• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tư tưởng “đổi mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - những giá trị lý luận vận dụng vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay
Ngày xuất bản: 30/09/2021 3:39:00 CH
Lượt đọc: 10480

 

Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cộng sản kiên cường, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn luôn thể hiện cái nhìn “cây đời mãi mãi xanh tươi” nhìn thẳng, nhìn đúng tình hình thực tế và cố gắng tìm ra những giải pháp thích hợp trên cơ sở những quy luật căn bản của niềm tin cộng sản. Chính vì thế nên những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho việc thiết kế đường lối, chính sách Đổi mới của Đảng và Nhà nước ta vô cùng to lớn và hiệu quả. Tìm hiểu về tư tưởng đổi mới của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta rút ra được những giá trị lý luận sâu sắc với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay như:

Một là, để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nhấn mạnh: “Có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và hiệu quả. Do đó, muốn có đổi mới trong đời sống thì trước hết phải đổi mới tư duy. Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến suy nghĩ theo đòi hỏi khách quan của các quy luật đó và áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề xuất các ý kiến mới, nói đến các biện pháp mới cho hành động, điều này phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, chống các suy nghĩ chủ quan, bảo thủ giáo điều, chống việc tách rời lý luận với thực tiễn. Muốn làm được điều đó phải gắn liền lời nói với việc làm, có nhiệt tình cao thống nhất với khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật[1]. Có thể thấy rằng sự nghiệp đổi mới muốn đi đến thắng lợi và có hiệu quả thì cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự chuẩn bị về lý luận là tiền đề và điều kiện cơ bản cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn. Như vậy, lý luận luôn gắn với thực tiễn và từ tổng kết thực tiễn mà rút ra những kết luận mới bổ sung cho lý luận.

Hai là, đổi mới cần phải dựa trên nguyên tắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng XHCN, giữ vững tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Với nguyên tắc coi trọng việc thực hiện rộng rãi và đầy đủ nền dân chủ XHCN là điểm mấu chốt trong đổi mới tư duy chính trị cũng như kinh tế.

 Đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng phải có bước đi và hình thức, cách làm phù hợp. Thực tiễn cho thấy, đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên từng lĩnh vực, nội dung đổi mới cũng bao gồm nhiều mặt, từ đổi mới quan niệm đến đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, phong cách và lề lối làm việc. Nếu đổi mới một lĩnh vực hoặc một khâu nào đó thì công cuộc đổi mới không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, mỗi bước đi phải xác định khâu then chốt để tập trung sức giải quyết làm cơ sở cho đổi mới các khâu khác và lĩnh vực khác.

Ba là, đổi mới kinh tế gắn liền với đổi mới chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ ra sự nghiệp đổi mới của Đảng diễn ra trên “cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị”, nhưng phải “đặt trọng tâm vào đổi mới kinh tế, việc đổi mới chính trị phải tiến hành tích cực nhưng vững chắc để mang lại kết quả thực tế, không gây ra mất ổn định về chính trị và làm phương hại đến toàn bộ công cuộc đổi mới nói chung”[2] . Như vậy, đổi mới kinh tế và chính trị là hai mặt cơ bản của xã hội, là sự nghiệp khó khăn và phức tạp, chỉ có thể vừa làm vừa tìm tòi khám phá, sáng tạo, phải thấy hết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị để có bước đi phù hợp đảm bảo sự tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa chúng.

Về mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phải tập trung sức làm tốt đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhân dân về đời sống, việc làm và các nhu cầu xã hội khác, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH, coi đó là điều kiện quan trọng để tiến hành thuận lợi đổi mới trong lĩnh vực chính trị. Đồng thời với đổi mới kinh tế phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy ngày càng tốt quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì chính trị đụng chạm đến những mối quan hệ đặc biệt phức tạp và nhạy cảm trong xã hội. Nên việc đổi mới trong hệ thống chính trị nhất thiết phải trên cơ sở nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc không cho phép gây mất ổn định chính trị dẫn tới sự rối loạn. Nhưng không vì vậy mà tiến hành chậm đổi mới hệ thống chính trị, nhất là tổ chức bộ máy cán bộ, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, bởi đó là tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội, thực hiện dân chủ. Đổi mới kinh tế và chính trị - hai mặt cơ bản của xã hội, là sự nghiệp khó khăn và phức tạp, chỉ có thể vừa làm vừa tìm tòi khám phá, sáng tạo phải thấy hết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị để có bước đi phù hợp đảm bảo sự tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa chúng.

Bốn là, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng; đấu tranh phê bình và tự phê trong Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sớm thấy bệnh quan liêu, tham nhũng có nguy cơ trở thành quốc nạn nên đã kịp thời đề xuất những việc cần làm ngay. Bằng lối viết ngắn gọn, súc tích nhưng đầy tính chiến đấu, những bài báo ký tên N.V.L đã dấy lên luồng gió mới, khơi dậy phong trào báo chí cả nước tham gia đấu tranh chống tiêu cực. Tổng Bí thư viết: “Đảng và Nhà nước quyết tâm làm trong sạch và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp cần nêu gương tốt, giữ mình trong sạch, không quan liêu, bè phái để có đủ uy tín và sự nghiêm minh trong công việc”[3] .

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đã sớm chỉ ra căn bệnh hình thức trong đấu tranh phê bình, tự phê: “tính Đảng, tính nguyên tắc, tình thương yêu đồng chí đã bị thay thế bằng tính nể nang, thiếu thẳng thắn trong đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ đúng người tốt”[4]. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không chỉ đôn đốc việc tự phê bình và phê bình từ dưới lên trên mà cả từ trên xuống dưới. Tổng Bí thư đã tổ chức kiểm điểm cá nhân, từ Tổng Bí thư đến các Ủy viên Bộ Chính trị, không chỉ trong công tác lãnh đạo mà cả trong ý thức tổ chức kỷ luật, trong đạo đức, lối sống. Việc làm đó có ý nghĩa rất lớn trong Đảng, được toàn đảng, toàn dân nhiệt liệt hoan nghênh.

Qua hơn 35 năm đổi mới, song ‎những thông điệp của cố Tổng Bí thư vẫn còn nguyên giá trị. Nhờ tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - chính trị - xã hội. Kết quả đó có được một phần là nhờ sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cả về phương diện lý luận và thực tiễn, đặc biệt là tư tưởng đổi mới. Những đóng góp của đồng chí thật đúng như câu đối mà giáo sư Vũ Khiêu đã đề tặng tại nhà tưởng niệm của đồng chí tại quê nhà:

Trí mạnh tâm hùng, chỉ đạo nhân dân cùng đổi mới

Hương bay khói tỏa, cảm ơn lãnh đạo đã nhìn xa”

Giờ đây, đất nước đang bước vào thập kỷ phát triển mới, đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói:“chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có thể thấy, những thành tựu to lớn và bài học quý giá của 35 năm đổi mới là hành trang quý giá để Việt Nam tự tin tiến bước gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và hướng tới một quốc gia phát triển vào năm 2045. Do đó, những tư tưởng đổi mới của Đảng ta từ Đại hội VI, cũng như những tư tưởng “đổi mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cần tiếp tục được kế thừa, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Ban Tuyên giáo Trung ương - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Tỉnh ủy Hưng Yên (2015), Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng và quê hương Hưng Yên, Hà Nội, tr. 495.

[2]  Nguyễn Văn Linh(1988), Đổi mới để tiến lên, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội

[3] Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo (2003), Hồi ký,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 500.