• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VAI TRÒ, Ý NGHĨA HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Ngày xuất bản: 24/08/2021 10:03:00 SA
Lượt đọc: 11541

1. Hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND

Chất vấn là việc đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu họ phải trả lời về trách nhiệm của mình đối với những nội dung mà đại biểu HĐND nêu.

Chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp và quan trọng. Quyền chất vấn là quyền quan trọng của đại biểu. Đại biểu HĐND có quyền chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND, phiên họp thường trực HĐND  hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn.

- Về bản chất: có thể thấy, chất vấn được quy định trong Hiến pháp, văn bản pháp lý quan trọng nhất và được cụ thể hóa trong  luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chất vấn là một hình thức được HĐND áp dụng để giám sát chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Vì vậy, khi đại biểu HĐND thực hiện quyền chất vấn là nhân danh cá nhân nhưng với tư cách là người đại diện quyền lực của Nhân dân.

- Về mục đích: chất vấn không phải là câu hỏi nêu ra để nắm tình hình; nếu là câu hỏi thì người được hỏi có quyền trả lời hoặc không trả lời nhưng  là câu chất vấn thì người được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí, nếu câu trả lời chưa thỏa đáng hoặc nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Chủ tịch HĐND đưa ra thảo luận trước HĐND.

- Về thủ tục chất vấn: trình tự, thủ tục được quy định rất chặt chẽ trong luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cá nhân của người bị chất vấn, không thể hỏi và trả lời một cách “tùy nghi” được.

- Về hậu quả của chất vấn: sau khi nghe trả lời chất vấn, nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền kiến nghị và xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn, HĐND có thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết.

2. Vai trò, ý nghĩa hoạt động chất của đại biểu HĐND.

- Chất vấn là hoạt động bổ sung quan trọng cho các quyết sách tại kỳ họp HĐND. Đây là một dịp để các vị đại biểu HĐND thay mặt đồng bào cử tri ở địa phương đặt câu hỏi để những người có trách nhiệm trả lời chất vấn và những người có liên quan trả lời, thấy rõ trách nhiệm, nêu lên được giải pháp để cùng nhau giải quyết một cách tích cực, tạo ra sự chuyển biến. Tạo không khí trao đổi, thảo luận làm sáng tỏ vấn đề.

Trong toàn bộ hoạt động của HĐND, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, toàn diện, có sức mạnh tổng hợp, có tác động mạnh mẽ nhiều chiều, giúp cho HĐND thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát, từ đó giúp cho HĐND có những quyết sách hợp ý Đảng, hợp lòng dân.

- Hoạt động chất vấn có tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.

Trong các kỳ họp, chất vấn luôn là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ tính quyền lực của HĐND và cũng là nội dung thu hút được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân địa phương. Bởi vì khi đại biểu HĐND đưa ra các câu hỏi chất vấn đối với những người có trách nhiệm thì nội dung của các câu hỏi này thường là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc được người dân hết sức quan tâm và muốn nghe câu trả lời của người có trách nhiệm thực sự đối với vấn đề được nêu, đáp ứng được yêu cầu về tính thời sự của những vấn đề cuộc sống đặt ra.

Do đó thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn một cách thẳng thắn, dân chủ với tinh thần xây dựng cao sẽ tăng cường tính đối thoại, nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của các cơ quan chức năng với những vấn đề còn tồn tại trong quản lý nhà nước và những vấn đề mà cử tri quan tâm để tìm ra các biện pháp khắc phục kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và mong mỏi của cử tri địa phương.

- Chất vấn cũng là cách thể hiện cụ thể, trực tiếp và rất sinh động của quyền lực Nhân dân, thể hiện trách nhiệm của các đại biểu HĐND với cử tri ở địa phương.

Có thể nói, chất vấn là hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội và pháp lý sâu sắc. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò và ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn thì các Đại biểu HĐND phải lựa chọn những vấn đề cử tri quan tâm, thu thập và xử lý tốt thông tin liên quan đến vấn đề chất vấn và phải rèn luyện tốt các kỹ năng chất vấn thì hoạt động chất vấn mới đem lại hiệu quả.

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và pháp luật