• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
VAI TRÒ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
Ngày xuất bản: 22/09/2020 10:08:00 SA
Lượt đọc: 17577

Cùng với sự ra đời của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 (sau đây gọi chung là Luật Tổ chức chính quyền địa phương) chính quyền địa phương được quy định rõ ràng, cụ thể ở từng đơn vị hành chính, lãnh thổ, có sự phân biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn, chính quyền địa phương ở đô thị, chính quyền địa phương ở hải đảo và chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong đó, chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại biểu của Nhân dân địa phương, do Nhân dân địa phương bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, đại diện cho Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước ở địa phương mà Nhân dân trao cho.

Từ địa vị chính trị - pháp lý của HĐND được pháp luật quy định thì HĐND tỉnh có hai chức năng chủ yếu đó là chức năng quyết định và chức năng giám sát.

Căn cứ vào các yếu tố của thuật ngữ giám sát, vào các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND 2015, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được hiểu:

Giám sát của HĐND tỉnh là việc HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật tiến hành theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của HĐND tỉnh trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Hoạt động giám sát có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của HĐND tỉnh, tác động trực tiếp đến hiệu quả của kỳ họp và chất lượng hoạt động của HĐND. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND đề ra các biện pháp kịp thời để giải quyết những bức xúc của nhân dân, nắm bắt ý kiến cử tri và yêu cầu, kiến nghị các cơ quan nhà nước khác phối hợp để thực hiện những nhiệm vụ đặt ra. Vai trò giám sát của HĐND ở tỉnh được biểu hiện qua một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: hoạt động giám sát của HĐND tỉnh góp phần thực hiện quyền lực nhà nước.

HĐND tỉnh có nhiệm vụ triển khai thực hiện Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên vào thực tiễn đời sống ở địa phương. Song song với việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương thì HĐND tỉnh phải thực hiện hoạt động giám sát.

Giám sát của HĐND tỉnh có ý nghĩa lớn trong việc đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân được tiến hành trên cơ sở pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, từ đó mà Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và đi vào thực tiễn cuộc sống ở địa phương.

Qua giám sát giúp HĐND tỉnh nắm bắt thực tiễn việc thực hiện các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành để tìm ra các điểm tích cực, hạn chế hoặc chưa đầy đủ trong các nghị quyết, văn bản, chính sách đó để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Giám sát cũng chính là một kênh để đưa ra những căn cứ khoa học, những kết quả, những phản hồi từ thực tế đời sống để làm cơ sở cho các quyết định mang tính khả thi, sát hợp với yêu cầu bức thiết đang đặt ra qua đó đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

Do đó, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh góp phần thực hiện quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền lực nhà nước được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát của HĐND tỉnh thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định.

Thứ hai: Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh góp phần hiện thực hóa quyền làm chủ của nhân dân.

Hiến pháp từ năm 1946 cho đến Hiến pháp 2013 hiện nay đều khẳng định ở Việt Nam “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhân dân thực hiện quyền lực của mình thông qua hai hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp.

Ngoài việc tự mình được tham gia vào quản lý, thực hiện quyền lực nhà nước (dân chủ trực tiếp) thì Nhân dân được thực hiện quyền lực của mình thông qua hình thức dân chủ đại diện, mà thiết chế quan trọng nhất trong dân chủ đại diện đó chính là Quốc hội và HĐND. Đây là những cơ quan được người dân ủy thác, trao quyền để đại diện cho Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

HĐND tỉnh do nhân dân địa phương bầu ra, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ, tinh thần, trí tuệ và sức mạnh tập thể của Nhân dân địa phương. Do đó HĐND, đại biểu HĐND phải chịu sự giám sát của Nhân dân địa phương.

Tính đại diện của HĐND thể hiện ở chỗ HĐND là cơ quan duy nhất do Nhân dân bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; Thành phần của HĐND gồm những Đại biểu tiêu biểu nhất cho mọi tầng lớp Nhân dân, mọi thành phần xã hội ở địa phương để nói lên ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của các tầng lớp Nhân dân ở địa phương; HĐND là cơ quan thay mặt cho Nhân dân nên phải chịu sự giám sát của Nhân dân, nếu đại biểu nào không được Nhân dân tín nhiệm hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì sẽ bị bãi nhiệm.

HĐND tỉnh được Nhân dân địa phương trao quyền lực nhà nước do đó HĐND thay mặt cho Nhân dân địa phương thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật và bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của trung ương đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để quản  lý và phát triển địa phương.

Với vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước HĐND quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương trên mọi lĩnh vực như kinh tế, văn hoá xã hội, y tế, giáo dục… theo sự phân cấp cho chính quyền địa phương; tham gia thành lập các cơ quan nhà nước khác ở địa phương; đảm bảo thực hiện các quy định của cơ quan nhà nước cấp trên và trung ương ở địa phương đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng địa phương. Có thể nói chính sách, pháp luật của Nhà nước có được triển khai sâu rộng và có được đảm bảo thực hiện hay không phụ thuộc rất lớn vào vai trò của HĐND.

Chính vì vậy, các Nghị quyết của HĐND vừa mang tính đại diện, vừa mang tính quyền lực nhà nước, có giá trị bắt buộc chung cho mọi cơ quan, tổ chức và công dân ở địa phương. Cho nên việc giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND là sự hiện thực hóa quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Nếu chức năng giám sát bị coi nhẹ thì vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước của HĐND sẽ không được củng cố, nhân dân địa phương sẽ không phát huy được quyền làm chủ thực sự của mình trên thực tế.

Thứ ba: Giám sát của HĐND tỉnh bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND được thực hiện nghiêm chỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay một đặc trưng quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, lấy pháp luật làm công cụ quan trọng nhất để quản lý, điều hành xã hội do đó mọi cơ quan trong bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật nhằm bảo đảm cho xã hội ổn định, có trật tự, phát triển đúng định hướng. Điều này đã được khẳng định tại Điều 8, Hiến pháp 2013:

Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”.

HĐND tỉnh là cơ quan có vai trò đưa những quy định của Hiến pháp và pháp luật vào quản lý nhà nước ở địa phương sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể trên địa bàn. Thông qua hoạt động giám sát HĐND sẽ theo dõi, kiểm tra Hiến pháp, pháp luật có được chấp hành nghiêm chỉnh hay không, kịp thời phát hiện những văn bản quy phạm pháp luật mà chính quyền địa phương ban hành trái, mâu thuẫn với Hiến pháp, luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Đồng thời thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật tại địa phương HĐND có thể phát hiện những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, tính khả thi của từng văn bản khi thực hiện trên thực tế để kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước cấp trên có phương án xử lý đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Không những vậy, khi tiến hành giám sát HĐND giúp phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân làm thiệt hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích tập thể và công dân để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và công dân.

Các văn bản quy phạm pháp luật khi xây dựng và ban hành đã phải tuân thủ tất cả các bước, trình tự ban hành pháp luật rất nghiêm ngặt và khoa học nhưng dù sao đó vẫn là khung pháp lý chung cho tất cả các địa phương trên phạm vi cả nước, khi áp dụng vào cụ thể tại một địa phương thì có những quy định còn bộc lộ sự thiếu sót, chưa phù hợp hoặc thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện cho nên kết quả của hoạt động giám sát đặc biệt là trong giám sát việc thi hành các văn bản pháp luật chính là nguồn thông tin quan trọng, cung cấp cơ sở thực tiễn để giúp cho việc xây dựng và ban hành pháp luật ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đời sống, tránh việc ban hành các văn bản “trên trời”, không có tính khả thi.

Thứ tư: Giám sát của HĐND tỉnh bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của HĐND thực hiện đúng theo quy định của pháp luật  góp phần làm cho bộ máy chính quyền địa phương trở nên trong sạch, vững mạnh.

Hoạt động giám sát của HĐND khi được tiến hành một cách nghiêm túc, hiệu quả sẽ tạo áp lực cho các đối tượng chịu sự giám sát của HĐND luôn phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định. Qua giám sát sẽ phát hiện những ưu điểm, những điểm tích cực trong quản lý nhà nước ở địa phương để nhân rộng mô hình quản lý đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó giám sát cũng sẽ phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật làm phương hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, cá nhân để kịp thời xử lý đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo sự tin tưởng trong Nhân dân.

Giám sát của HĐND không chỉ nhằm phát hiện những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, sai phạm để xử lý mà thông qua giám sát HĐND sẽ đưa ra các biện pháp, cách thức để các đối tượng chịu sự giám sát làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình; đưa ra các giải pháp để hạn chế, phòng ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong tương lai.

Như vậy, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vị thế, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại diện cho Nhân dân địa phương; trong việc đảm bảo việc tuân thủ và thực thi Hiến pháp, pháp luật tại địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương và góp phần làm cho chính quyền địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

                                                                                                                                                                                                                                       Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và pháp luật