• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận và học tập lý luận, vận dụng trong nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái hiện nay
Ngày xuất bản: 02/11/2018 2:28:00 CH
Lượt đọc: 28121

        Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người tổ chức sáng lập, rèn luyện Đảng ta. Không chỉ là nhà tổ chức thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà tư tưởng vĩ đại.

Hồ Chí Minh không có tác phẩm riêng bàn về phương pháp. Nhưng trong thực tế lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người đã vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn các nguyên lý của phép biện chứng duy vật Mácxít kết hợp với các yếu tố biện chứng của triết học phương Đông qua đó tạo nên một hệ thống phương pháp riêng của mình, rất Mácxít mà cũng rất Hồ Chí Minh, không trộn lẫn được. Trong hệ thống ấy Người đặc biệt coi trọng lý luận và việc học tập lý luận của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Người rất tâm đắc với câu nói nổi tiếng của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, chỉ Đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”[1].

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế, đó là lý luận chân chính”[2].

Lý luận được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn nhưng lý luận là trình độ cao hơn về chất so với kinh nghiệm. Tri thức lý luận thể hiện trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, quy luật. Khác với kinh nghiệm, lý luận mang tính hệ thống, tính khái quát cao, tính lôgíc chặt chẽ nhờ đó đem lại sự hiểu biết sâu sắc về bản chất, tính tất nhiên, tính quy luật của các sự vật, hiện tượng khách quan.

Lý luận có vai trò rất lớn đối với thực tiễn, tác động trở lại thực tiễn, góp phần làm biến đổi thực tiễn thông qua hoạt động của con người. Lý luận một khi thâm nhập vào quần chúng thì biến thành “lực lượng vật chất”. Lý luận đóng vai trò soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn, lý luận khoa học góp phần giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành phong trào hoạt động thực tiễn rộng lớn của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời lý luận cũng có vai trò định hướng, dự báo cho hoạt động thực tiễn từ đó đề ra phương hướng cho thực tiễn, chỉ rõ những phương pháp hành động có hiệu quả nhất để đạt mục đích của thực tiễn. Đánh giá vai trò và ý nghĩa lớn lao của lý luận đối với thực tiễn, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [3].

Sớm nhìn thấy vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị, Người chỉ rõ: “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình”[4]. Người nhấn mạnh huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động. Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, Đảng mới làm nổi cách mệnh tiên phong”[5].

Vận dụng những nội dung trên, trong thời gian qua Đảng ủy, BGH Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như:

- Nâng cao kiến thức chuyên ngành và liên ngành cho đội ngũ giảng viên, đảm bảo bài giảng chất lượng, hiệu quả:

+Tổ chức hội thảo khoa học cấp trường về “Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với đối tượng giảng dạy, các bộ môn và nội dung chương trình ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái” nhằm nâng cao năng lực công tác, đạo đức, tác phong của đội ngủ giảng viên trong Nhà trường.

+ Thường xuyên sinh hoạt tổ chuyên môn, CLB giảng viên trẻ, không chỉ bổ sung, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, liên ngành cho đội ngũ giảng viên mà còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy của các giảng viên lâu năm, các tình huống sư phạm có thể phát sinh để các giảng viên trẻ tích lũy thêm kinh nghiệm, tự tin đứng lớp.

- Bảo đảm thống nhất giữa tính đảng, tính khoa học trong từng bài soạn, tiết giảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi phải tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực hiện phương châm này, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường chẳng những phải vững vàng, sâu sắc về lý luận mà còn phải có quá trình hoạt động thực tiễn phong phú và thường xuyên cập nhật kiến thức mới, có ý thức khắc phục và khắc phục bằng được lối dạy chay, thoát ly thực tế. Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ giảng viên học tập nghiên cứu thực tế tại địa phương, giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy với các giảng viên của một số Trường Chính trị trên cả nước, đồng thời tăng cường nghiên cứu, trao đổi thông qua bản tin nội bộ hàng tháng, các buổi thông tin thời sự chiều thứ 5 hàng tuần để giúp đội ngũ giảng viên nhà trường cập nhật kiến thức mới làm phong phú bài giảng, đảm bảo mục tiêu gắn lý luận với thực tiễn.

- Đối với công tác soạn, giảng:

+ Khâu đột phá trong công tác soạn giáo án là lựa chọn những nội dung trọng tâm của từng phần, từng bài để tập trung làm rõ cho người học. Với thời lượng chương trình rút ngắn nhưng dung lượng kiến thức gần như không thay đổi thì đây là công việc vô cùng cần thiết. Ngoài ra, đối với một số nội dung yêu cầu học viên tự học, tự nghiên cứu, giảng viên cũng đều đưa ra gợi ý cách tiếp cận vấn đề và dành 15p đầu giờ trên lớp để trao đổi qua đó đánh giá kết quả nghiên cứu của học viên.

+ Cuối mỗi nội dung trọng tâm đều có định hướng vận dụng (nội dung này trước được thực hiện trong phần thảo luận) nhằm giúp người học có những kiến thức, kỹ năng nhất định để vận dụng kiến thức đã học vào công tác của bản thân cũng như hoạt động của cơ quan đơn vị và địa phương. Những nội dung liên hệ thường gắn với từng đối tượng lớp, từng đối tượng người học chứ không chung chung, trừu tượng để học viên dù ở các lĩnh vực công tác khác nhau đều có thể vận dụng được.

+ Phân công giảng viên giàu kinh nghiệm lên lớp ở những buổi thảo luận cuối mỗi học phần vừa để hệ thống lại kiến thức lý luận, vừa định hướng vận dụng thực tiễn cho học viên. Ngoài ra trong các buổi thảo luận đều tăng bài tập tình huống và câu hỏi liên hệ thực tiễn để học viên dễ tiếp cận và nếu có khó khăn giảng viên sẽ trực tiếp hướng dẫn.

- Các hình thức thi, kiểm tra, đánh giá:

+ Thay đổi hình thức ra đề ( 30% lý thuyết, 70% liên hệ; 40% lý thuyết, 60% liên hệ,…). Thay đổi hình thức thi hết môn (từ thi đề mở sang thi đề đóng), kết hợp thi viết với thi vấn đáp. Nội dung thi có dung lượng kiến thức lý thuyết phù hợp với từng đối tượng, đồng thời đề cập tới 1 số nội dung thực tiễn đòi hỏi học viên phải vận dụng kiến thức đã học để giải quyết. Qua đó góp phần đánh giá chính xác kết quả cũng như thành tích học tập của học viên ở từng kỳ để xem xét điều chỉnh cho hợp lý trong những kỳ tiếp theo cả về nội dung lý luận cũng như kiến thức thực tiễn mà học viên cần có sau khi kết thúc khóa học.

+ Thanh tra, kiểm tra hoạt động lên lớp của giảng viên và học viên bằng các hình thức kiểm tra đột xuất, kiểm tra thường xuyên được thực hiện bởi ban thanh tra giáo dục của Nhà trường. Có các hình thức kiểm tra đối với giáo án của giảng viên trước khi lên lớp (kiểm tra thường xuyên có kế hoạch báo trước) và trong hoặc ngay sau khi lên lớp (kiểm tra đột xuất không có kế hoạch báo trước).

+ Nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu của học viên thông qua một số hình thức như: Giao câu hỏi, bài tập để học viên nghiên cứu trước khi lên lớp, tăng cường thảo luận, sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực đòi hỏi sự tham gia từ phía học viên trong quá trình giảng dạy như đối thoại, chuyên gia, vấn đáp, hoạt động nhóm,…

+ Mỗi khóa học, lớp học đều có kế hoạch gắn nội dung học tập với tham quan thực tế, khai thác kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị đến tham quan, nghiên cứu. Kiên quyết chống bệnh hình thức, đi thực tế theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Trong kế hoạch nghiên cứu thực tiễn luôn mạnh dạn tới những nơi được coi là có nhiều vấn đề đòi hỏi lý luận lý giải.

+ Kết hợp giữa nhà trường với đơn vị học viên công tác. Việc kết hợp giữa nhà trường và xã hội trong giáo dục được xem là vấn đề có tính nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt.

Với rất nhiều hoạt động ý nghĩa, toàn diện trường Chính trị tỉnh Yên Bái trong thời gian qua luôn đảm bảo công tác giáo dục lý luận chính trị, không ngừng nâng cao vị thế của nhà trường, thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực trình độ về mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận và học tập lý luận luôn soi sáng sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo, chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.

Nguyễn Thị Thương Huyền

Khoa LLMLN, TT HCM