• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ VÀO GIẢNG DẠY BÀI “ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ CƠ BẢN CỦA THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”
Ngày xuất bản: 04/09/2021 2:37:00 CH
Lượt đọc: 11083

 

            Vấn đề các thành phần kinh tế là một trong những nội dung lý luận hết sức quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên cơ sở lý luận về các thành phần kinh tế để Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với mỗi thành phần trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Phần học Kinh tế chính trị bao gồm 06 bài với tổng số 64 tiết. Trong đó, bài “Đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” là chuyên đề số 5, số tiết giảng và thảo luận là 8 tiết. Đây là bài học giúp học viên nhận thức về những đặc điểm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu, trên cơ sở đó hiểu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng và vận dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới. Trong quá trình giảng dạy, việc nghiên cứu, cập nhật những nội dung mới, quan điểm mới về các thành phần kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII vào bài giảng là rất cần thiết, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quan niệm của Đảng Cộng sản Việt Nam về các thành phần kinh tế.

Trong nội dung Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Báo cáo Chính trị nêu rõ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như sau: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”1.

 Thứ hai, về các đặc điểm kinh tế cơ bản của thời kỳ quá độ.

Tổng kết 35 năm đổi mới, Đại hội XIII tiếp tục cụ thể hóa đặc điểm kinh tế của sự quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh mới và nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị, nhất là trong những ngành, lĩnh vực then chốt Nhà nước cần nắm giữ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ. Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ và giá trị gia tăng cao, mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối với khu vực kinh tế trong nước.”2

Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế3. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hoá, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã4. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp.

Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động5. Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công - tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu6. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại hội XIII đã chỉ rõ những điểm mới về nội dung các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình giảng bài, mỗi giảng viên có thể lựa chọn cho mình cách thức vận dụng khác nhau các quan điểm mới của Đại hội XIII của Đảng vào nội dung bài giảng nhằm nâng cao tính thực tiễn của bài giảng, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng trong Nhà trường hiện nay.

Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận cơ sở

 

Tài liệu tham khảo

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2021, tập I, tr128-129.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, 2021,tập I,  tr 45-46.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr. 129.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr129-130.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr 130.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tập I, tr130.