệm mới được đề cập đến để vận dụng làm rõ vấn đề này khi giảng dạy trong bài “Cải cách hành chính ở cơ sở” của môn Quản lý hành chính nhà nước ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

1. Chuyển đổi số - vấn đề được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Văn kiện nêu:Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chỉnh của tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia... để tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”.

Để thực hiện các chủ trương, quan điểm đó về chuyển đổi số, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định các giải pháp sau:

-  Chuyển đổi và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xã hội. Theo đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng về nội dung chuyển đổi số để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy, nhận thức, trình độ, hiểu biết, đưa mọi thành viên xã hội cùng hành động, cùng tham gia vào chuyển đổi số.

-  Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo môi trường pháp lý thuận lợi và động lực thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Biện pháp này xác định chuyển đổi số không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là cuộc cách mạng cả về thể chế. Do đó, Việt Nam cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số.

-  Xây dựng phát triển hạ tầng số. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Vì vậy, trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta xác định cần thiết phải xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

-   Thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, phát triển nền tảng số trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Để chuyển đổi số thành công, Việt Nam cần phát triển, phát huy vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ công nghệ số và phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực khác.

-   Phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo... là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam.

           2. Chuyển đổi số - vấn đề cần làm rõ khi giảng dạy bài “Cải cách hành chính ở cơ sở”.

Một trong 6 nội dung của Chương trình Tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 là Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số với mục tiêu là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số... Do vậy làm rõ khái niệm chuyển đổi số khi giảng dạy chuyên đề Cải cách hành chính ở cơ sở là một một yêu cầu cấp thiết.

Vậy chuyển đổi số là gì?

Có nhiều cách diễn giải khác nhau, song chúng ta có thể diễn giải một cách ngắn gọn: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức và cộng đồng về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số.

Để chuyển đổi số được chúng ta phải dựa trên nền tảng bốn công nghệ số tiêu biểu là: (1) trí tuệ nhân tạo (AI); (2) internet vạn vật (Tot); (3) cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata); (4) điện toán đám mây (Cloud Comfruting).

Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được gọi là Chương trình thông minh hóa quốc gia) với ba trụ cột: (1) chính phủ số; (2) kinh tế số ; (3) xã hội số, để xây dựng quốc gia hùng cường, với thông điệp “Made in Việt Nam”.

Tại sao chúng ta phải chuyển đổi số?

Thứ nhất: Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số.

Dưới tác động của chuyển đổi số, bản đồ doanh nghiệp trên thế giới đang được “vẽ” lại với sự gia tăng mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp có công nghệ hoạt động chủ yếu trên nền tảng không gian số. Ví dụ: Năm 2006, có 7 tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thế giới, trong đó chỉ có 1 tập đoàn công nghệ (Microsoft), còn lại là các tập đoàn dầu mỏ. Đến năm 2021, 10 tập đoàn, công ty có thương hiệu, nổi tiếng lớn nhất thế giới đều hoạt động trên không gian số.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á - TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn[1].

Chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng chủ đạo, tất yếu. Nhận thức được vấn đề này, hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều đưa ra những chiến lược công nghệ số của quốc gia. Ví dụ như: Mỹ có “Chiến lược quốc gia về sản xuất tiên tiến”; Nhật Bản và Singarore có “Xây dựng xã hội thông minh, quốc gia thông minh”; Hàn Quốc có “Chương trình tăng trưởng tương lai” và nhiều nước đang phát triển khác đều có kế hoạch chuyển đổi số của quốc gia.

Việt Nam chúng ta cũng không đứng ngoài dòng chảy vận động này. Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Tại Yên Bái ngày 22/7/2021, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh.

Thứ hai, xuất phát từ giá trị to lớn mà chuyển đổi số mang lại.

- Đối với quốc gia:

          + Chuyển đổi số đang tạo một nguồn lực mới cho sự phát triển, tạo ngành nghề mới cho xã hội, đưa con người làm việc theo một quy trình công nghệ tiên tiến, giải phóng năng lượng sức sản xuất xã hội, kiến thiết một hạ tầng cơ sở và kiến trúc thượng tầng hiện đại, một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lớn, tiện ích cho khai thác, sử dụng thông minh. Tới năm 2020, Việt Nam đã trở thành 5 nước trên thế giới làm chủ công nghệ 5G[2]. Nếu đi nhanh và phát triển sang các mức độ cao hơn thì Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển một nền công nghiệp với nền sản xuất thông minh.

          + Chuyển đổi số tạo ra công nghệ mới cho quản lý, quy trình quản lý hiện đại cho chúng ta xây dựng chính phủ số; chính phủ điện tử, làm tăng hiệu quả quản lý, tiết kiệm kinh phí, minh bạch thông tin, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, triệt tiêu tham nhũng, phiền hà... Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (WB), cải cách hành chính, xây dựng và thực hành quản lý chính phủ điện tử, Việt Nam sẽ tiết kiệm khoảng 14.900 tỷ đồng mỗi năm và đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của quốc gia[3]. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19, song nền kinh tế số Việt Nam vẫn tăng trưởng 16%, lớn nhất trong khu vực[4].

          + Chuyển đổi số đem lại những giải pháp thông minh, hiệu quả cho giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như vấn đề quản lý an ninh, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, đô thị thông minh, ô nhiễm môi trường...

- Đối với doanh nghiệp và người dân:

           + Với doanh nghiệp: Chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích như thích ứng với nhu cầu khách hàng, tăng hiệu quả marketing, tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, tối đa hóa năng suất lao động, tạo các cơ hội hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển giao công nghệ, thích ứng hợp tác.

           + Đối với người dân: Người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ số hiện đại và tiện ích hơn, nhanh hơn, đỡ tốn kém thời gian và tài chính. Với một máy điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối internet, mỗi người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện mà không cần trực tiếp đến các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, chuyển đổi số ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của đất nước.

Việt Nam là một nước có mức phát triển kinh tế - xã hội đi sau nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng sẵn có. Để phát triển sánh vai các nước trên thế giới, chúng ta có chiến lược đi tắt, đón đầu, tận dụng cơ hội và thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nền kinh tế tri thức, tham gia hội nhập quốc tế bằng các chiến lược công nghệ hiện đại, chuyển đổi thông minh. Chuyển đổi số là một trong đột phá chiến lược nhằm đưa Việt Nam bứt phá, đi tắt, đón đầu công nghệ phát triển thông minh của thời đại tiên tiến.

Chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng mặc dù mới bắt đầu nhưng chúng ta đã bước ngay vào giai đoạn tăng tốc đòi hỏi chúng ta phải thực sự chuyển đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động bằng các bước đi cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của đất nước cũng như từng địa phương, tin rằng mục tiêu chuyển đổi số của cả nước cũng như tỉnh Yên Bái sẽ sớm trở thành hiện thực.

Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật

 

 



[1] https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=2391&_c=100000174

[2] https://thanhnien.vn/viet-nam-la-nuoc-thu-5-tren-the-gioi-lam-chu-cong-nghe-5g-post1022948.html

[3] https://vneconomy.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-va-chinh-phu-dien-tu-giup-tiet-kiem-14900-ty-nam.htm