• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
ỨNG XỬ VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẢNG Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 22/08/2019 9:26:00 SA
Lượt đọc: 22640

          Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đây cũng chính là giá trị văn hóa của Đảng, do đó trường Đảng cao cấp mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, các trường Đảng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển và thực hành văn hóa Đảng, mà biểu hiện cụ thể chính là “văn hóa trường Đảng”. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống chính trị xã hội, trường Đảng thực sự đã có những nét văn hóa riêng tạo nên “văn hóa trường Đảng”. Những nét văn hóa đó hình thành trên nền tảng tư tưởng của Đảng, trên nền tảng văn hóa của dân tộc Việt Nam, hòa quyện cùng bối cảnh lịch sử kinh tế - xã hội của từng giai đoạn cách mạng và chức trách nhiệm vụ mà Đảng giao.

Văn hóa trường Đảng được tạo nên bởi sự bồi đắp và chia sẻ những giá trị mang tính chuẩn mực về tri thức, niềm tin, lý tưởng, hành động, đạo đức... Những giá trị này mang tính đặc trưng và bản sắc riêng trên nền tảng tư tưởng thống nhất nhằm tạo nên sự nhất quán của tổ chức và mỗi cá nhân trong hoạt động thực tiễn xã hội. Văn hóa trường Đảng là những giá trị tư tưởng, những giá trị lý luận và thực tiễn mà mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức được trong “môi trường Đảng”. Hiện nay, xây dựng văn hóa trường Đảng, đặc biệt là xây dựng cách ứng xử trong mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa đồng chí, đồng nghiệp, giữa đội ngũ cán bộ, đảng viên với tư cách là học viên khi tham gia học tập, rèn luyện tại các trường Chính trị là một yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng và phát triến môi trường văn hóa lành mạnh giàu tính đảng.

Tự hào, tiếp bước truyền thống của Nhà trường, thời gian qua Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn tập trung lãnh đạo việc nâng cao nhận thức về những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng, ứng xử văn hóa trong cơ quan, cụ thể hóa những giá trị văn hóa vào các hoạt động thường xuyên trên các lĩnh vực công tác.

Để làm được điều đó, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã triển khai và thực hiện tốt các quy định về văn hóa ứng xử trong trường Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức, viên chức Trường Chính trị tỉnh luôn xác định rõ trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa Trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp trong nghiên cứu khoa học; nghiêm túc thực hiện kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử.

Các khoa, phòng, tổ chức đoàn thể và học viên các lớp học tại Nhà trường nâng cao nhận thức về những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa trường đảng, ứng xử văn hóa, cụ thể hóa những giá trị văn hóa vào các hoạt động trên các lĩnh vực công tác. Qua đó, góp phần hình thành ở cán bộ, công chức, viên chức và học viên những tính cách, phẩm chất văn hóa, những quy tắc hành vi, chuẩn mực nghề nghiệp trong giao tiếp, thực thi công vụ, trách nhiệm cá nhân với mọi người, với công việc, với Đảng, với Tổ quốc, với quê hương gắn liền với giá trị “chân, thiện, mỹ”, phù hợp với chuẩn mực đạo đức của đời sống xã hội hiện tại.

Thực hiện Quyết định 5029/QĐ-HVCTQG Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện CTQGHCM và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã thực hiện đặt pano ở các phòng học, giảng đường với nội dung “Quy định chuẩn mực văn hóa học đường theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nội dung đã được xây dựng gồm 05 điều đối với cán bộ viên chức và 05 điều đối với học viên để thường xuyên nhắc nhở việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện ứng xử văn hóa, đúng mực giữa các cán bộ, viên chức và học viên trong Nhà trường; tạo môi trường văn hóa trong Nhà trường lành mạnh, đoàn kết, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Luôn nêu gương về ứng xử đúng mực giữa các mối quan hệ trong trường: Ứng xử với đồng nghiệp (có thái độ hòa nhã, hợp tác trong công việc; chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp khi cần thiết; Xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết; tôn trọng, không xúc phạm đồng nghiệp dưới mọi hình thức). Ứng xử với cấp trên (tôn trọng cán bộ lãnh đạo, quản lý; Chấp hành nghiêm túc các chỉ đạo, nhiệm vụ được cấp trên, tổ chức phân công). Ứng xử với học viên (luôn là tấm gương về đạo đức cách mạng, tác phong, tư duy, bản lĩnh chính trị; lắng nghe ý kiến của học viên để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng ý kiến của học viên; thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trường Đảng trên giảng đường và trong cuộc sống. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức Nhà trường luôn có ý thức trách nhiệm, say mê, nhiệt huyết với công việc; giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng). Đặc biệt trong những năm qua, đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng do Nhà trường quản lý, cùng với việc giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp được phân công theo dõi, quản lý lớp thì Ban giám hiệu Nhà trường cũng định kỳ hàng tháng, hàng quý có kế hoạch gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của học viên các lớp, từ đó đưa ra ý kiến chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của học viên để họ yên tâm học tập.

Nhà trường không ngừng chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; bảo đảm sự đoàn kết hợp thành sức mạnh thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các chi bộ, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức kiên quyết không để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong các lĩnh vực công tác.

Nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQGHCM ngày 26/10/2017 Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện CTQGHCM và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua kết quả bình xét thi đua trong từng tháng được đánh giá theo 03 tiêu chí: Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tham gia các hoạt động đoàn thể của Nhà trường; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần thái độ học tập; Thực hiện nhiệm vụ, công tác chuyên môn.  Còn đối với học viên kiểm tra thông qua ứng xử với giảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ phục vụ; ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, tinh thần thái độ học tập nghiêm túc; tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trên lớp; chủ động tự nghiên cứu, học tập; chấp hành nội quy, quy chế của Nhà trường.

Có thể thấy, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt ứng xử văn hóa trường đảng, góp phần nâng cao giá trị văn hóa trường Đảng. Những giá trị văn hóa này khi thấm đậm vào mỗi cán bộ, giảng viên, đặc biệt là các thế hệ học viên, sẽ có tính lan tỏa trong toàn hệ thống từ Trường Chính trị tỉnh đến Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện, thị xã, thành phố, sau đó lan tỏa tới các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và trong toàn tỉnh, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa đảng hiện nay. Thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa trường Đảng ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tôi có một số kiến nghị sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và của nhà trường.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học; xây dựng môi trường học thuật, sinh hoạt tại trường Chính trị giàu tính đảng.

Ba là, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Cán bộ, giảng viên trường Đảng là những người trực tiếp “truyền bá” nền tảng tư tưởng của Đảng đến người học, giúp họ vận dụng sáng tạo để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, đơn vị. Vì thế, người cán bộ, giảng viên trường Đảng trước hết phải gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, tri thức chuyên môn, lề lối làm việc; trong đó, đạo đức là “linh hồn”, còn chuyên môn là “thể xác”. Bác Hồ đã chỉ rõ: Điều quan trọng nhất trong tư cách, phẩm chất người cán bộ và học viên trường Đảng là phải “giữ chủ nghĩa cho vững”, “Có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt”.

                                                                                             Tạ Thị Hảo

Khoa Lý luận MLN, TTHCM